Giá vàng tăng trong hai phiên giao dịch gần đây nhờ lợi suất trái phiếu Mỹ và USD giảm. Cùng với đó thị trưởng chứng khoán toàn cầu lao dốc khi số ca mắc Covid-19 leo thang, làm trỗi dậy lo ngại về nền kinh tế toàn cầu.
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ giảm xuống dưới 1,6%, theo đó làm tăng sức hấp dẫn của vàng, vốn là tài sản không sinh lời. USD yếu cũng góp phần hỗ trợ giá vàng. USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền đối thủ khác trong rổ tiền tệ, giảm 0,14% xuống 91,1 sáng nay.
Đồng bạc xanh yếu khiến vàng trở nên rẻ hơn đối với người mua bằng ngoại tệ khác. USD rơi xuống gần mức thấp nhất trong 7 tuần khi nhu cầu đối với đồng bạc xanh suy yếu trước bối cảnh lợi suất trái phiếu giảm.
Các nhà phân tích lĩnh vực vàng cho rằng, nếu vàng có thể vượt mốc 1.800 USD/ounce trong tuần này thì đà tăng sẽ trở nên chắc chắn hơn nếu USD suy yếu trên diện rộng, lãi suất trái phiếu Mỹ giảm xuống kích thích giới đầu tư đổ tiền vào vàng.
Cùng với đó, sức mua vàng của một số nước được dự báo sẽ tăng trong thời gian tới như Trung Quốc, Ấn Độ cũng đóng góp không nhỏ vào sự hồi phục của giá vàng.
Tuy nhiên, hiện các quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vẫn đang bán ròng vàng. Theo số liệu từ Hội đồng vàng Thế giới, từ tháng 11/2020 đến tháng 3.2021, các quỹ ETF vàng đã bán ròng bốn quý liên tiếp. Riêng trong tháng ba, các quỹ này xả 108 tấn vàng, trị giá khoảng 6 tỷ USD...
Đối với thị trường vàng trong nước, sáng nay Công ty SJC niêm yết vàng SJC ở mức 55,73-56,07 triệu đồng/lượng (mua-bán), tăng 300.000 đồng/lượng chiều mua và 270.000 đồng/lượng chiều bán so với ngày 20/4.
Tuy nhiên, quy đổi theo tỷ giá VND/USD tại ngân hàng, giá vàng thế giới hiện tương đương với 50,1 triệu đồng/lượng, rẻ hơn 6 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.
Ngày 22/4, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng tỷ giá trung tâm VND/USD, lên 23.183 VND/USD. Giá USD tại ngân hàng giảm nhẹ 5 VND/USD, Vietcombank mua USD với giá 22.955 - 22.985 VND/USD và bán ra 23.165 VND/USD.