Ngân hàng - Bảo hiểm
Ưu đãi thuế cho công nghiệp hỗ trợ chưa rõ ràng
Mạnh Bôn - 05/04/2017 08:33
Đã có hàng loạt cơ chế, chính sách nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) được ban hành, nhưng CNHT của Việt Nam phát triển chưa như kỳ vọng. Một trong những nguyên nhân, theo ông Bùi Tuấn Minh, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Deloitte Việt Nam, là do chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho CNHT chưa rõ ràng.
TIN LIÊN QUAN

Để tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu, Việt Nam đã có nhiều chính sách khuyến khích phát triển CNHT. Ông đánh giá các chính sách này thế nào?

CNHT là ngành sản xuất nguyên liệu, vật liệu, linh kiện và phụ tùng để cung cấp cho sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh - được xem là nền tảng, xương sống giúp cho ngành công nghiệp sản xuất và lắp ráp sản phẩm cuối cùng có thể phát triển bền vững và ổn định.

Nhận thức được tầm quan trọng của ngành CNHT, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đa dạng cho doanh nghiệp CNHT như tiếp cận tín dụng, ưu đãi thuế xuất - nhập khẩu; Chính phủ đã có Chương trình phát triển CNHT từ năm 2016 đến năm 2025 và Danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển…

.

Đặc biệt, năm 2014, Quốc hội đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế (Luật số 71), lần đầu tiên đưa ra quy định ưu đãi cao nhất về thuế thu nhập doanh nghiệp (thuế suất 10% trong vòng 15 năm, miễn 4 năm và giảm 50% trong 9 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế) cho dự án đầu tư sản xuất  CNHT. Có thể nói, chính sách về CNHT của Việt Nam khá đầy đủ.

Theo ông, hiệu quả của các chính sách này đến đâu?

Theo tôi, hiệu quả chưa được như kỳ vọng.

Cụ thể, theo Chương trình phát triển CNHT từ năm 2016 đến năm 2025, thì đến năm 2020, sản phẩm CNHT trợ đáp ứng khoảng 45%; đến năm 2025, đáp ứng được 65% nhu cầu cho sản xuất nội địa. Vào năm 2020, tỷ lệ cung cấp nguyên vật liệu và phụ liệu phục trong nước của ngành công nghiệp dệt may đạt 65%, ngành da giày đạt 75-80%. Đến năm 2020, đáp ứng 35% nhu cầu sản phẩm linh kiện phụ tùng cho các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển và sẽ được nâng lên 55% vào năm 2025.

Nhưng hiện tại, linh kiện, phụ tùng kim loại mới đáp ứng được 15-25% nhu cầu linh kiện cho sản xuất ô tô, khoảng 20% cho sản xuất thiết bị đồng bộ; lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử mới đáp ứng được 30-35% nhu cầu linh kiện điện tử gia dụng; tỷ lệ nội địa hóa đối với xe ô tô 9 chỗ ngồi mới đạt bình quân khoảng 7-10%; tỷ lệ giá trị gia tăng trong sản phẩm dệt may cũng mới chỉ đạt 50% do nguyên vật liệu và phụ liệu phần lớn phải nhập khẩu, trong khi đó, gần 80% nguyên vật liệu và phụ liệu phục vụ ngành da giày phải nhập khẩu.

Nguyên nhân của tình trạng này là gì, thưa ông?

Với tư cách là nhà tư vấn thuế ở Việt Nam tiếp cận với nhiều doanh nghiệp, tôi cho rằng, nguyên nhân cơ bản ở việc ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp với CNHT chưa rõ ràng. Mặc dù chính sách đã được quy định tại Luật số 71, với nhiều ưu đãi cho CNHT, nhưng vẫn khó đi vào cuộc sống.

Vốn liếng, nhân lực, công nghệ, trình độ quản lý không đáng ngại nếu thu hút được doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực CNHT tái đầu tư, mở rộng từ lợi nhuận sau thuế tăng lên nhờ ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ông có thể chỉ ra những điểm được cho là chưa rõ ràng?

Có hai vấn đề chưa rõ ràng, bao gồm chuyển tiếp ưu đãi thuế và tiêu chí xác định đối tượng hưởng ưu đãi.

Theo Luật số 71, doanh nghiệp được quyền lựa chọn hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật tại thời điểm cấp phép (nếu có lợi hơn) hoặc theo quy định của pháp luật mới được sửa đổi, bổ sung cho thời gian còn lại.

Như vậy, theo nguyên tắc này thì đối với các dự án sản xuất sản phẩm CNHT được cấp phép trước ngày 1/1/2015 hiện đang hoạt động trước đây không thuộc diện được hưởng ưu đãi thì sẽ có cơ hội được hưởng ưu đãi cho thời gian còn lại, kể từ ngày 1/1/2015.

Tuy nhiên, Nghị định 12/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật số 71 không quy định chuyển tiếp ưu đãi cho dự án đầu tư thuộc ngành nghề, lĩnh vực không thuộc diện hưởng ưu đãi trước ngày 1/1/2015 nay đáp ứng điều kiện ngành nghề, lĩnh vực ưu đãi theo Luật số 71.

Tiếp theo đó, Thông tư 21/2016/TT-BTC quy định cụ thể ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp được áp dụng đối với thu nhập từ thực hiện dự án sản xuất sản phẩm CNHT từ ngày 1/1/2015. Quy định không rõ ràng này khiến doanh nghiệp hiểu ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ áp dụng đối với dự án sản xuất sản phẩm CNHT thực hiện từ ngày 1/1/2015.

Doanh nghiệp cũng lúng túng khi áp dụng tiêu chí xác định đối tượng hưởng ưu đãi quy định tại Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển CNHT và Thông tư 55/2015/TT-BCT quy định trình tự, thủ tục xác nhận ưu đãi và hậu kiểm ưu đãi đối với dự án sản xuất sản phẩm CNHT.

Theo đó, đối tượng hưởng ưu đãi là dự án sản xuất sản phẩm CNHT bao gồm dự án đầu tư mới, dự án mở rộng và đổi mới công nghệ có ứng dụng thiết bị công nghệ mới, quy trình sản xuất mới, với năng lực sản xuất tăng ít nhất 20%.  Doanh nghiệp thực tế không biết sẽ sử dụng tiêu chí nào: tăng tài sản cố định, tăng công suất, tăng vốn đầu tư hay tăng doanh thu để xác định dự án sản xuất sản phẩm CNHT của mình có thuộc đối tượng được áp dụng ưu đãi theo diện tăng năng lực sản xuất 20% hay không.

Tin liên quan
Tin khác