UPS vừa trở thành công ty chuyển phát nhanh toàn cầu đầu tiên 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, sau khi mua lại phần vốn góp 49% của Công ty cổ phần Chuyển phát nhanh Bưu điện (VN Post Express) trong liên doanh của hai công ty.
Theo ông Jeff McLean, Tổng giám đốc UPS Việt Nam, sự thay đổi này cho phép UPS kết nối thị trường Việt Nam với thị trường thế giới tốt hơn thông qua mạng lưới UPS.
Tổng giám đốc Jeff McLean cùng nhân viên hào hứng sau khi trở thành công ty đầu tiên 100% vốn nước ngoài
Ông Jeff McLean cho biết, Việt Nam là một thị trường rất tiềm năng và quan trọng đối với UPS. Tại đây, UPS đã tăng trưởng vững chắc từ khi bắt đầu hoạt động năm 1994, đặc biệt, năm 2012, xuất khẩu của UPS Việt Nam đạt mức tăng trưởng hơn 20%.
Đến nay, Công ty đã đầu tư trang thiết bị mới và công nghệ tại các trung tâm thương mại và công nghiệp trọng điểm khắp Việt Nam, như Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Hải Dương và Bắc Ninh. Các trung tâm mới được đặt tại các vị trí chiến lược trong các khu công nghiệp và kinh doanh lớn, nơi có nhu cầu cao đối với dịch vụ logistics.
McLean cho biết thêm, UPS cũng tạo cơ hội cho các nhà xuất khẩu và doanh nghiệp Việt Nam nói chung tiếp cận khả năng và dịch vụ logistics của UPS thông qua các ứng dụng công nghệ được UPS liên tục đưa vào hoạt động của Công ty.
Trả lời câu hỏi, vì sao UPS chú ý nhiều đến SME, ông McLean lý giải, đại đa số doanh nghiệp ở Việt Nam là SME hoặc doanh nghiệp gia đình, với quy mô rất nhỏ, trong khi phần nhiều trong số khách hàng của họ ở nước ngoài cũng là SME. Như vậy, cả người bán và người mua đều không có đủ điều kiện tài chính cũng như nhân lực để lo làm logistics, gửi hàng ra nước ngoài hoặc nhận hàng từ người bán. Đây là cơ hội để UPS đảm trách công việc này và với thế mạnh là tập đoàn dẫn đầu về logistics trên toàn cầu, UPS phải cam kết hỗ trợ SME.
Ví dụ, các SME không đủ hàng để gửi đầy container, thì phải gửi hàng lẻ. Trong khi đó, UPS có dịch vụ LCL (gửi hàng lẻ trong container), với khả năng cung cấp dịch vụ nhanh hơn đến 40% so với LCL truyền thống cho các container từ TP.HCM đi Mỹ. Năm 2012, UPS áp dụng những giải pháp mới cho vận chuyển và tìm hàng, như Internet Pickup và Quantum View Manage, nhằm phục vụ doanh nghiệp Việt Nam tốt hơn.
Cũng theo ông McLean, phát triển chuỗi cung ứng là một trong những giải pháp cho doanh nghiệp Việt Nam gia tăng giá trị hàng xuất khẩu, mà UPS có vai trò nhất định trong chuỗi cung ứng (supply chain) toàn cầu. May mặc và giày dép (2 trong số những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam) có thể tạo thêm nhiều giá trị hơn nữa thông qua phát triển các chuỗi cung ứng, vì 2 ngành này có rất nhiều SME. May mặc và giày dép đang phụ thuộc rất lớn vào nguyên liệu nhập và hợp đồng gia công cho nước ngoài. Ngoài ra, cạnh tranh trong thiết kế, tạo thương hiệu và tạo khác biệt cho sản phẩm còn rất hạn chế. Do đó, vấn đề là phải làm ra sản phẩm riêng của mình.
Ông McLean cho biết, UPS Việt Nam đã chia sẻ với nhiều SME Việt Nam về câu chuyện một doanh nghiệp tư nhân nhỏ ở TP.HCM đã thành công nhờ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Cụ thể, Doanh nghiệp tư nhân Toàn Hùng được thành lập năm 2003, với vốn chỉ 1,6 tỷ đồng. Vài năm trước, Toàn Hùng tiếp cận Nike và đề nghị được tham gia chuỗi cung ứng đa quốc gia của Nike tại Việt Nam, với tư cách là nhà cung cấp dây giày cho các nhà sản xuất của Nike. Nike đã chấp nhận và Toàn Hùng thành công từ đó. Doanh thu của Toàn Hùng năm 2011 đạt 30 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2009.
Theo UPS, để phát triển cơ hội kinh doanh, SME cần chủ động tham gia các hiệp hội doanh nghiệp hay ngành nghề. Có thể kết nối theo chiều ngang với các nhà sản xuất cùng ngành nghề, hoặc kết nối theo chiều dọc. Ví dụ, có thể kết nối giữa một SME trong lĩnh vực sản xuất với một doanh nghiệp kinh doanh có quan hệ với các bên mua nước ngoài có tiềm năng, hay giữa các SME với một công ty logistics để tối ưu hóa quy trình kinh doanh.
Nguyễn Tường