Thời sự
Ứng phó hiệu quả covid-19, cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh
Hà Nguyễn - 09/03/2020 08:43
Thủ tướng Chính phủ chính thức ban hành Chỉ thị về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.

Đây là động thái quan trọng và cần thiết trong bối cảnh kinh tế - xã hội đang chịu những tác động nặng nề bởi dịch bệnh, song thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng thế nào, các giải pháp hỗ trợ cũ thể ra sao cũng là điều đáng bàn. Bởi lẽ, Chỉ thị của Thủ tướng mang tính định hướng chung, nhiệm vụ xây dựng chính sách và thực thi là thuộc về các bộ, ngành. Thêm vào đó, trong các giải pháp được đề xuất, có gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng và gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng để góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Trong bối cảnh hiện nay, sử dụng các công cụ tài chính để hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ người bị ảnh hưởng là biện pháp nên làm và phải làm nhanh nhằm sớm mang lại hiệu quả trong thực tế. Song việc rà soát, xác định đối tượng, doanh nghiệp nào cần được hỗ trợ là cần thiết, để làm sao các khoản hỗ trợ trúng đối tượng và đúng mục đích.

Chính Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhấn mạnh rằng, việc hỗ trợ cho những doanh nghiệp, các đối tượng bị thiệt hại bởi dịch Covid -19 là nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chứ không phải là bao cấp cho sự yếu kém. Do đó, không những không được để lâu, chính sách và tiền phải đến được với người dân, doanh nghiệp ngay, mà còn phải minh bạch, không để tình trạng xin - cho.

Một khi đồng tiền sử dụng sai mục đích, kém hiệu quả, thì hệ lụy tới nền kinh tế là không hề nhỏ. Các bài học từ việc thực thi gói hỗ trợ lãi suất 1 tỷ USD vào năm 2009 cho thấy, phải thận trọng khi tung tiền ra nền kinh tế.

Cùng với chính sách này, các chính sách cấp bách khác, bao gồm xem xét miễn giảm lãi vay, gia hạn nộp thuế, phí… cũng cần sớm được đưa vào thực thi một cách quyết liệt và hiệu quả.

Nhưng ở một góc độ khác, có lẽ cũng cần quay lại câu chuyện của gói kích thích kinh tế hơn 10 năm trước. Vào thời điểm đó, chính các doanh nghiệp cũng cho rằng, điều họ cần không hẳn là cấp bù lãi suất, mà là tạo thuận lợi cho sản xuất - kinh doanh, bao gồm cả việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, không nhũng nhiễu doanh nghiệp, không đòi phí bôi trơn…

Giờ đây, câu chuyện trên có lẽ vẫn còn nguyên tính thời sự. Chính bởi vậy, trong Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhấn mạnh các nhóm giải pháp liên quan đến việc các cơ quan thuế, hải quan quan xem xét không tổ chức kiểm tra định kỳ trong năm 2020 đối với những doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm để tạo điều kiện giúp doanh nghiệp tập trung giải quyết khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh, tập trung xử lý vướng mắc, cải thiện môi trường kinh doanh, rà soát cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp… Nếu điều này được thực thi, doanh nghiệp sẽ đỡ thêm nhiều gánh nặng.

Tương tự, nền kinh tế cũng sẽ vơi bớt gánh nặng nếu các biện pháp mang tính dài hạn, đã được nhấn mạnh từ lâu, như củng cố thị trường nội địa, đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng thị trường xuất khẩu, hay đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là với các dự án trọng điểm… được thực hiện một cách rốt ráo. Đã đến lúc không thể chậm trễ.

Nền kinh tế không thể chờ đợi lâu. Thêm một lần chậm trễ, kinh tế - xã hội sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, không chỉ trong năm 2020, mà còn là cả giải đoạn phát triển về sau.

Chỉ thị của Thủ tướng đã được ban hành. Giờ là thời điểm thực thi và hành động sao cho hiệu quả.

Tin liên quan
Tin khác