Điện thoại và linh kiện vẫn là mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang UEA, đạt 551 triệu USD, tăng 108% so với cùng kỳ năm ngoái. |
Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) là 1 trong 10 đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trên thế giới, và là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông và Châu Phi.
Theo số liệu mới nhất của Tổng Cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và UAE đạt 809 triệu USD, tăng trưởng tới 58% so với cùng kỳ năm 2020.
Về cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, điện thoại các loại và linh kiện vẫn là mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường này, đạt 551 triệu USD, tăng tới gần 108% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm tới 2/3 tổng kim ngạch xuất khẩu. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid, các mặt hàng như giày dép các loại và hàng dệt may có kim ngạch giảm, lần lượt đạt 14 triệu USD và 11 triệu USD, giảm 23% và 11% tương ứng.
Nông sản cũng là nhóm hàng có mức tăng trưởng khả quan. Cụ thể hạt điều đạt 10,3 triệu USD, tăng gần gấp 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái,thủy sản, đạt 10,6 triệu USD, tăng 18%; hàng rau quả đạt 7,5 triệu USD, tăng 12% và hạt tiêu đạt 4,8 triệu USD, tăng 17%. Đây đều là những nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, có giá trị gia tăng cao cũng như bền vững trong xuất khẩu.
Thương vụ Việt Nam tại UAE (kiêm nhiệm Qatar) cho biết, với vị trí địa lý thuận lợi cũng những chính sách ngoại thương linh hoạt, hiệu quả, cơ sở hạ tầng hiện đại, UAE được coi là cửa ngõ để thâm nhập khu vực Trung Đông và Châu Phi. 80% hàng hóa nhập khẩu vào UAE để tái xuất sang nước thứ 3.
Bên cạnh đó, với việc bình thường hóa quan hệ giữa UAE và một số nước Trung Đông như Qatar, Israel, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường UAE sẽ có thêm nhiều cơ hội để tái xuất hàng hóa sang các thị trường này.
UAE là quốc gia có yếu tố khí hậu khắc nghiệt, nắng nóng quanh năm cũng như điều kiện thổ nhưỡng chủ yếu là sa mạc, không thích hợp cho việc trồng trọt. Chính vì vậy, để đảm bảo an ninh lương thực cũng như phục vụ nhu cầu của người dân và khách du lịch, UAE phải nhập khẩu rất lớn lương thực và thực phẩm từ khắp nơi trên thế giới.
Với những yếu tố nêu trên, trong thời gian tới, cùng với việc nhu cầu tiêu thụ, tiêu dùng tại UAE và trên thế giới quay trở lại sau dịch bệnh, cũng như các biện pháp hỗ trợ, xúc tiến thương mại của Chính phủ và các cơ quan liên quan của Việt Nam, thị trường UAE sẽ tiếp tục là thị trường đầy tiềm năng để thâm nhập và phát triển đối với doanh nghiệp Việt Nam.