Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và Cục Hàng hải Việt Nam ký Biên bản ghi nhớ về quan hệ đối tác trong lĩnh vực hàng hải tại lễ ký kết diễn ra ngày 30/7 tại Hà Nội. Ảnh: Lê Quân |
Ngay sau khi ý tưởng trên được đề cập tại hội thảo “Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA): Cơ hội và thách thức đối với ngành hàng hải” diễn ra hôm nay 30/7 tại Hà Nội, ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam hoan nghênh và tán thành đề xuất này. Theo ông Giang, hiện nay đến 90% container trên toàn cầu được sản xuất tại Trung Quốc. Việc tổ chức sản xuất, đóng mới container tại Việt Nam là ý kiến hay, nhất là trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng dịch chuyển sản xuất ra bên ngoài Trung Quốc.
Các chuyên gia vận tải biển cho rằng xu hướng vận tải biển bằng container trên thế giới là ngày càng rõ, ngay cả những mặt hàng như gạo thì chủ hàng ngày càng chuộng đóng bao và xuất khẩu bằng container. Tuy nhiên, việc phát triển đội tàu container tại Việt Nam còn khá hạn chế về số lượng và kích thước, trong khi năng lực vận hành đội tàu này cũng là vấn đề lớn.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư bên lề hội thảo, ông Hoàng Hồng Giang cho biết đội tàu biển của Việt Nam những năm gần đây tăng cả về số lượng và kích thước, còn các cảng biển trong nước cũng đón được những tàu cỡ lớn (trên 20.000 TEU). Thế nhưng, khi Việt Nam tham gia hiệp định lớn như EVFTA và tiếp cận thị trường rộng lớn như EU - nơi có bề dày kinh nghiệm và những doanh nghiệp hàng đầu thế giới về phát triển cảng và vận tải biển, thì sẽ có những thách thức mà doanh nghiệp hàng hải, vận tải biển phải đối mặt.
EVFTA có thể đem lại các điều kiện phát triển thuận lợi cho cả lĩnh vực vận tải biển và cảng biển của Việt Nam. Theo cam kết trong EVFTA, vận tải biển là một trong những lĩnh vực Việt Nam sẽ mở rộng cửa cho các nhà cung cấp dịch vụ của EU so với các cam kết gia nhập WTO và CPTPP. Điều này cũng vừa là cơ hội lớn cho các hợp tác trong lĩnh vực vận tải biển nhưng cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với những doanh nghiệp vận tải có danh tiếng và truyền thống hoạt động trên tuyến Việt Nam – Châu Âu.
"Kết nối vận tải biển giữa Việt Nam và châu Âu hiện nay cơ bản hoàn thiện. Chúng ta đã có những cảng lớn như cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) và cảng nước sâu Lạch Huyện (Hải Phòng), đã tiếp nhận được những tàu lớn trên 20.000 TEU chuyển trở hàng hóa giữa Việt Nam và châu Âu", ông Giang nhấn mạnh.
Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc về cơ sở hạ tầng, khai thác tàu biển và thủ tục hành chính. Hiện nay, hàng hóa trên tuyến vận tải biển Việt Nam - châu Âu chủ yếu vẫn do đội tàu nước ngoài đảm nhiệm và đội tàu biển Việt Nam mới chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tuyến này. "Đây là điều tương đối khó khăn cho các công ty vận tải biển Việt Nam khi tiếp cận thị trường châu Âu", ông Giang nói thêm.
EVFTA có hiệu lực ngày 1/8/2020, là cơ hội vàng để hai bên thúc đẩy giao thương, tự do thương mại. 90% hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam đi bằng đường biển; do đó, hiệp định này sẽ tạo cơ hội lớn cho ngành cảng biển, vận tải biển Việt Nam.
Theo ông Giang, việc Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và Cục Hàng hải Việt Nam ký Biên bản ghi nhớ về quan hệ đối tác trong lĩnh vực hàng hải hôm nay 30/7 là một trong những bước đi đầu tiên để hiện thực hóa các cơ hội đó.
Về phía EuroCham, Tiểu ban Vận tải và Hậu cần thuộc EuroCham nhận định, EVFTA sẽ tác động tích cực lên ngành logistics. Tuy nhiên, khi thương mại hàng hóa gia tăng, thì đòi hỏi phải có mạng lưới hỗ trợ từ cơ sở hạ tầng giao thông vận tải biển và logistics để tạo thuận lợi thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu.
Doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ EVFTA, bởi hai bên sẽ loại bỏ thuế quan theo lộ trình cam kết, giúp giảm chi phí hoạt động và các phí khác cho doanh nghiệp. Đặc biệt, việc mở rộng thực thi cam kết về logistics và vận tải biển trong EVFTA sẽ giúp tăng quy mô thị trường và kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU.
Đơn cử, EU đồng ý mở dịch vụ hậu cần cho các công ty Việt Nam trong khi Việt Nam cũng cho phép cac công ty dịch vụ vận tải biển của EU cung cấp dịch vụ xuyên biên giới cho khách hàng Việt Nam không giới hạn, bao gồm cả vận tải hành khách. Đây là điểm thuận lợi đáng kể so với các cam kết cơ bản trong WTO.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam đồng ý mở cửa cho 4 nhóm dịch vụ hỗ trợ vận tải đường biển, gồm: dịch vụ đại lý hàng hải, thủ tục thông quan, kho container và bốc xếp hàng hóa.
Ngoài ra, hai bên có thể hợp tác phát triển chuỗi logistics tại Việt Nam từ kho bãi, hậu cần hợp đồng, vận tải, phân phối, quản lý chuỗi cung ứng; phát triển đóng tàu và đóng container tại Việt Nam.
Đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, để sớm đón bắt các cơ hội vận tải biển và logistics từ EVFTA, ngay trong quá trình Chính phủ Việt Nam đàm phán EVFTA, đơn vị này đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải và Chính phủ cần có chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút các tàu trên 20.000 TEU cập cảng.
"Chúng tôi cùng với các đơn vị trong Bộ Giao thông vận tải xây dựng Quy hoạch phát triển cảng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm khắc phục những bất cập trong phát triển cảng biển và logistics thời gian qua và tận dụng tốt các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, đặc biệt là EVFTA", đại diện Cục Hàng hải Việt Nam nhấn mạnh.