Hiện nay, nhiều phần mềm, hệ thống công nghệ đã được ứng dụng có hiệu quả trong y tế. |
Thay đổi kỳ diệu
Tại Bệnh viện Vân Đồn (Quảng Ninh) thời điểm này, tất cả các khoa phòng đều không còn cảnh người bệnh chen nhau xếp hàng đặt sổ khám. Bác sĩ Bùi Thị Thuy, Trưởng khoa Phẫu thuật - Gây mê - Hồi sức cho biết, Bệnh viện được “ngăn nắp” hơn là do đang triển khai thí điểm phần mềm Bệnh án điện tử.
Theo bác sĩ Thuy, trước đây, y, bác sĩ phải mất rất nhiều thời gian để ghi chép bệnh án hoặc chờ đợi các khâu trung gian để có kết quả xét nghiệm của bệnh nhân. Với phần mềm Bệnh án điện tử, bác sĩ hoàn thành việc kê thuốc cho bệnh nhân trên máy tính, giúp Khoa Dược cập nhật và cấp thuốc ngay mà không cần chờ điều dưỡng ghi ra sổ và chuyển đến Khoa.
Bà Phạm Phùng Phương Nguyên, Trưởng phòng Công nghệ thông tin (Bệnh viện Nhân Dân Gia Định - TP.HCM) cho biết, nếu trước đây, bệnh nhân khám xong phải ngồi đợi theo số thứ tự để được cấp thuốc, thì bây giờ, bác sĩ kê toa xong là thông tin đã được chuyển xuống kho dược và 15 phút sau, bệnh nhân có thể nhận được thuốc. “Việc rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ một phần do Bệnh viện đưa vào sử dụng phầm mềm FPT.eHospital của FPT Software từ năm 2008”, bà Nguyên nói.
Được biết, phần mềm FPT.eHospital được FPT Software xây dựng từ năm 2000, tích hợp AI và các công nghệ mới giúp các bệnh viện quản lý, vận hành trực tuyến theo thời gian thực; các bác sĩ tối ưu hóa công việc khám chữa bệnh với độ chính xác cao và bệnh nhân giảm thời gian chờ đợi đăng ký từ 4 phút xuống còn 1 phút.
Ông Phạm Minh Tuấn, Tổng giám đốc FPT Software cho biết: “Y tế là một trong những lĩnh vực trọng điểm mà Công ty ưu tiên dành nguồn lực trong chiến lược chuyển đổi số, vì mang lại lợi ích cho hàng chục triệu người dân và nếu triển khai thành công, thì sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển y tế thông minh, chính phủ số tại Việt Nam”.
Không chỉ FPT, một số doanh nghiệp công nghệ thông tin lớn của Việt Nam như VNPT, Viettel cũng tham gia lĩnh vực tiềm năng này.
Thị trường tiềm năng
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, công nghệ mang đến tác động diệu kỳ làm thay đổi toàn bộ ngành y trong tương lai. Trong đó, ứng dụng sâu rộng nhất là AI, với các phần mềm như sổ y tế điện tử bao gồm cả bệnh án điện tử, theo dõi sức khỏe và chăm sóc sắc đẹp hàng ngày, khám chữa bệnh điện tử, phòng bệnh và phát hiện bệnh từ sớm; chẩn đoán bệnh dựa trên phân tích hình ảnh y tế; điều trị; y tá ảo; nghiên cứu thuốc mới; đào tạo bác sĩ…
Nói về vấn đề này, ông Phạm Xuân Viết, Phó cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay, nhiều phần mềm, hệ thống có hợp phần chính là AI đã được ứng dụng có hiệu quả trong y tế. Cách đây 20 năm, các nghiên cứu về AI đã có, nhưng phần lớn chỉ mang tính lý thuyết. Nhưng hiện nay, mọi thứ đã khác, ngay tại Việt Nam, đã có một hệ thống AI cho chẩn đoán ung thư được vận hành và được các chuyên gia về y tế đánh giá cao.
Đến nay, ngành y tế Việt Nam đang tập trung kêu gọi các doanh nghiệp thực hiện các nghiên cứu và phát triển ứng dụng công nghệ. Ngành này cũng đã thí điểm một vài phần mềm, hệ thống công nghệ của nước ngoài, nhưng rất trân trọng những sản phẩm, ứng dụng do người Việt phát triển.
Theo GS. Nguyễn Tiến Dũng (Đại học Toulouse - Pháp), AI sẽ làm giảm chi phí khám chữa bệnh đến 50% và tăng hiệu quả khám chữa bệnh đến 40%. AI sẽ mang đến tác động nhiều mặt trong y tế, bởi vậy, thị trường ứng dụng công nghệ AI y tế rất tiềm năng. Nhiều doanh nghiệp hàng đầu thế giới cũng mạnh tay đầu tư vào AI như IBM Watson nghiên cứu ung thư, bệnh mãn tính; Google Deepmind được UK National Health Services dùng để tìm nguy cơ ung thư qua số liệu thu thập từ Mobile app; Exscentia, công ty phát triển thuốc dựa trên AI, làm ra thuốc mới nhanh gấp 4 lần so với trước…