Y tế - Sức khỏe
Tỷ lệ tử vong ở trẻ em mắc Covid-19 thấp, nhưng không được chủ quan
Dương Ngân - 16/02/2022 21:04
Toàn quốc ghi nhận 39.432 ca mắc Covid-19 tử vong (chiếm 1,5%), trong đó có 165 ca là trẻ em (chiếm 0,42% so với tử vong chung).

Ngày 16/2, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn hướng dẫn xử trí, chăm sóc và điều trị cho trẻ em mắc Covid-19 kết nối các điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố.

Không nên chủ quan khi trẻ mắc Covid-19.

Theo báo cáo của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), tính đến ngày 15/2, toàn quốc ghi nhận hơn 2.570.000 ca mắc Covid-19, trong đó có hơn 490.000 là trẻ em dưới 18 tuổi (chiếm 19,2%). 

Trong tổng số trẻ mắc Covid-19, độ tuổi từ 13-17 (chiếm 4,8%); từ 6-12 tuổi (chiếm 8%); từ 3-5 tuổi (chiếm 2,8%) và từ 0-2 tuổi (chiếm 3,6%).

Toàn quốc cũng đã ghi nhận 39.432 ca mắc Covid-19 tử vong (chiếm 1,5%), trong đó có 165 ca là trẻ em (chiếm 0,42% so với tử vong chung). Trong số các trẻ tử vong, độ tuổi từ 13-17 (chiếm 0,11%), trẻ từ 6-12 tuổi (chiếm 0,1%) và từ 0-2 tuổi (chiếm 0,18%).

Theo ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, số bệnh nhân F0 là 6.484 trường hợp, trong đó trẻ dưới 16 tuổi là 617 em. 

Trong số 1.436 F0 nặng, nguy kịch có 21 trẻ em (tỷ lệ 3,4%). Bệnh nhân trẻ em tử vong/bệnh nhân tử vong chung là 0/470 trường hợp.

Cũng theo ông Nguyễn Trọng Khoa, tỷ lệ tử vong trẻ em thấp nhưng không được chủ quan. Bởi trong bối cảnh mở cửa, giao lưu trở lại bình thường số mắc trẻ em sẽ cao. Trong số đó có tỷ lệ các em có nguy cơ chuyển nặng sẽ dẫn đến tăng tử vong.

Một đại diện của Bệnh viện Nhi Trung ương lo ngại khi những tháng gần đây tỷ lệ mắc trẻ em bắt đầu gia tăng, xuất hiện một số trường hợp nặng và tử vong tại đây.

Thực tế tại cơ sở cho thấy, hiện có một số trẻ nguy cơ tiến triển nặng nhưng sau vài ngày diễn biến tốt lên nhưng có những trẻ không có nguy cơ vẫn diễn biến nặng. Một số biến chứng đáng lo ngại cua trẻ khi mắc Covid-19 là Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C).

Còn PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng, những ngày gần đây, số lượng trẻ nhiễm Covid-19 tăng lên. So với người lớn, trẻ mắc Covid-19 nhìn chung nhẹ hơn nhưng vẫn không nên chủ quan. 

Các yếu tố nguy cơ bệnh nặng ở trẻ, gồm: Trẻ đẻ non, cân nặng thấp; đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa, bất thường gene, béo phì; 

Bệnh hô hấp mạn tính, hen phế quản; bệnh tim bẩm sinh; suy giảm miễn dịch bẩm sinh, mắc phải (HIV, điều trị corticoid kéo dài); bệnh thận mạn; ung thư, huyết học (bệnh hồng cầu hình liềm)…

“Mấy ngày gần đây, chúng tôi thường xuyên gặp các cháu nhiễm Covid-19 bị sốt cao cần truyền dịch, hạ sốt, phòng, chống bội nhiễm. Vì vậy, chúng ta cần chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực để điều trị các bệnh nhân là trẻ em nhiễm Covid-19 nặng”, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu lưu ý.

Với cương vị phụ trách khối điều trị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng lo ngại khi các trường học mở cửa trở lại, việc bảo đảm an toàn dịch bệnh ở trường học cho trẻ là rất quan trọng. 

Chính vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần sắp xếp nguồn nhân lực tại chỗ, nâng cao kỹ năng thực hành y khoa để bảo đảm công tác phòng dịch.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, nếu không có các kịch bản phòng, chống chi tiết, cụ thể khi có trường hợp học sinh nhiễm bệnh thì sẽ gây lúng túng cho các trường học cũng như lo lắng từ phụ huynh, xã hội. 

Bên cạnh đó, đại diện Bộ Y tế cũng đã đề nghị các địa phương đẩy mạnh tiến độ tiêm chủng cho trẻ để các em quay trở lại trường học an toàn.

Liên quan tới việc tiêm vắc-xin, theo PGS.TS.Nguyễn Lân Hiếu, hiện các cơ quan chuyên môn đã đưa ra nhiều phân tích về tác dụng của việc tiêm vắc-xin. Trên thế giới, nhiều nước đã triển khai tiêm. Các cơ quan chức năng cần tiếp tục kiên trì giải thích, động viên, phân tích thiệt hơn để phụ huynh đồng thuận. 

“Đồng thời, các địa phương cần sàng lọc nhóm trẻ có nguy cơ cao nếu nhiễm Covid-19, như các em bị béo phì, đái tháo đường, tổn thương tim bẩm sinh... để tiêm phòng sớm cho các trường hợp này”, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cho biết.

Với mục tiêu điều trị, chăm sóc trẻ mắc Covid tại nhà, theo chuyên gia là cần phát hiện kịp thời các triệu chứng nặng, điều trị các triệu chứng thông thường và tránh lây nhiễm chéo trong gia đình.
Lợi ích điều trị tại nhà đó là trẻ được chăm sóc trong vòng tay người thân, trẻ không bị thay đổi môi trường sống, ít ảnh hưởng tới tâm lý và hạn chế quá tải y tế không cần thiết.
Tin liên quan
Tin khác