Năng lực cạnh tranh của thị trường lao động Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực. Nguồn: CIEM |
Cơ cấu lao động đã qua đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu thực tiễn trong khi các định chế trung gian, chính sách an sinh và bảo hiểm của thị trường lao động còn yếu, độ bao phủ thấp, chưa đạt hiệu quả cao, nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá thêm tại Hội thảo "Phát triển thị trường lao động nhằm thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế ở Việt Nam" diễn ra vào ngày 26/4 tại Hà Nội.
Bà Lê Thị Xuân Quỳnh, Phó Trưởng ban Ban nghiên cứu kinh tế ngành và lĩnh vực (CIEM) đánh giá rằng chất lượng nguồn lao động của Việt Nam còn thấp, trong đào tạo còn thiếu gắn kết giữa đào tạo và thực hành. Kỹ năng người lao động Việt Nam còn nhiều hạn chế, chỉ đạt 46/100 điểm (xếp thứ 103 trên thế giới), chỉ cao hơn Indonesia, Lào, và kém rất xa so với nhóm ASEAN-4.
Thực tiễn những năm vừa qua cho thấy thị trường lao động Việt Nam đã có những cải thiện nhất định về hệ thống chính sách lao động, việc làm, tạo khung pháp lý để phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của nguồn nhân lực và giải quyết việc làm cho người lao động.
Kết quả là giai đoạn vừa qua, thị trường lao động đã có nhiều dịch chuyển tích cực. Lao động đã dịch chuyển từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ; từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức, từ những công việc không ổn định, bấp bênh (lao động tự do, lao động gia đình không được hưởng lương) sang những công việc mang tính ổn định, bền vững và đảm bảo hơn; từ những ngành nghề đơn giản sang những ngành nghề đòi hỏi chuyên môn, kỹ thuật cao; từ khu vực có năng suất lao động thấp sang khu vực có năng suất lao động cao hơn.
Tuy vậy, thị trường lao động của Việt Nam vẫn bộc lộ không ít bất cập. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các chính sách được xây dựng chưa bao phủ đầy đủ các chủ thể trên thị trường lao động. Thị trường lao động Việt Nam nhìn chung vẫn là thị trường dư thừa lao động, chất lượng việc làm chưa cao; phát triển không đồng đều, mất cân đối nghiêm trọng về cung - cầu lao động giữa các vùng, khu vực, ngành nghề kinh tế.
Chuyển dịch lao động từ ngành có năng suất thấp, thu nhập thấp sang ngành có năng suất cao, thu nhập cao đã có cải thiện nhưng chưa nhanh; chuyển dịch lao động từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức còn chậm.
Nguyên nhân được xác định là do hệ thống chính sách chưa đồng bộ, triển khai chậm; giáo dục và đào tạo chưa gắn kết với nhu cầu; chính sách tiền lương chưa tạo được động lực; các loại hình bảo hiểm xã hội chậm phát triển; thiếu các quy định quản lý loại hình lao động phi chính thức; các định chế trung chưa phát triển; và hệ thống thông tin trên thị trường lao động chưa được phát triển đầy đủ.
TS. Bùi Sỹ Tuấn, Phó chánh văn phòng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận định, thị trường lao động là một trong những yếu tố đầu vào quyết định đến sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế. Thế nhưng, một vấn đề lớn hiện nay của thị trường lao động là thiếu thông tin, đặc biệt thông tin các ngành nghề thu hút nhiều lao động, khiến người sử dụng lao động và người lao động không có đủ thông tin ra quyết định.
Những phân tích khác tại hội thảo cho rằng, thông tin cho người lao động và người sử dụng lao động cần phải được cụ thể hóa hơn nữa, tránh ở tình trạng thông tin vĩ mô như hiện nay, khiến người lao động rất khó tiếp cận và nắm bắt được cơ hội việc làm thực sự.
Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh kinh tế quốc tế có nhiều thay đổi và biến động khó lường, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, diễn biến gay gắt của biến đổi khí hậu tiếp tục đặt ra yêu cầu về cơ cấu lại nền kinh tế; đổi mới mô hình tăng trưởng với trọng tâm là cơ cấu lại các ngành sản xuất, dịch vụ phù hợp với các vùng, thúc đẩy cơ cấu lại và điều chỉnh chiến lược phát triển doanh nghiệp, tăng nhanh giá trị nội địa, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm, của doanh nghiệp và của cả nền kinh tế nhằm phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực cho phát triển đất nước.
Ngoài ra, cần xác định rõ các ưu tiên chính sách và nguồn lực cần thiết để tập trung cải thiện và phát triển thị trường lao động, qua đó thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế.
Trong giai đoạn tới, phát triển thị trường lao động cần chú trọng hoàn thiện thể chế, chính sách về đào tạo nguồn nhân lực, về tạo dựng và giải quyết việc làm cho người lao động, về tiền lương cho người lao động và phát triển các định chế trung gian, các cơ chế an sinh, bảo hiểm xã hội cho người lao động, nhằm thúc đẩy thị trường lao động phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả, và hội nhập với thị trường lao động khu vực và thế giới, đáp ứng quá trình cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hiện đại, thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao.