Doanh nhân
Việt kiều Nguyễn Thanh Mỹ: Người đem “Silicon Valley” về Trà Vinh
Hồng Phúc - 05/02/2017 16:41
Ở tuổi ngoài 60, Việt kiều Nguyễn Thanh Mỹ thấy mình còn quá trẻ để nghỉ ngơi, để rồi bắt tay khởi nghiệp ở quê hương Trà Vinh với giấc mộng “Làm đúng cái đang bị làm sai”.
TIN LIÊN QUAN

Từ khổ hạnh đến tài phú

Kể về cuộc đời và sự nghiệp hơn 60 năm qua của Việt kiều Nguyễn Thanh Mỹ thì có lẽ một cuốn sách cả trăm trang cũng không thể mô tả hết. Chọn đề tài để viết về tiến sĩ khoa học năng lượng và vật liệu này cũng thật khó, vì ông đã xuất hiện trên nhiều tờ báo. Khi tìm hiểu tư liệu về ông, tôi liên tưởng đến nhân vật Howard Schultz, Chủ tịch và CEO của Starbuck, với xuất thân từ một gia đình được xếp vào hàng “dưới mức nghèo”, nhưng về sau đã thiết lập được đế chế cà phê lớn nhất thế giới, với doanh thu hơn 20 tỷ USD mỗi năm…

Ông Thanh Mỹ (ngoài cùng bên phải) trao đổi với lãnh đạo TP.HCM về đồng hồ nước thông minh tại Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài năm 2016.

Ông Mỹ là con cả trong một gia đình nghèo có 5 anh em tại làng Thanh Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh.  Tuổi thơ của ông là chuỗi ngày cơ cực ở vùng quê nghèo nhất nước, mưu sinh bằng cách rong ruổi khắp các nẻo đường để bán cà rem và bánh mì, thời gian còn lại thì đi học lỏm. Năm 1978, ông tốt nghiệp Trường đại học Phú Thọ (bây giờ là Đại học Bách khoa TP.HCM), nhưng gia cảnh vẫn  nghèo.

Ký ức về sự nghèo khổ của gia đình, của quê hương luôn ám ảnh và buộc ông phải cố gắng khi bắt đầu cuộc sống mới tại Canada. 5 năm đầu, ông phải làm đủ nghề để kiếm sống, từ rửa chén đến làm bếp hay bồi bàn tại nhà hàng. Nhưng ngoài giờ làm, ông vẫn quyết đi học tại Trường đại học Concordia ở Montreal.

Ông được nhận một lúc hai học bổng (NSERC và FCAR), bảo vệ thành công luận án thạc sĩ về “Chất xúc tác dị thể” và tiến sĩ về “Hợp chất cao phân tử liên hợp điện quang” thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học năng lượng vật liệu Canada. Sau đó, ông được nhận vào làm ở một số công ty điện toán và in ấn như IBM, Sun Chemical và Kodak Polychrome Graphics. Ông sở hữu 200 bằng phát minh khoa học. Số tiền ông cho thuê bản quyền công nghệ bản kẽm nhiệt CTP lên đến hàng triệu USD mỗi năm.

.

Năm 1997, ông từ chối mức lương 100.000 USD/năm tại Kodak và thành lập Công ty ADS tại Montreal, nghiên cứu và sản xuất vật liệu hữu cơ dùng trong in ấn, phát quang, tạo hình 3 chiều, màng biến đổi năng lượng mặt trời… Đây cũng là bước đệm cho Tập đoàn Mỹ Lan bây giờ.

Trong một lần về thăm quê hương cùng con gái vào năm 2004, ông nhận thấy vùng đất Trà Vinh vẫn còn nghèo, nhưng lại giàu tiềm năng phát triển và tự hỏi, tại sao không về quê để đóng góp cho nơi chôn rau cắt rốn của mình. Ông bắt tay đầu tư và xây dựng Tập đoàn Mỹ Lan với số vốn gần 250.000 USD, chuyên sản xuất bản in offset CTP, máy và mực in phun công nghiệp, màng chất dẻo đa lớp cản khí cao - những sản phẩm đòi hỏi chuyên môn và tay nghề cao.

Biết ý định trở lại của ông, một số bạn bè trong và ngoài nước nhắn hỏi “có điên không”. Có người gọi là ông “Việt kiều té giếng”. Ông cũng lo và nghi ngờ về khả năng và kiến thức của người dân quê mình. Ông còn nghi ngờ về văn hóa và các chính sách của Nhà nước liên quan đến đầu tư và kinh doanh ở Việt Nam thời điểm ấy.

Văn hóa “Vương quốc Mỹ Lan”
- Mọi người không được ăn chung với nhau quá 2 lần/tuần; bàn ăn thường có 4 người (2 nam, 2 nữ).
- Bếp ăn 24h đều gọn gàng và sạch sẽ.
- Vào 10 giờ và 15 giờ, nhân viên công ty tập thể dục theo nhạc tự động.
- Thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu, nhân viên sẽ ăn sữa chua để tráng miệng, các ngày còn lại ăn trái cây.
- Tất cả nước trong “Vương quốc” đều được tái sử dụng.
- Mỗi ngày, nhân viên làm rất cực, không có đồ ăn nóng cho họ thì không được.
- Nhân viên giỏi rời công ty còn hơn ngu đần mà cứ theo mình mãi.
- Mọi thực phẩm từ rau, củ, quả, thịt, cá, trái cây… đều được vương quốc tự cung, tự cấp.

“Sau hơn 10 năm hoạt động, mặc dù Tập Đoàn Mỹ Lan không to lớn như Vingroup hay có doanh thu vài chục nghìn tỷ đồng như Masan, nhưng tôi tạo được công ăn việc làm cho hơn 600 người dân ở quê tôi. Bản in offset CTP của Mỹ Lan chiếm hơn 50% thị phần trong nước, được xuất khẩu tới hơn 40 quốc gia trên thế giới, với doanh thu năm 2016 tăng 300% so với năm 2015”, ông Thanh Mỹ chia sẻ.

Giờ đây, nói đến Tập đoàn Mỹ Lan, người ta biết đến Trà Vinh bởi đây là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên và là công ty thứ 12 trên thế giới sản xuất vật liệu quang điện tử. Và nói đến Trà Vinh, thì người ta biết đến những sản phẩm công nghệ cao sử dụng trong ngành in truyền thống và đóng gói bao bì. Ông cho biết, sau 2 nhiệm kỳ 5 năm làm Tổng giám đốc, ông đã về hưu ở tuổi 60 từ cuối năm 2015. Hiện Tập đoàn Mỹ Lan có giá trị gần 100 triệu USD được chuyển giao cho vợ ông quản lý.

Thung lũng Silicon thu nhỏ ở Trà Vinh

Không giấu được sự mệt mỏi vì chỉ ngủ khoảng 2 tiếng/ngày liên tục trong một tuần qua, nhưng khi nghe đến từ “khởi nghiệp”, mắt ông lại sáng lên, vẻ mặt hào hứng hơn hẳn. Ông kể, sau vài tuần lễ nghỉ hưu, cảm thấy mình còn quá trẻ để không làm gì. Trong khi đó, hàng ngày, nghe nhan nhản thông tin về “thực phẩm bẩn”, ông tự hỏi tại sao quê hương mình đầy lúa gạo, tôm cá và củ quả, nhưng nông dân lại nghèo và thiếu thực phẩm sạch.

Tìm hiểu kỹ hơn, ông nhận thấy, tại Việt Nam, cả 5 phân khúc của chuỗi giá trị nông nghiệp bao gồm: vật tư đầu vào, canh tác, chế biến, phân phối và tiêu thụ, đều đang bị làm sai. Với suy nghĩ “phải làm cho đúng cái đang bị sai”, ông thành lập 3 công ty mới, tập trung vào việc ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp: RYNAN Smart fertilizers (sản xuất phân bón thông minh); RYNAN Technologies (thiết bị IoT như ổ khóa, đồng hồ nước…); RYNAN Agrifoods ( Thương mại điện tử).

Về vật tư đầu vào, ông đã đầu tư 7 triệu USD vào sản xuất phân bón “phân bón thông minh” và “phân bón tan chậm có kiểm soát” giúp năng suất lúa tăng hơn 10%, người nông dân sẽ tăng thu nhập gần 20%, giảm phát thải khí nhà kính hơn 50% từ phân bón. Hiện nay, nhà máy này đạt 20.000 tấn/năm và tham vọng của ông là có 50 nhà máy để sản xuất được 10 triệu tấn phân với doanh thu khoảng 1 tỷ USD.

Về canh tác, Việt Nam đang cần những thiết bị Internet vạn vật và ứng dụng công nghệ điện toán đám mây cho việc đo đạc chất lượng, phân phối và quản lý nước trong nông nghiệp, như đồng hồ nước thông minh. Những sản phẩm và giải pháp hiện đại này sẽ giúp nông dân tự động hoá trong canh tác lúa theo quy trình “ướt - khô xen kẽ” nhằm tiết kiệm nước, năng lượng và sức lao động. Đồng thời, sản phẩm cũng giảm phát thải khí nhà kính hơn 40% và tăng khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu, như xâm nhập mặn và thiếu nước canh tác.

Về chế biến, ông cho rằng, chỉ cần thay đổi nồng độ khí ô-xy, ni-tơ và các-bo-nic trong bao bì là có thể tăng thời gian bảo quản thịt, cá, tôm và những nông sản khác từ 3 đến 5 lần mà không cần phải dùng đến hóa chất hay đông lạnh. Ông đã đầu tư 15 triệu USD để sản xuất bao bì đóng gói thực phẩm, cung cấp đến các đơn vị phân phối thực phẩm tại Việt Nam và nước ngoài.   Doanh thu hàng năm lên tới khoảng 47 triệu USD. Loại bao bì này có 5 lớp cản khí cao, gọi là khí cải tiến và là công nghệ độc quyền ở Việt Nam vì chi phí quá cao. Được biết, ông vừa mua một máy sản xuất bao bì này có giá khoảng 1.400 USD.

Về phân phối nông sản, Việt Nam cần giảm tầng lớp thương lái trung gian. Ngày nay, chúng ta có thể lên mạng Internet ở mọi lúc, mọi nơi với chi phí dịch vụ điện thoại di động rẻ so với những quốc gia khác. Hơn 70% người Việt Nam có điện thoại di động. Đây là cơ hội lớn để phát triển thương mại điện tử “B to C và C to C” chuyên nghiệp hơn.

Cả 3 công ty trên đều được đặt cơ sở tại Trà Vinh và sẽ được IPO vào năm 2025. Đội ngũ hàng trăm bạn trẻ của Công ty đều nghiên cứu và làm việc tại thung lũng Silicon thu nhỏ ngay tại nhà riêng của ông. Từ công ty đến khu vực nhà riêng phải di chuyển bằng thuyền khoảng 15 phút. Nhìn từ xa, ngôi nhà nằm trong một cồn đất mà ngày xưa bao người gọi là cồn đất sinh tử, bởi lẽ, đất liên tục sụt lún, xói mòn.

“Vợ bảo, tôi chơi ngông vì bỏ ra 50 tỷ đồng mua đá về đắp xung quanh cồn đất để xây nhà. Nhưng giờ chúng tôi cảm thấy đây như vương quốc nhỏ của mình, nơi mà bao ý tưởng sáng tạo sẽ được sản sinh”, ông vừa nói vừa nhìn về hướng cồn đất, với mắt ánh tràn ngập yêu thương.

Trao đổi ngắn với ông Nguyễn Thanh Mỹ

Vì sao tên 3 công ty đều bắt đầu là RYNAN?

Đó là những chữ cuối trong tên của các thành viên trong gia đình tôi. Con gái đầu là Christpher (R), tôi là Thanh Mỹ (Y), vợ tôi là Nhàn (N), con gái thứ hai là Christina (A) và con trai út Brian (N).

Tôi đã đến Công ty, thấy dường như bức tường của Công ty không nhằm phòng chống trộm, cắp thưa ông?

Tôi gọi đó là hàng rào ngăn ‘ô nhiễm truyền thống” như xả rác, hút thuốc. Trong 600 nhân viên của Công ty không ai hút thuốc, trong khuôn viên 20 ha của Công ty, không có thùng rác nào, một phần vì chẳng có rác để bỏ. Tôi muốn, dần dần họ sẽ mang lối sống đó ra làng xã, đến khu vực mà họ sống. Xây dựng công ty không khó bằng việc xây dựng cộng đồng văn minh.

Hiện ông sống ở Trà Vinh?

Tôi và vợ vẫn sống ở cồn đất với một đại gia đình Mỹ Lan cũng như vương quốc RYNAN. Chúng tôi cũng thường xuyên đi về giữa Canada, Mỹ hay Singapore và Việt Nam, vì các con tôi sống ở đây.

Ông sẽ ở Việt Nam hay Canada khi nghỉ hưu?

9 năm nữa, khoảng năm 2025 tôi sẽ về “vườn”. Dù không trực tiếp điều hành ở công ty, nhưng chắc chắn tôi vẫn đi dạy học như đang làm ở Trường đại học Trà Vinh hay viết sách… Tôi không ở Việt Nam thì đi đâu cơ chứ.
Tin liên quan
Tin khác