Doanh nghiệp
UKVFTA mang lại lợi ích đáng kể cho doanh nghiệp Anh tại Việt Nam
Thế Hải - 14/12/2023 12:55
Hiệp định UKVFTA đã mang lại những lợi ích đáng kể cho doanh nghiệp Anh tại Việt Nam, thể hiện qua việc cắt giảm thuế quan và mở rộng tiếp cận thị trường.
Doanh nghiệp Anh đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký 4,28 tỷ USD.

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA) có hiệu lực tạm thời từ ngày 01/01/2021 và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/5/2021.

Sau gần 3 năm thực thi, UKVFTA mang lại cú hích đáng kể đối với hoạt động thương mại, đầu tư giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Anh.

Việc thu hút FDI từ Vương quốc Anh sau khi thực thi UKVFTA đã có sự khởi sắc. Tính đến ngày 20/10/2023, Vương quốc Anh có 550 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 4,28 tỷ USD, đứng thứ 15 trong số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam.  

Theo ông Bob Fletcher, Giám đốc Dịch vụ hải quan và Thương mại toàn cầu, Deloitte Vietnam: "Hiệp định UKVFTA đi vào thực thi, tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch, dễ tiếp cận hơn cho các doanh nghiệp Anh, gia tăng số lượng doanh nghiệp Anh quan tâm tăng cường đầu tư hợp tác trong một số lĩnh vực tại Việt Nam".

Hiệp định đã mang lại những lợi ích đáng kể cho doanh nghiệp Anh tại Việt Nam, bao gồm việc giảm thuế quan và mở rộng tiếp cận thị trường. 

Hàng hóa Vương quốc Anh xuất khẩu nhiều sang Việt Nam là máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu cho da giày hay cho dệt may hay là các nguyên phụ liệu sản xuất khác.

Số liệu của Bộ Công thương, năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt – Anh đạt 6,6 tỷ USD, tăng 17,2 so với 2020 và tăng hơn 4 lần so với trước khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược (năm 2009, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt - Anh là 1,65 tỷ USD). 

Trong đó, xuất khẩu đạt 5,76 tỷ USD, tăng 16,4%, nhập khẩu đạt 849 triệu USD, tăng 23,6%. 

Thương mại song phương giữa Việt Nam - Vương quốc Anh 10 tháng năm 2023 đạt 5,87 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước, là điểm nhấn tích cực trong bối cảnh thương mại hàng hóa toàn cầu suy giảm.

Liên quan đến lợi ích mở rộng tiếp cận thị trường, các chuyên gia thương mại cho rằng, Hiệp định đã đơn giản hóa các thủ tục và tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch, dễ tiếp cận hơn cho các doanh nghiệp Anh có dự định thành lập, đầu tư, tiến hành hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Đồng thời, Hiệp định cũng đã mở ra những cơ hội mới để cho các doanh nghiệp Anh mở rộng đầu tư trong các lĩnh vực dịch vụ tài chính, công nghệ và năng lượng tái tạo.  Anh đang đứng thứ 15 trên tổng số 143 nước có hoạt động đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.

Nói thêm về các lĩnh vực được doanh nghiệp Anh để mắt nhiều nhất, đại diện Deloitte Vietnam chỉ rõ, đó là: "Năng lượng tái tạo, gồm: điện gió, truyền tải và lưu trữ năng lượng; dịch vụ tài chính, bảo hiểm, máy móc, thiết bị, chuyển giao công nghệ, giáo dục, đồ uống và thực phẩm, công nghiệp ô tô..."

Triển vọng đầu tư, thương mại Việt - Anh tiếp với cú hích từ FTA song phương và CPTPP còn rất lớn. Vương quốc Anh đã chính thức ký thỏa thuận gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), là những động lực thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại –đầu tư tiếp tục phát triển mạnh mẽ.

Ngoài các lợi ích rõ rệt về mặt thuế quan, bổ sung thêm nhiều ưu đãi hấp dẫn so với Hiệp định song phương hiện có, CPTPP còn tạo ra những lợi ích to lớn cho cả hai nước trong việc tích hợp sâu hơn vào chuỗi cung ứng của nhau, thuận lợi hóa quá trình kinh doanh của doanh nghiệp hai nước.

Tin liên quan
Tin khác