Phát biểu tại Hội nghị, bà Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, có 5 nội dung lớn của dự thảo Luật có tác động trực tiếp, ảnh hưởng sâu sắc tới phụ nữ cần bàn bạc.
Khoảng 69% phụ nữ rút bảo hiểm xã hội một lần là người dưới 35 tuổi. |
Thứ nhất, Dự thảo Luật đã mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với nhóm chủ hộ kinh doanh, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc không trọn thời gian, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.
Thứ hai, các quy định trợ cấp hưu trí xã hội góp phần đảm bảo an toàn thu nhập cho người cao tuổi, bởi theo số liệu thống kê, số người được hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng đối với người cao tuổi chỉ chiếm 35% số người sau độ tuổi nghỉ hưu.
Chỉ có 16% phụ nữ trên 65 tuổi được nhận lương hưu từ bảo hiểm xã hội, thấp hơn rõ rệt so với tỷ lệ 27,3% ở nam giới. Vậy việc quy định cụ thể đối tượng, điều kiện hưởng trợ cấp xã hội trong dự thảo luật đã thoả đáng chưa, có cần quy định lộ trình điều chỉnh giảm tuổi hưởng hưu trí xã hội trong Luật?
Thứ ba, các quy định về chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội, hạn chế chính của chế độ thai sản ở Việt Nam là diện bao phủ thấp. Chỉ có người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mới được hưởng chế độ thai sản, chiếm khoảng trên 30% lực lượng lao động. Vậy mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đã phù hợp chưa, có cần bổ sung thêm các quyền lợi khác cho lao động nữ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện?
Thứ tư, các quy định liên quan đến bảo hiểm xã hội một lần; qua thực tế cho thấy, tỷ lệ hưởng bảo hiểm xã hội một lần của lao động nữ cao hơn nam giới; thuộc nhóm lao động trẻ tuổi và tập trung ở khu vực ngoài nhà nước.
Thứ năm, với Dự thảo Luật lần này, cần thảo luận thêm về các vấn đề khác liên quan đến bình đẳng giới; quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội
Nêu quan điểm về bình đẳng giới trong việc đảm bảo chế độ chính sách bảo hiểm y tế cho lao động nữ, bà Vũ Hoàng Dương, quản lý chương trình Alive & Thrive tại Việt Nam, dẫn chứng nhiều chính sách thai sản cho nữ giới tại một số nước trong khu vực.
Như tại Philippines, lao động nữ chưa tham gia bảo hiểm xã hội cũng được hưởng mức trợ cấp một lần là 7 triệu đồng. Nguồn chi từ thuế đồ uống có đường, rượu bia, thuốc lá.
Bà Dương kiến nghị cần mở rộng chế độ thai sản để đảm bảo công bằng, thúc đẩy bình đẳng giới, duy trì mức sinh thay thế. Cụ thể, tăng mức trợ cấp lên tối thiểu 3,6 triệu đồng/trẻ.
Đồng thời, mở rộng trợ cấp thai sản phổ quát cho mọi lao động nữ bất kể có tham gia bảo hiểm xã hội hay không để mọi trẻ sinh ra không rơi vào nghèo đói. Ước tính chi phí chính sách chỉ bằng 13% so với thiệt hại về kinh tế, xã hội do sức khỏe của bà mẹ và trẻ không được đảm bảo.
Còn nói về việc rút bảo hiểm xã hội một lần, ông Nguyễn Hải Đạt, điều phối quốc gia - an sinh xã hội, Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam cho hay, nhiều phụ nữ rút bảo hiểm xã hội một lần sau khi nghỉ thai sản, sau khi hưởng bảo hiểm thất nghiệp, sau đó không quay lại hệ thống bảo hiểm xã hội. Khoảng 69% phụ nữ rút bảo hiểm xã hội một lần là người dưới 35 tuổi.
Phụ nữ sử dụng tiền an sinh xã hội dài hạn để đáp ứng nhu cầu ngắn hạn, trong đó có nuôi con nhỏ. Hệ thống an sinh xã hội đóng góp nói chung đang thiếu các chế độ ngắn hạn (hỗ trợ nuôi con), hoặc chế độ ngắn hạn chưa đủ theo nhu cầu (thất nghiệp).
"Vì vậy, chính sách cần cải thiện các chế độ ngắn hạn để thay thế thu nhập từ rút bảo hiểm xã hội một lần (dài hạn), vừa khuyến khích việc ở lại hệ thống, vừa đảm bảo nhu cầu ngắn hạn của người lao động. Có thể cân nhắc bổ sung chế độ hỗ trợ nuôi con để giảm tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần", ông Đạt kiến nghị.
Được biết, Dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) gồm 10 chương, 136 điều đã bám sát 5 chính sách được Quốc hội thông qua, bao gồm: Xây dựng hệ thống Bảo hiểm xã hội đa tầng, linh hoạt; mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội;
Mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng bảo hiểm xã hội (lương hưu, bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội); bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội; đa dạng hoá danh mục, cơ cấu đầu tư Quỹ bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cụ thể hóa quy định 11 nội dung lớn: Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng; mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc;
Dự thảo bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; bổ sung chế độ thai sản vào chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện; giảm điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu hàng tháng từ 20 năm xuống 15 năm; quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần;
Bổ sung quy định quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội nhằm xử lý tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội; căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; sửa đổi các quy định gắn với tiền lương khu vực Nhà nước phù hợp với định hướng của Nghị quyết số 27-NQ/TW; sửa đổi, bổ sung về đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư Quỹ bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả; chi phí quản lý bảo hiểm xã hội.
Dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cũng bổ sung quy định người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu (chưa đủ 15 năm đóng) và cũng chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (chưa đủ 75 tuổi) thì được lựa chọn hưởng trợ cấp hàng tháng cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội tùy thuộc vào thời gian đóng, tiền lương, thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động; đồng thời trong thời gian hưởng trợ cấp hàng tháng thì được hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách Nhà nước bảo đảm.