Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá, biến đổi khí hậu, thiên tai đang ngày càng diễn ra nhanh, phức tạp và sẽ tiếp tục khó lường, khó dự báo do tính thất thường, cực đoan, đặc biệt là những tác động ngắn hạn.
Trong bối cảnh các nỗ lực toàn cầu về ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là giảm phát thải khí nhà kính vẫn chưa đạt được các mục tiêu như kỳ vọng theo Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu cũng như Thỏa thuận Paris.
Do đó, ĐBSCL sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều tác động bất lợi trong tương lai gần. Các hoạt động khai thác, sử dụng nước ở phía thượng nguồn, đặc biệt là các dự án thuỷ điện trên dòng chính sông Mê Công ngày càng phức tạp hơn trong khi cơ chế điều phối tiểu vùng đã cho thấy những bất cập, khó phát huy tối đa hiệu quả, tình trạng thiếu cát, thiếu màu, thiếu nước được dự báo sẽ còn tiếp diễn nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến phát triển ĐBSCL.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị lẩn về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biển đổi khí hậu (Ảnh: VGP/Quang Hiếu). |
“Nghị quyết số 120/NQ-CP mới được triển khai thực hiện hơn 03 năm và mới chỉ ở bước đầu, trong khi các mục tiêu, tầm nhìn, nhiệm vụ trong Nghị quyết mang tính chiến lược, dài hạn. Do đó cần phải có thời gian và nguồn lực để đảm bảo triển khai khối lượng công việc lớn đã được đề ra”, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nói.
Theo đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà kiến nghị sớm ban hành Quy hoạch vùng ĐBSCL giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 làm căn cứ để triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh vùng ĐBSCL biến đổi khí hậu.
Đầu tiên, ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi, phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển phục vụ sản xuất, ổn định đời sống của nhân dân vùng ĐBSCL, nhất là các dự án đa mục tiêu, kết nối vùng.
Cụ thể, khẩn trương bổ sung nguồn vốn thực hiện dự án hỗ trợ chính sách phát triển vùng ĐBSCL (DPO) thuộc khoản phân bổ cho các nhiệm vụ, dự án cụ thể, bao gồm dự án kết nối, có tác động liên vùng, dự án mang ý nghĩa động lực cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
Người dân tại An Giang đạp xe đi mua nước để sinh hoạt (Ảnh: Lê Toàn). |
Về giao thông, cần tập trung nguồn lực triển khai nâng cấp hệ thống giao thông đường bộ trong vùng cũng như kết nối với TP.HCM và Đông Nam Bộ phục vụ kết nối kinh tế theo trục dọc Bắc Nam và trục ngang Đông Tây.
Về thủy lợi, tập trung đầu tư các dự án kiểm soát mặn, cấp ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp (công trình chuyển nước hợp lý giữa các vùng; các hệ thống thủy lợi chủ động kiểm soát mặn, phục vụ chuyển đối nông nghiệp bền vững theo 3 vùng sản xuất); hệ thống trữ ngọt, cung cấp nước sinh hoạt, trữ nước hộ gia đình cho người dân khu vực thường xảy ra xâm nhập mặn.
Thêm vào đó, đầu tư xử lý sạt lở bờ sông và củng cố đê biển. Trước mắt, trong năm 2021, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, cần tập trung hoàn thành các dự ánhệ thống thủy lợi: Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1, Bắc và Nam Bến Tre, tiểu vùng II, III, V Cà Mau, Dự án Tha La, cống Trà Sư.
“Về nông nghiệp, cần xoay trục chiến lược sang thủy sản - trái cây - lúa gạo; tăng tỷ trọng giá trị sản xuất thủy sản và trái cây, giảm tỷ trọng lúa gạo. Thúc đẩy tập trung, tích tụ đất đai hình thành các hộ nông dân quy mô lớn, tổ chức nông hộ thành các hợp tác xã kiểu mới, liên kết với doanh nghiệp”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà kiến nghị.