Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc phụ trách VCCI Cần Thơ cho biết, vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn có lợi thế lớn về trồng trọt với sản phẩm chủ lực là lúa, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản đang giảm dần số trang trại nhưng gia tăng diện tích và nhất là mở rộng các vùng sản xuất chuyên canh để ứng dụng thiết bị khoa học kỹ thuật trong sản xuất.
Hội thảo nâng cao giá trị nông sản Việt Nam. Ảnh: Hữu Phúc. |
Tuy nhiên, chỉ mới dừng lại ở khâu cơ giới hóa, nhiều nhất là lĩnh vực trồng trọt như ngành lúa gạo với tỷ lệ 56% đến 96% tùy công đoạn, các lĩnh vực khác còn thấp hơn. Ngành nông nghiệp của ta chưa nhiều sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao, phần lớn vẫn là sản xuất thô, cung ứng đại trà ở phân khúc trung bình, một số doanh nghiệp đã tiếp cận ở phân khúc giá trị gia tăng cao, xây dựng thương hiệu riêng...nhưng vẫn là con số rất ít.Trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng ngày một tăng cao, hội nhập kinh tế thế giới đang buộc các mặt hàng nông sản phải cạnh tranh cao hơn về chất lượng tại các thị trường lớn, khó tính đang đặt ra những yêu cầu mới trong quá trình sản xuất của doanh nghiệp và quản lý đối với các cơ quan nhà nước.
Trước nhu cầu phát triển và ứng dụng công nghệ trong sản xuất, các doanh nghiệp đều phải quan tâm đầu tư và sử dụng công nghệ như là một lợi thế cạnh tranh nếu không muốn bị loại khỏi quá trình giao thương toàn cầu hay kể cả thị trường trong nước. Người tiêu dùng đang đặt ra nhu cầu ngày một cao hơn và nhất là họ phải biết được sản phẩm tiêu dùng được các doanh nghiệp sản xuất như thế nào, quy trình ra sao và chất lượng có được đảm bảo? Và như thế công nghệ kỹ thuật sẽ có những giải pháp thích ứng để giúp doanh nghiệp chứng minh được sản phẩm của mình.
Theo ông Vũ Trường Ca, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Lina Network, công nghệ blockchain được biết đến là một sổ cái số chung trong đó dữ liệu sẽ được lưu vào một cách tuần tự trong các khối. Để được ghi dữ liệu vào blockchain cần phải được sự đồng thuận của đa số các nút tham gia hệ thống, sự đồng thuận đó được quy định một cách rất chặt chẽ bởi các logic được định sẵn (ví dụ như ai có quyền gì). Dữ liệu khi đã được đưa vào blockchain sẽ không thể bị thay đổi sai lệch với chuẩn định trước.
Bằng việc sử dụng blockchain các công ty nông nghiệp có thể tạo ra một hệ thống ghi lại tất cả quá trình sản xuất của toàn bộ các sản phẩm nông nghiệp, giúp cho nhà nông có thể trả công xứng đáng với công sức họ bỏ ra, cũng như giúp cho nhà bán lẻ và người tiêu dùng có thể thẩm định chất lượng nông sản mà họ tiêu thụ và sử dụng. Hiện công nghệ blockchain được ứng dụng trong khoảng 26 lĩnh vực như nông nghiệp, y tế, giao thông, quản lý hành chính…Ý nghĩa của việc áp dụng blockchain: Giúp doanh nghiệp chuẩn hóa quy trình sản xuất; gia tăng giá trị thương hiệu và mở rộng thị trường từ đó giúp tăng doanh thu và giảm chi phí quảng cáo, tăng trưởng thị trường nội địa xuất khẩu. Áp dụng đặc điểm không thể làm giả, không thể phá hủy của blockchain vào ngành sản xuất giúp người tiêu dùng truy suất được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm đang được chào bán.
Là chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Từ Minh Thiện, Phó Trưởng Ban Quản lý khu Nông nghiệp công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh nêu ra các lợi ích khi sử dụng blockchain trong truy xuất nguồn gốc. Cụ thể, đối với doanh nghiệp, blockchain là cầu nối uy tín, hỗ trợ quản lý điều hành, tăng cường hiệu quả truyền thông và bán hàng, có cơ hội xuất khẩu hàng hóa tới thị trường khó tính. Đối với người tiêu dùng, blockchain giúp tiếp cận thông tin minh bạch, tránh mua hàng gian, hàng nhái, bảo vệ lợi ích cộng đồng. Còn đối với nhà quản lý, sử dụng blockchain giúp kiểm tra, giám sát và quản lý nguồn gốc sản phẩm, dễ dàng phát hiện xử lý hàng giả, hàng nhái, quản lý tốt thị trường.