CHKQT Tân Sơn Nhất có công suất 25 triệu hành khách/năm hiện đang bị quá tải khi lượng hành khách năm 2016 qua cửa ngõ này trong năm 2016 có thể lên tới 32 triệu lượt |
Theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn – Chủ tịch IPP, doanh nghiệp này được biết Chính phủ đã lên kế hoạch cho phép triển khai xây dựng một nhà ga lưỡng dụng với công suất khoảng 10 triệu khách/năm để giảm tải cho CHK quốc tế Tân Sơn Nhất.
Nhưng với tốc độ phát triển như hiện nay, IPP nhận thấy nhà ga lưỡng dụng này vẫn chưa đủ công suất để phục vụ hành khách theo nhu cầu phát triển trong những năm tới. Trước mắt, Tân Sơn Nhất vẫn cần phải được đầu tư, xây dựng, mở rộng thêm một hệ thống nhà ga hành khách với tổng công suất đạt khoảng 40 – 50 triệu khách/năm, kết hợp với việc nâng cao năng lực khai thác sân đỗ tàu bay và đường lăn, từ nay cho đến khi CHK quốc tế Long Thành được hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2025.
“Do vậy, IPP đề xuất được dùng vốn của mình, không liên danh, liên kết với bất kỳ đối tác nước ngoài nào, để thực hiện đầu tư xây dựng thêm một nhà ga hành khách công suất khoảng 10 triệu khách/năm nhằm góp phần cùng nhà ga lưỡng dụng nâng tổng công suất khai thác của CHK quốc tế Tân Sơn Nhất lên 40 – 50 triệu khách/năm theo nhu cầu phát triển từ nay đến năm 2025” – ông Hạnh Nguyễn đề xuất.
Được biết, IPP là đơn vị có hơn 31 năm đầu tư và phát triển tại Việt Nam. Hiện tại, doanh nghiệp này đã đầu tư và cùng hợp tác đầu tư 47 dự án với tổng số vốn hơn 480 triệu USD. IPP đang tham gia góp vốn xây dựng Nhà ga hành khách, cảng hàng không quốc tế Cam Ranh.
CHKQT Tân Sơn Nhất gồm 2 nhà ga gồm nhà ga T1 nội địa có công suất 15 triệu hành khách/năm và nhà ga quốc tế T2 có công suất 10 triệu hành khách/năm hiện đang bị quá tải khi lượng hành khách năm 2016 qua cửa ngõ này trong năm 2016 có thể lên tới 32 triệu lượt khách. Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đầu tư mở rộng T2 lên 13 triệu lượt khách và phối hợp với Bộ Quốc phòng triển khai xây dựng nhà ga lưỡng dụng công suất 10 triệu khách/năm, dự kiến hoàn thành vào năm 2018.