Ông Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phát biểu tại Hội thảo |
Ông Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp chủ trì Hội thảo. Phát biểu khai mạc, ông Trương Anh Dũng cho biết với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, trong thời gian qua công tác giáo dục nghề nghiệp đã có sự thay đổi cơ bản nhằm đào tạo ra nhân lực có kỹ năng cao phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ mới, gắn với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập quốc tế.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đánh giá cao vai trò quan trọng của công tác truyền thông trong việc định hướng, lan tỏa giá trị của giáo dục nghề nghiệp tới cộng đồng trong giai đoạn vừa qua; công tác truyền thông góp phần không nhỏ thậm chí trong một vài thời điểm mang tính quyết định trong việc thay đổi nhận thức chung của cộng đồng về giáo dục nghề nghiệp; góp phần giúp các trường nghề nhận được sự quan tâm của các phụ huynh, học sinh; giúptăng quy mô tuyển sinh, tăng đầu vào cả về số lượng và chất lượng qua mỗi năm.
Năm 2018, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Kế hoạch truyền thông về giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2018 - 2020, kế hoạch này được tổ chức triển khai bài bản, có hiệu quả phản ánh đúng hiện thực đổi mới, nâng cao chất lượng, giáo dục nghề nghiệp đã bắt nhịp với nhịp đập, hơi thở của kinh tế xã hội. Từ đó đã tạo ra chuyển biến căn bản nhận thức về giáo dục nghề nghiệp từ Trung ương tới địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, từ cán bộ tới người dân; ngày càng nhiều gia đình chọn trường nghề cho con em theo học, nhiều người học đủ điểm học đại học hoặc đã tốt nghiệp bậc đại học cũng đã lựa chọn trường nghề để học tập, rèn luyện thêm kỹ năng; hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tin tưởng, hào hứng với khí thế mới, đồng lòng vì sự phát triển của giáo dục nghề nghiệp.
Ngày 28/5/2020, lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.
Cũng lần đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 4/10 hằng năm là "Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam" nhằm kêu gọi cộng đồng hưởng ứng và ủng hộ phát triển kỹ năng lao động bằng các hành động cụ thể; tôn vinh và khẳng định tầm quan trọng của người lao động có kỹ năng, nhất là người lao động có tay nghề cao, kỹ năng nghề nghiệp xuất sắc; Thúc đẩy sự đồng hành, gắn kết của Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp và toàn xã hội trong phát triển kỹ năng cho người lao động thích ứng với bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Đây chính là những thông điệp mạnh mẽ làm lan tỏa giá trị của kỹ năng nghề, tôn vinh lực lượng lao động có kỹ năng nghề cao và kêu gọi cộng đồng có trách nhiệm đối với phát triển giáo dục nghề nghiệp.
Đánh giá về giáo dục nghề nghiệp Dự thảo văn kiện trình Đại hội 13 của Đảng khẳng định, giáo dục nghề nghiệp có nhiều chuyển biến, chất lượng được nâng lên và đạt thành tích cao trong các kỳ thi tay nghề quốc tế. Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp để đào tạo theo đặt hàng. Nhiều doanh nghiệp mở các cơ sở đào tạo nghề nghiệp phục vụ trực tiếp cho doanh nghiệp và cung ứng cho thị trường...
Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng nhắc lại chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2021, theo đó, làm sao để giáo dục nghề nghiệp phải đuổi kịp giáo dục đại học. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, do đó công tác truyền thông với mục tiêu nhằm truyền tải đầy đủ, kịp thời đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp tới người dân, xã hội, doanh nghiệp; hỗ trợ công tác tuyển sinh vào các trường nghề, hướng nghiệp, lập nghiệp, khởi nghiệp... thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp trong việc đầu tư vào các trường nghề.