| ||
Có 8 trên 10 bị cáo vụ “đại án” vinalines đã làm đơn kháng cáo |
Đối với Dương Chí Dũng, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã có đơn kháng cáo, song không gửi trực tiếp tới cơ quan tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án nên Tòa án nhân dân TP Hà Nội chưa nhận được.
Với những gì đã diễn ra ở phiên tòa sơ thẩm nên không có gì bất ngờ khi trong đơn kháng cáo gửi Tòa án nhân dân Tối cáo, Mai Văn Phúc – cựu Tổng giám đốc Vinalines cho rằng, tất cả các căn cứ buộc tội ông ta đều không đúng.
Cụ thể, ở tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, ông ta chỉ là người tiếp tục thực hiện nhiệm vụ triển khai dự án Nhà máy sửa chữa và đóng mới tàu biển phía Nam, trên cơ sở dự án đã được HĐQT Vinalines phê duyệt, từ trước khi ông ta được bổ nhiệm nắm giữ chức vụ Tổng giám đốc. Ở hành vi mua ụ nổi 83M, Mai Văn Phúc cũng khẳng định ông ta không chỉ đạo cấp dưới hợp thức hóa hồ sơ như cáo trạng và bản án sơ thẩm quy kết. Về việc thanh toán và mua bán ụ nổi, cựu Tổng giám đốc Vinalines lý lẽ là đã tuân thủ đúng trình tự, thủ tục về tài chính cũng như quy trình đầu tư thiết bị sửa chữa tàu biển.
Với tội “Tham ô tài sản”, Mai Văn Phúc lập luận các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ căn cứ vào việc ông ta từng gặp gỡ đại diện Công ty AP (Singapore) và lời khai chia chác hơn 1,6 triệu USD của Trần Hải Sơn để định tội là không thỏa đáng. Bởi lẽ ông ta chỉ gặp đại diện Công ty AP đúng một lần trong vài phút ở Vinalines và văn bản thỏa thuận phân chia khoản tiền 9 triệu USD mua bán ụ nổi giữa các bên được lập từ trước khi bị cáo lên nắm quyền TGĐ. Cuối đơn kháng cáo, cựu TGĐ Vinalines viết: “Tôi hoàn toàn không liên quan gì đến khoản tiền hơn 1,6 triệu USD. Vì vậy, kính mong quý tòa phúc thẩm – Tòa án nhân dân Tối cáo xem xét làm rõ vấn đề, làm rõ sự thật, bản chất vụ án để minh oan cho tôi”.
Là một trong 4bị cáo bị quy kết tội “Tham ô tài sản”, Trần Hữu Chiều, nguyên Phó tổng giám đốc Vinalines, kiêm trưởng ban Quản lý dự án Nhà máy sửa chữa, đóng mới tàu biển phía Nam đã dùng tới 18 trang giấy A4 để viết đơn kháng cáo. Trong đơn, bị cáo này tường thuật lại vụ án khá chi tiết, kể lể rất nhiều về những đóng góp, thành tích của bản thân đối ngành hàng hải và nêu rõ những công trạng của gia đình đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Sau cùng, Trần Hữu Chiều đề nghị Tòa án nhân dân Tối cao xem xét giảm án ở tội cố ý làm trái và xóa tội tham ô tài sản. Lý do được cựu Phó TGĐ Vinalines đưa ra là sai phạm mang tính “dây chuyền”, hệ thống và khoản tiền 340 triệu đồng (trong hơn 1,6 triệu USD) chỉ là món tiền do Trần Hải Sơn biếu để bồi dưỡng sức khỏe. Ông ta khẳng định, không hề được bàn bạc gì về việc “lại quả” trong phi vụ mua bán ụ nổi.
Ngoài ra, Trần Hữu Chiều còn đề nghị cấp tòa phúc thẩm giảm bớt trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho ông ta… Các bị cáo còn lại (trừ Lê Văn Dương, Trần Hải Sơn) gồm: Mai Văn Khang – cựu Phó tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Vận tải viễn dương Vinalines, Huỳnh Hữu Đức, nguyên Phó Chi cục trưởng, Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa, Lê Văn Lừng, cựu cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong và Lê Ngọc Triện – Đội trưởng Đội nghiệp vụ Chi cục Hải quan Vân Phong cũng lần lượt có đơn kháng cáo đề nghị Tòa án nhân dân Tối cao xem xét giảm nhẹ hình phạt, giảm mức bồi thường thiệt hại và kháng cáo kêu oan.
Cũng theo thông tin từ Tòa án nhân dân TP Hà Nội, ngoài 8 bị cáo trong vụ “đại án” Vinalines đã được gửi tới cơ quan này thì bà Phạm Thị Mai Phương (vợ Dương Chí Dũng) cũng có đơn kháng cáo đối với phần dân sự liên quan.
Trong đơn kháng cáo gửi Tòa án nhân dânTối cao, một lần nữa, bà Phạm Thị Mai Phương khẳng định cả 3 ngôi nhà mà cấp tòa sơ thẩm quyết định kê biên đều không dính dáng đến tiền tham ô của Dương Chí Dũng. Tất cả đều do công sức của cả gia đình bà tạo dựng nên. Do đó, bà Phương đề nghị Hội đồng Xét xử phúc thẩm tới đây hãy xóa bỏ niêm phong, phát mãi để thi hành án mà hãy trao trả lại cho chủ sở hữu đích thực của chúng.
Trịnh Tuyến (antd.vn)