Đầu tư
Ưu đãi thực sự vượt trội cho công nghiệp bán dẫn
Nguyễn Lê - 08/01/2025 08:54
Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số mới nhất đã được chỉnh lý theo hướng bổ sung các cơ chế ưu đãi thực sự vượt trội, có tính đột phá, tạo lợi thế cạnh tranh cho công nghiệp bán dẫn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số

Ưu đãi vượt trội để khuyến khích phát triển

Trong Phiên họp thứ 41 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số với nội dung đáng chú ý về ưu đãi cho công nghiệp bán dẫn. Trước đó, thảo luận tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV, có ý kiến đại biểu đề nghị, chính sách ưu đãi cho bán dẫn cần quy định tính đặc thù, vượt trội để khuyến khích phát triển.

Đề cập vấn đề này tại báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (cơ quan thẩm tra) nêu rõ, Nghị quyết số 29-NQ/TW đã xác định, thiết kế và sản xuất chip bán dẫn là một trong những nhiệm vụ chủ yếu trong xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, tự lực, tự cường. Gần đây nhất, Nghị quyết số 57-NQ/TW khẳng định, bán dẫn là một trong những công nghệ chiến lược và đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam phải từng bước làm chủ công nghệ này.

Theo thường trực cơ quan thẩm tra, xu thế phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, đang bùng nổ nhu cầu sử dụng chip bán dẫn trên toàn cầu. Dự báo, đầu tư vào hoạt động sản xuất chip bán dẫn tăng mạnh trong giai đoạn 2024 - 2032. Đối với khu vực phi truyền thống (Israel, Malaysia, Singapore, Ấn Độ và các quốc gia khác), dòng vốn đầu tư cho sản xuất bán dẫn đến năm 2032 khoảng 72 tỷ USD, trong đó 55% đã có kế hoạch và cam kết đầu tư. Việt Nam, với lợi thế địa chính trị và nhân lực, cần tận dụng những cơ hội còn lại để tham gia sâu hơn và khẳng định vị trí trong chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Thường trực cơ quan thẩm tra đánh giá, ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Việt Nam đã và đang thu hút được nhiều tập đoàn đóng gói chip lớn trên thế giới (Intel 1,5 tỷ USD, Amkor 1,6 tỷ USD, Hana Micron 600 triệu USD, Onsemi 200 triệu USD, USI 200 triệu USD)...

Vừa qua, Tập đoàn NVIDIA của Hoa Kỳ đầu tư, hợp tác với các tập đoàn công nghệ trong nước thiết lập các cơ sở tính toán hiệu năng cao, trung tâm nghiên cứu phát triển trí tuệ nhân tạo. Việt Nam cũng đang nhanh chóng tiếp thu, hấp thụ, làm chủ công nghệ bán dẫn thông qua thu hút các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực thiết kế vi mạch (như Synopsys, Qualcomm, Marvell, Cadence Design System...).

Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số do Chính phủ trình đã có quy định chính sách ưu đãi cho công nghiệp bán dẫn, được hưởng những ưu đãi chung theo ngành công nghiệp công nghệ số. Tuy nhiên, ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhấn mạnh, để thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng, nắm bắt được thời cơ phát triển công nghiệp bán dẫn, cần nghiên cứu, bổ sung các cơ chế ưu đãi thực sự vượt trội, có tính đột phá, tạo lợi thế cạnh tranh.

Ông Huy cho biết, trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu, một số quy định ưu đãi đối với công nghiệp bán dẫn trong Dự thảo đã được chỉnh lý. Cụ thể, điểm c, khoản 3, Điều 44 quy định, chi phí thực tế cho hoạt động nghiên cứu - phát triển lĩnh vực bán dẫn của doanh nghiệp được tính bằng 150% khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, điểm e, khoản 3, Điều 44 quy định, Nhà nước hỗ trợ trực tiếp chi phí không quá 10% tổng đầu tư của dự án để đầu tư xây dựng nhà máy, hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị máy móc từ nguồn chi đầu tư phát triển từ ngân sách. Khoản 5, Điều 59 quy định, bổ sung điểm c, khoản 2, Điều 20, Luật Đầu tư về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt đối với dự án sản xuất sản phẩm công nghệ số trọng điểm, dự án nghiên cứu và phát triển, thiết kế, sản xuất, đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn.

Hoàn thiện thêm để đảm bảo thống nhất

Tham gia thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Hoàng Thanh Tùng tán thành các chính sách nói trên, song để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, ông đề nghị phải có điều khoản để sửa các quy định có liên quan của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Ngân sách nhà nước và Luật Khoa học công nghệ cùng các luật khác có liên quan.

“Quy định chi phí thực tế cho hoạt động nghiên cứu - phát triển lĩnh vực bán dẫn của doanh nghiệp được tính bằng 150% khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp là cần thiết, nhưng khác quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp”, ông Tùng nêu ví dụ.

Cũng góp ý về công nghiệp bán dẫn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nói, Dự thảo đã có chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp trong nước liên doanh với các nhà đầu tư nước ngoài, có chính sách hợp tác, nghiên cứu và phát triển thiết kế sản xuất, thương mại hóa các sản phẩm bán dẫn.

“Đây là hai lĩnh vực rất cần thiết, cần ủng hộ, nhưng đề nghị cơ quan soạn thảo có thể bổ sung thêm tại sao chúng ta không khuyến khích cả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với lĩnh vực này. Nếu thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ về liên doanh, liên kết, không chỉ nghiên cứu và phát triển, mà có thể đầu tư các sản phẩm công nghiệp bán dẫn của chúng ta, thì cũng có lợi để phục vụ sự phát triển kinh tế bền vững trong thời gian tới”, ông Thanh nêu.

Nhất trí quan điểm quy định tại Dự thảo phải đồng bộ với các luật khác, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, ông Lê Quang Mạnh nói, chiến lược cải cách thuế đến năm 2030 của Chính phủ quy định rất rõ là các chính sách thuế chỉ được quy định trong các văn bản pháp luật về thuế và được hoàn thiện sửa đổi, bổ sung đảm bảo nhất quán. Như vậy, thiết kế quy định như Điều 44 tại Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số về ưu đãi thuế là không phù hợp.

Do vậy, ông Mạnh đề nghị, các cơ quan của Chính phủ, đặc biệt là Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp là cơ quan “gác gôn” cho Chính phủ về vấn đề này, dành thời gian làm việc cùng với ngành tài chính để Chính phủ có quan điểm thống nhất khi tại Kỳ họp thứ chín tới đây của Quốc hội, Luật Công nghiệp công nghệ số sẽ được thông qua cùng Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

“Hiện nay, có rất nhiều nội dung cần được hoàn thiện thêm, chưa kể các nội dung liên quan đến Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Ngân sách nhà nước”, ông Mạnh nói.

Nêu bối cảnh Dự thảo được trình Quốc hội khi chưa có Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, sau khi có Nghị quyết, thì chính sách có thay đổi gì để đảm bảo thật sự đột phá cho phát triển.

Theo Chủ tịch Quốc hội, mục tiêu nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV đang đưa về cơ sở thảo luận là, giai đoạn 2026-2031 phải tăng trưởng 2 con số để đến khi kỷ niệm 100 năm thành lập nước là Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 là nước thu nhập cao. Vì thế, ông Mẫn đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra phải chuẩn bị các phương án để điều chỉnh những vấn đề mới mang tính thời sự như Internet vạn vật, công nghệ chuỗi khối, trí tuệ nhân tạo, công nghiệp bán dẫn.

“Phải xác định trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, bán dẫn là công nghệ chiến lược và mục tiêu của Việt Nam đến năm 2030 từng bước phải làm chủ”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Theo nghị trình, Luật Công nghiệp công nghệ số sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ chín (tháng 5/2025).

Giao Chính phủ quy định chi tiết về tài sản số

Tại Kỳ họp thứ tám của Quốc hội, tài sản số là một trong các vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, Thường trực Ủy ban thấy rằng, tài sản số là vấn đề mới, phức tạp, phát triển, thay đổi nhanh chóng. Hiện nay, trên thế giới cũng chưa có khung pháp lý quy định đầy đủ về vấn đề này và vẫn còn có quan điểm khác nhau.

Do đó, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số quy định khung về vấn đề này, như khái niệm, phân loại tài sản số dựa trên mục đích sử dụng, công nghệ và các tiêu chí khác, đồng thời giao Chính phủ quy định phân loại, thẩm quyền, nội dung quản lý tài sản số, cung ứng dịch vụ tài sản số phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Tin liên quan
Tin khác