Umbalena – là một cách chơi chữ, viết tắt của cụm từ “Úm ba la, bay lên nào!” - giai điệu vui tươi mang tính thần tiên, nhiệm màu, khơi gợi sự tò mò cho trẻ.
Lê Thị Cẩm Trinh, đồng sáng lập Umbalena cho biết, ứng dụng này mang đến một kho nội dung học tập và giải trí đa dạng, lành mạnh bằng tiếng Việt dành cho trẻ em, giúp trẻ hình thành thói quen đọc hiểu, phát triển tư duy, mở mang kiến thức và bồi dưỡng trí tuệ cảm xúc cho bé.
Cùng với đó, công nghệ cũng giúp giảm mạnh chi phí cho việc tiếp cận nội dung học tập và giải trí của trẻ em ở khắp mọi nơi.
Kho nội dung hơn 700 sách truyện tiếng Việt, trên 300 sách truyện tiếng Anh được xây dựng bởi các chuyên gia về giáo dục và ngôn ngữ hàng đầu Việt Nam, có nội dung phong phú về đề tài, thể loại,…được phân loại theo mức độ từ dễ đến khó, thuận lợi cho trẻ tiếp thu theo hệ thống và sự trưởng thành của trẻ.
Lê Thị Cẩm Trinh, đồng sáng lập Umbalena trình bày về dự án tại buổi chung kết Startup Wheel 2020 (Ảnh: Hồng Phúc). |
Ngoài công nghệ AI đề xuất sách theo sở thích, các bé có thể kiểm tra kiến thức bằng hệ thống câu hỏi sau mỗi cuốn sách cũng như dựa vào công cụ giới hạn thời gian đọc (từ 15-20 phút), bé cân đối được thời gian đọc sách và các hoạt động thể chất khác.
Ứng dụng này do Công ty TNHH Công nghệ VOOC sở hữu cam kết, các bậc phụ huynh sẽ được hoàn tiền 100% nếu không hài lòng về sản phẩm.
Ra mắt từ đầu năm 2020, Umbalena ghi nhận một số thành quả ban đầu như hơn 25.000 lượt tải ứng dụng, trên 11.000 tài khoản kích hoạt.
Lê Thị Cẩm Trinh cũng vừa được bình chọn là kỳ vọng, bằng cách ứng dụng công nghệ để nâng cao trải nghiệm đọc, biến việc đọc sách trở nên hấp dẫn hơn, Umbalena sẽ là người bạn đồng hành đáng tin cậy của hàng triệu trẻ em Việt Nam.
Đại diện hội đồng ban giám khảo cuộc thi năm nay, ông Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Mỹ Lan (Mylan Group) động viên các startup không lọt vào tốp 10 cũng như không đạt giải trong cuộc thi năm nay sẽ không bỏ cuộc trên hành trình khởi nghiệp của mình. Bởi, thành công chỉ đến khi dựa trên sự kiên trì.
“Khi khởi nghiệp ở độ tuổi 60, nhiều người gọi tôi là “Việt kiều té giếng”. Có nhiều lúc rất thất vọng, muốn bỏ cuộc nhưng rồi, tôi lại xem đó là cảm xúc rất bình thường nên không bỏ cuộc. Khởi nghiệp cần tư duy làm điều gì đó tốt hơn cho cộng đồng, cho quê hương. Người giàu có không phải là có bao nhiêu tiền mà là người mang lại nhiều giá trị cho mọi người xung quanh”, ông Nguyễn Thanh Mỹ chia sẻ.
Startup Wheel là cuộc thi thường niên do Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TP.HCM (BSSC) khởi xướng, thực hiện và đồng tổ chức bởi Hội doanh nhân trẻ TP.HCM (YBA) dưới sự bảo trợ của Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM, Thành đoàn - Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP.HCM cùng Hội Sinh viên Việt Nam TP. HCM.
Giải tại một số hạng mục khác trong Startup Wheel 2020:
- Dự án sinh viên khởi nghiệp xuất sắc nhất - Sản xuất gạch, ngói từ rác thải nhựa Pando (trị giá 30 triệu đồng, trong đó 5 triệu đồng tiền mặt).
- Dự án được yêu thích nhất - Mạng xã hội giao thông Widdy (trị giá 30 triệu đồng, trong đó 5 triệu đồng tiền mặt)
- Nữ sáng lập xuất sắc nhất - Nền tảng hội thảo thông minh SmartDialog (trị giá 30 triệu đồng, trong đó 5 triệu đồng tiền mặt).
- Dự án sáng tạo nhất - Cảm biến hồng ngoại nhiệt InFrasen (trị giá 120 triệu đồng, trong đó 10 triệu đồng tiền mặt).
- Giải ba cuộc thi - Đường thốt nốt Palmania (trị giá 150 triệu đồng, trong đó 20 triệu đồng tiền mặt).
- Giải nhì- Nền tảng âm thanh Voiz FM (trị giá 200 triệu đồng, trong đó 50 triệu đồng tiền mặt)
- Và giải nhất doanh nghiệp - Umbalena ( trị giá 400 triệu đồng, trong đó 150 triệu đồng tiền mặt).