Đầu tư Phát triển bền vững
Unilever Việt Nam chia sẻ kế hoạch thực hiện cam kết Không phát thải Carbon
Vũ Anh - 29/09/2021 11:37
Trước thềm Hội nghị Khí hậu COP26 tại Glasgow trong tháng 11 tới, Chủ tịch Unilever Việt Nam đã có những chia sẻ về kế hoạch trong cam kết Không phát thải Carbon tới năm 2039.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch Unilever Việt Nam đã chia sẻ về 3 hành động mà tập đoàn thực hiện nhằm giúp đưa lượng phát thải Carbon về “0”, góp phần giải quyết các vấn đề về khí hậu tại Việt Nam.

Mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa

Hầu hết nhựa đều được sản xuất từ các vật liệu từ nhiên liệu hóa thạch. Quá trình chiết xuất, vận chuyển và xử lý những nhiên liệu để sản xuất nhựa tạo ra hàng tỷ tấn khí nhà kính.

Bên cạnh đó, theo báo cáo từ Bộ Tài Nguyên và Môi Trường năm 2019, ước tính Việt Nam thải ra hơn 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế.

Xác định được mấu chốt của vấn đề nằm ở khâu phân loại tại nguồn và thu gom rác thải nhựa, Unilever đã khởi xướng và xây dựng mô hình Kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam.

Mô hình nằm trong khuôn khổ chương trình hợp tác công - tư giữa Bộ Tài Nguyên và Môi Trường và các đối tác tiên phong khác như công ty Dow Chemical, SCG, VietCycle, nhằm giúp giải quyết các vấn đề liên quan đến rác thải nhựa, hướng đến hoàn thành cam kết không phát thải.

Hiện Unilever Việt Nam đã giảm 55% nhựa nguyên sinh, 62% bao bì sản phẩm có thể tái chế, và 100% bao bì nhựa cứng đều có sử dụng nhựa tái chế

Mô hình này bao gồm 4 trụ cột chính: ứng dụng công nghệ và đổi mới, truyền thông và giáo dục để nâng cao nhận thức của người dân, phân loại tại nguồn và thu gom rác thải nhựa, xây dựng chính sách

Trong đó, phân loại và thu gom rác thải nhựa là khâu quan trọng giúp thu gom và đưa nhựa trở lại phục vụ nền kinh tế. Điều này giúp cắt giảm đáng kể lượng khí thải carbon từ quá trình sản xuất nhựa.

Chiến dịch trồng cây và sử dụng điện tái tạo

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các giải pháp khí hậu tự nhiên có thể cung cấp tới 37% mức độ giảm phát thải mà thế giới cần vào năm 2030 của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Unilever đặt mục tiêu trồng 1 triệu cây xanh trước năm 2025 tại Việt Nam. Điều này cũng góp phần vào mục tiêu trồng 1 tỷ cây xanh trong giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ đề xuất, nhằm mục tiêu giải quyết các vấn đề khí hậu ở Việt Nam.

Đối với việc sử dụng điện tái tạo, Unilever trên toàn cầu đã sử dụng 100% điện lưới tái tạo trên khắp năm châu lục cho tất cả nhà máy, văn phòng, cơ sở nghiên cứu và phát triển, trung tâm dữ liệu, kho hàng và trung tâm phân phối.

Việc trồng cây để mở rộng diện tích rừng là một sáng kiến trọng tâm trong kế hoạch hành động của Unilever Việt Nam, giúp thực hiện cam kết không phát thải Carbon.

Chiến dịch “tương lai xanh”

Chiến dịch này sẽ thực hiện loại bỏ nhiên liệu hóa thạch trong công thức của các sản phẩm chăm sóc gia đình (các sản phẩm tẩy rửa và giặt giũ).

Hiện 96% sản phẩm chăm sóc gia đình của Unilever Việt Nam có thành phần có thể phân hủy sinh học, và sẽ đạt 100% vào năm 2030.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng hướng đến việc biến CO2 từ khí thải công nghiệp thành các hóa chất và khoáng chất hữu ích để phục vụ cho công tác sản xuất các sản phẩm chăm sóc gia đình.

Việc áp dụng phương pháp này trong thời gian gần đây đã giúp Unilever trên toàn cầu giảm tới 28% khí nhà kính trong các công thức sản phẩm, đồng thời giúp làm dịu da cho người tiêu dùng.

Tin liên quan
Tin khác