Thời sự
Ứng xử thời hội nhập
Hà Nguyễn - 12/04/2019 09:36
Con tôm Việt Nam vừa có được niềm vui lớn trên đất Mỹ sau khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố mức thuế chống bán phá giá sơ bộ cho tôm Việt Nam trong giai đoạn xem xét hành chính thứ 13 (từ ngày 1/2/2017 đến 31/1/2018) ở mức 0%, áp dụng với 31 doanh nghiệp.
Hiện nay, tôm là mặt hàng mang lại kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong các mặt hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.

Niềm vui của con tôm, nhưng cũng là niềm vui của ngành nông nghiệp và cả nền kinh tế Việt Nam. Lý do là sau 13 năm ròng rã ứng phó với rào cản thuế chống bán phá giá của Mỹ (bắt đầu từ ngày 31/12/2003), con tôm Việt Nam đã được “giải oan”, qua đó có thể rút ra bài học về ứng xử trong thời hội nhập.

Có hai bị đơn bắt buộc là Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta và Công ty cổ phần Hải sản Nha Trang được DOC kết luận sơ bộ rằng, các sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh của họ “không bán phá giá” vào Mỹ trong giai đoạn trên. Thuế sơ bộ đối với hai công ty này là 0%. Ngoài ra, còn có 29 doanh nghiệp khác cũng được áp mức thuế 0%.

Tất nhiên, đây mới chỉ là kết luận sơ bộ. Nhưng nếu kết luận cuối cùng là thuận lợi, thì đó thực sự là một tin mừng với ngành tôm Việt Nam.

“Cửa” xuất khẩu tôm sang Mỹ, một trong 4 thị trường tôm xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời là thị trường có ảnh hưởng lớn tới các thị trường khác về giá cả và quyết định mua hàng của nhà nhập khẩu, sẽ rộng mở hơn, thuận lợi hơn.

Nếu thực sự được phán quyết “không bán phá giá”, tôm Việt Nam còn có cơ hội mở rộng thị trường không chỉ ở Mỹ. Doanh nghiệp được lợi, người nông dân được lợi, nền kinh tế Việt Nam được lợi. Hiện nay, tôm là mặt hàng mang lại kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong các mặt hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này là 3,6 tỷ USD, năm nay mục tiêu là 4,2 tỷ USD và tới năm 2025, con số được nhắc tới là 10 tỷ USD.

Thực sự là rất đáng mừng. Nhưng chuyện con tôm Việt Nam trên đất Mỹ có lẽ có ý nghĩa với không chỉ với ngành tôm Việt Nam, mà còn là bài học ứng xử của Việt Nam trong thời hội nhập. Việc các doanh nghiệp xuất khẩu tôm tham gia vụ kiện cung cấp đầy đủ thông tin, dữ liệu mà DOC yêu cầu là một trong những lý do quan trọng đưa đến quyết định kể trên. Việt Nam không chỉ bị kiện chống phá giá tôm, mà còn nhiều mặt hàng khác. Quá trình bền bỉ “chiến đấu” của các doanh nghiệp tôm Việt Nam, rõ ràng là một bài học kinh nghiệm quý giá.

Điều này càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết khi hiện nay, bảo hộ mậu dịch đang có xu hướng quay trở lại. Không chỉ là kiện bán giá giá, giờ đây, nhiều quốc gia, đặc biệt là Mỹ đang áp dụng ngày càng nhiều biện pháp phòng vệ thương mại, tự vệ thương mại. Nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam, chẳng hạn như doanh nghiệp thép, sản xuất máy giặt, pin năng lượng mặt trời…đã chịu hệ lụy từ các biện pháp này

Trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump luôn muốn chống lại “thương mại không công bằng”, thì nguy cơ chịu các vụ kiện tương tự sẽ tiếp tục xảy ra. Bếu không chủ động phòng bị, doanh nghiệp Việt sẽ dễ “dính đón”.

Ở đây, câu chuyện không phải chỉ riêng của doanh nghiệp, mà còn cả cách ứng xử của Chính phủ Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên, mà trong các báo cáo kinh tế gần đây gửi Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên tục cảnh báo về nguy cơ lẩn tránh xuất xứ hàng hóa của một số nước vào Việt Nam. Cũng chính Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhiều lần đề xuất rằng, phải kiểm soát tốt hoạt động tạm nhập, tái xuất, quy định về nguồn gốc, xuất xứ, tránh tình trạng “mượn đường” để xuất khẩu sang nước thứ 3…

Rất nhiều khó khăn, thách thức mà nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt, trong đó bao gồm cả những thách thức liên quan đến phòng vệ thương mại, bảo hộ mậu dịch. Nếu không tỉnh táo và chủ động có biện pháp ứng phó, hệ lụy với nền kinh tế là khôn lường.

Từ câu chuyện con tôm, có thể nhìn rộng hơn, xa hơn cách ứng xử cần thiết của Việt Nam trong thời hội nhập.

Tin liên quan
Tin khác