Thê thảm số phận ụ nổi
Công ty cổ phần cảng Đồng Nai thuộc Tổng công ty Phát triển khu công nghiệp vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông - Vận tải và Vinalines, đề nghị sớm di dời ụ nổi M83 ra khỏi vùng nước khu vực Cảng Gò Dầu sau gần 7 năm neo đậu vạ vật tại đây.
Cần phải nói thêm rằng, số công văn đuổi ụ nổi M83 mà Công ty cổ phần cảng Đồng Nai gửi tới Vinalines và đơn vị quản lý trực tiếp là Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines (VNLSY) trong khoảng 2 năm nay đã lên tới cả xấp.
Ụ nổi M83 để vạ vật tại Cảng Gò Dầu, đang bị xuống cấp nghiêm trọng, gây mất an toàn hàng hải |
Trong văn bản được gửi đi vào đầu tháng 6/2015, đại diện Cảng Đồng Nai đã dùng những từ rất đắt để miêu tả về khối tài sản từng được cựu Chủ tịch HĐTV Vinalines Dương Chí Dũng quyết định mua về với giá 9 triệu USD, nay đang ở trong hoàn cảnh rất bi đát.
“Đa phần các dây neo buộc của ụ M83 đã mục nát, lâu ngày không được thay thế, không có dây neo bờ và mũi phía thượng lưu có nguy cơ gây mất an toàn hàng hải”, bà Nguyễn Thị Bạch Mai, Tổng giám đốc Cảng Đồng Nai cho biết.
Mối lo ngại của chủ cảng là có cơ sở, bởi ụ nổi M83 đã từng “gây họa” cho chủ cảng. Vào giữa tháng 7/2014, ụ nổi M83 bị trôi dạt do thủy triều xuống thấp, dẫn đến kéo căng dây neo buộc, làm gẫy trụ buộc dây B3, cảng Gò Dầu. Chủ cảng đã gửi yêu cầu bồi thường và lập dự toán thi công lại trụ buộc dây B3 với giá trị khoảng 784 triệu đồng.
Đại diện Cảng Đồng Nai đề nghị Vinalines và VNLSY trong khi chờ đợi di dời phải có biện pháp neo buộc an toàn, thay các dây neo mục nát và có lực lượng đảm bảo an toàn hàng hải cho ụ nổi M83 và an toàn cho các công trình khu vực xung quanh.
Được biết, năm 2008, VNLSY đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần Dịch vụ hàng hải Đồng Nai về việc thuê bến neo đậu và cung cấp tàu lai trực sự cố cho ụ nổi M83. Trên cơ sở đó, Công ty cổ phần Dịch vụ hàng hải Đồng Nai đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần Cảng Đồng Nai về việc thuê bến phao trong vùng nước khu vực cảng Gò Dầu, thời gian thuê là 2 năm, từ 24/11/2008 đến 24/11/2010, sau đó được gia hạn đến 31/12/2013.
Trái ngược với kỳ vọng về việc có được một khoản doanh thu kha khá, Công ty cổ phần Cảng Đồng Nai không những không thu được tiền neo đậu, mà còn lĩnh nguyên một “cục nợ” khi ụ nổi M83 chiếm nguyên một vùng nước khá lớn tại cảng Gò Dầu ròng rã suốt một thời gian dài.
Do dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam dừng thực hiện và VNLSY cũng ngừng mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, nên không có kinh phí trang trải công nợ, buộc chủ cảng phải quay sang “nã” Vinalines.
Không chốn dung thân
Được biết, Vinalines đã nhận được yêu cầu mới nhất của phía chủ cảng, song cho biết là chưa biết dắt M83 đi đâu và bằng cách nào, bởi để di chuyển ụ nổi nặng cả ngàn tấn này sau 7 năm bất động, cần một khoản tiền không nhỏ.
“Vinalines cũng chỉ là một cổ đông tại VNLSY nên không thể đem tiền từ công ty mẹ sang cứu M83”, thông tin từ Vinalines cho biết.
Trước đó, vào cuối năm 2014, sau nhiều thúc ép, VNLSY đã lên các phương án bảo đảm an toàn tạm thời cho ụ nổi, kể cả phương án “đau xót” là đánh chìm ụ nổi trong trường hợp cần thiết để giảm thiểu thiệt hại. Đối với đề nghị của cảng vụ Cảng Đồng Nai về tăng cường phương tiện lai dắt, VNLSY cũng đã liên hệ với nhiều đối tác để đàm phán thuê 2 tàu lai trực sự cố, nhưng đều bị từ chối vì đơn vị quản lý ụ nổi không có bất cứ nguồn tài chính nào để thanh toán.
Được biết, mặc dù được đánh giá là mua hớ, nhưng số phận của ụ nổi M83 không chỉ có con đường duy nhất là “xẻ” thịt bán sắt vụn. Nhà máy Đóng tàu Ba Son từng đề xuất Vinalines phương án hợp tác hoặc chuyển nhượng ụ nổi M83.
Tuy nhiên, phương án hợp tác này bị đổ vỡ, do ụ nổi M83 hiện vẫn được Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an và Bộ Giao thông - Vận tải xác định là vật chứng của vụ án tham nhũng tại Vinalines. Với yêu cầu nói trên, ụ nổi M83 phải được quản lý, bảo quản và không được bán thanh lý khi chưa có quyết định của các cơ quan tư pháp có thẩm quyền.
Điều khó hiểu là tại phiên toà sơ thẩm (tháng 12/2013) và phúc thẩm (5/2014), Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã xác định, từ đầu năm 2007 đến hết năm 2008, thông qua việc mua ụ nổi M83 với Công ty AP - Singapore, nguyên Chủ tịch HĐTV Vinalines Dương Chí Dũng cùng các đồng phạm đã làm trái các quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu, điều kiện nhập khẩu tàu biển, quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại… Hành vi của các bị cáo đã gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước 366,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo Vinalines, trong các cáo trạng và bản án phúc thẩm đã tuyên, ụ nổi không có trong danh mục vật chứng của vụ án.
“Chúng tôi rất mong các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn các bước đi cần thiết để thanh lý, nhượng bán ụ nổi M83, nhằm thu hồi một phần vốn đã đầu tư, giảm thiểu thiệt hại liên quan đến chi phí quản lý, bảo vệ khối tài sản này”, đại diện Vinalines đề nghị.