Điều đầu tiên trong 3 nguyên tắc hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả là phải hỗ trợ ngay cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng, nhưng phải là những doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ có sức bật trở lại nhanh khi kinh tế dần phục hồi.
Giải pháp hỗ trợ cần phải được thiết kế cho phù hợp với nhu cầu cụ thể của các doanh nghiệp. Trong ảnh: Nhà máy Nhựa Hà Nội. Ảnh: Đức Thanh |
“Lửa thử vàng…”
Việt Nam có câu: “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Câu nói này ngày càng đúng với Việt Nam, không chỉ qua lịch sử hào hùng của đất nước, mà đặc biệt đúng trong bối cảnh hiện nay. Đây là tinh thần mà tôi cảm nhận được qua Hội nghị giữa Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp vừa qua.
Ứng phó dịch tễ với Covid-19 của Việt Nam cho đến thời điểm này rất xuất sắc. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo kiên quyết và ứng phó chủ động, Việt Nam không chỉ “làm phẳng đường cong dịch”, mà còn kiềm chế được số ca nhiễm mới. Sự tập trung quyết liệt của Chính phủ vào mục tiêu duy nhất là bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của người dân trong khủng hoảng đã khơi dậy niềm tin mạnh mẽ của nhân dân với Nhà nước.
Như chúng ta vẫn hay nói, “có sức khỏe là có tất cả”, sự thịnh vượng của một đất nước chính là sức khỏe của người dân. Còn chăm sóc cho sức khỏe của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, cũng là chăm sóc cho sự phục hồi của nền kinh tế và đời sống của nhân dân, phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Chống dịch, nhưng nhiệm vụ lớn nhất là sản xuất phải phát triển, đời sống nhân dân được bảo đảm”.
Báo cáo cập nhật kinh tế khu vực của chúng tôi cho thấy, kinh tế Việt Nam có sức chống chịu tốt. Ngược với xu hướng trên thế giới, nhiều doanh nghiệp đặt tại Việt Nam đã tăng doanh số bán hàng ở nước ngoài. Đồng thời, các nhà đầu tư tiềm năng vẫn đang ùn ùn đến Việt Nam và tính đến ngày 20/5, số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới đạt hơn 13,88 tỷ USD.
Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng, sức chịu đựng này có hạn và đang kém đi, vì sự khắc nghiệt của đại dịch Covid-19. Chúng ta đều biết, sự khắc nghiệt đến nay thế nào. Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong quý I năm nay, số doanh nghiệp ngưng hoạt động lên tới mức kỷ lục là gần 35.000 doanh nghiệp. Hệ quả là, đến cuối tháng 3, gần 3 triệu người lao động đã bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng, trong đó 59% mất việc tạm thời, 28% phải làm việc luân phiên và 13% mất việc hoàn toàn. Tình hình có thể còn tiếp tục trong những tháng tới.
Tin tốt là việc nới lỏng dần hạn chế giãn cách xã hội từ ngày 23/4 đã giảm bớt áp lực đối với doanh nghiệp và người lao động. Khi kinh tế hồi phục, mỗi ngày mới sẽ cho chúng ta cơ hội mới để trở nên mạnh mẽ hơn. Nhưng chúng ta phải nắm bắt các cơ hội này qua chính sách phù hợp.
Hiểu rõ tác động của Covid-19 với doanh nghiệp là điều kiện tiên quyết để Chính phủ ra những chính sách phù hợp, nếu không sẽ có nhiều rủi ro như lãng phí nguồn lực công khan hiếm và phát ra những tín hiệu sai cho thị trường.
Cú sốc kinh tế hiện tác động tới doanh nghiệp qua 4 kênh: nhu cầu giảm, nguồn cung đầu vào bị đứt gãy và suy giảm, tín dụng thắt chặt và giảm thanh khoản, mức độ bất định của thị trường ngày càng tăng.
Hầu hết doanh nghiệp Việt Nam đã và đang bị ảnh hưởng tiêu cực bởi cuộc khủng hoảng qua một hoặc vài kênh kể trên, nhưng ngành nghề, lĩnh vực khác nhau chịu tác động khác nhau một cách đáng kể. Doanh nghiệp nông nghiệp dường như bị ảnh hưởng nhẹ hơn, trong khi doanh nghiệp giao thông - vận tải và du lịch đang gặp khó khăn nghiêm trọng về tài chính.
Mức độ tác động cũng khác nhau tùy thuộc vào quy mô, hình thức sở hữu và địa bàn hoạt động. Doanh nghiệp ở trung tâm, đô thị với mật độ dân số cao nhìn chung bị ảnh hưởng bởi các biện pháp giãn cách xã hội nhiều hơn so với các doanh nghiệp ở nông thôn.
Cuối cùng, mức độ ảnh hưởng lên doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào các biện pháp hạn chế áp dụng ở Việt Nam. Đối với các doanh nghiệp có giao dịch trên thị trường quốc tế, còn là các biện pháp áp dụng ở nước khác.
Thu thập dữ liệu về tác động của Covid-19 đòi hỏi phải có những giải pháp mang tính đổi mới, bởi tốc độ của các kênh thông tin truyền thống có thể là quá chậm so với đòi hỏi của bối cảnh hiện nay. Giải pháp có thể là thu thập thông tin ngay lập tức từ các doanh nghiệp thông qua khảo sát điện thoại di động hoặc sử dụng dữ liệu lớn được các đối tác toàn cầu (như Google) cung cấp, hoặc quan sát vệ tinh để theo dõi diễn biến của đại dịch và tốc độ phục hồi kinh tế. Trong việc này, Nhóm Ngân hàng Thế giới đang hỗ trợ Chính phủ Indonesia xây dựng một đài quan sát thông tin mới và cũng sẵn sàng hỗ trợ tương tự cho Việt Nam.
Ba nguyên tắc hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả
Chính phủ cần tính cách hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả nhất trong ngắn hạn và dài hạn. Giải pháp cần phải được thiết kế cho phù hợp với nhu cầu cụ thể của doanh nghiệp và/hoặc các ngành trên cơ sở thu thập bằng chứng, nhưng có 3 nguyên tắc mà tôi muốn chia sẻ.
Nguyên tắc đầu tiên là phải hỗ trợ ngay cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng, nhưng phải là những doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ có sức bật trở lại nhanh chóng khi kinh tế dần phục hồi. Để tránh những ảnh hưởng tiêu cực kéo dài lên nền kinh tế và người lao động, điều tối quan trọng là không để các doanh nghiệp có năng lực rút khỏi thị trường và các định chế tài chính tiếp tục cung cấp tín dụng và vốn lưu động cho các doanh nghiệp này một cách bền vững.
Một điều không kém phần quan trọng là các biện pháp này không tạo thêm rủi ro tài chính. Chính phủ có nhiều công cụ khác nhau để hỗ trợ doanh nghiệp, như hỗ trợ tài chính qua miễn, giảm và giãn thuế; cấp phát ngân sách và giảm phí; hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa có lịch sử tín dụng tốt và có khả năng trả nợ; hỗ trợ tiền mặt một lần cho các doanh nghiệp phi chính thức nếu họ quyết định đăng ký chính thức; hay lập quỹ hỗ trợ đặc biệt (Special Relief Facility -SRF) cung cấp vốn lưu động cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ với mức lãi suất cố định hàng năm...
Việt Nam đang đi theo hướng này thông qua một loạt biện pháp mà Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhằm giảm khó khăn thanh khoản và nới lỏng điều kiện tín dụng, cũng như qua các gói hỗ trợ mà Chính phủ công bố hồi đầu tháng Tư vừa qua.
Nguyên tắc thứ hai là khuyến khích điều chuyển nguồn lực từ doanh nghiệp ít có khả năng phục hồi nhanh hoặc doanh nghiệp sẽ phải thay đổi cách thức kinh doanh do ảnh hưởng của Covid-19, sang định hướng kinh doanh “tránh tiếp xúc trực tiếp”. Theo tôi, hỗ trợ tài chính như trên chỉ có thể đạt hiệu quả kinh tế trong một thời gian nhất định. Chính phủ có thể khuyến khích điều chuyển nguồn lực cho các hoạt động mang lại mức sinh lời cao hơn.
Chẳng hạn, ở Singapore, lái xe taxi được khuyến khích chuyển sang giao hàng, một nghề có quy mô ngày càng mở rộng. Tương tự, có thể khuyến khích xây dựng các nền tảng công nghệ số bảo mật để phát triển khám chữa bệnh từ xa, hoặc các cửa hàng bán trực tiếp mở kênh bán hàng qua mạng.
Về đối ngoại, Chính phủ có thể hỗ trợ doanh nghiệp chuyển hoạt động sang các thị trường dự kiến mở cửa trở lại sớm hơn, nhằm tạo sức mạnh tổng hợp và cơ hội mới. Việt Nam nên cân nhắc các “tuyến đường kinh tế không Corona” để mở lại du lịch và đi lại với các nước như Hàn Quốc, Australia và New Zealand, với các biện pháp khuyến khích như cấp visa nhiều lần và dài hạn, áp dụng các biện pháp y tế chung để bảo vệ du lịch và giao thông, lấy lại lòng tin cho du khách. Cũng cần có nỗ lực xúc tiến đầu tư mang tính chiến lược và có mục tiêu để thu hút các công ty đa quốc gia đang cân nhắc dịch chuyển hoạt động ra nước khác.
Nguyên tắc thứ ba là, cân nhắc các hành động để Việt Nam có thể đạt khát vọng trở thành nền kinh tế có thu nhập cao trong tương lai. Với tầm nhìn này, tôi thấy có 3 lĩnh vực tiềm năng mà Chính phủ có thể cân nhắc trong các tháng tới.
Một là tối ưu hóa đầu tư công để kích thích các hoạt động của khu vực tư nhân (như đơn giản hóa quá trình tham gia đấu thầu các công trình công cộng của doanh nghiệp nhỏ và vừa để khuyến khích hoạt động kinh tế).
Hai là tận dụng tối đa nghị trình số hóa để giảm thiểu chi phí giao dịch cho cả Chính phủ và doanh nghiệp.
Ba là bảo vệ, tạo việc làm, thúc đẩy phát triển nguồn vốn con người thông qua các chương trình an sinh xã hội và đào tạo được thiết kế cho bối cảnh mới (như hỗ trợ các công ty giữ và đào tạo lại cho các nhân viên lớn và trung tuổi, cùng trả lương cho thực tập sinh đi tìm việc lần đầu ở các công ty...).
Ba lĩnh vực trên sẽ tạo ra lợi thế để hỗ trợ cho các doanh nghiệp tư nhân trong ngắn hạn, đồng thời sẽ tạo ra lợi ích về năng suất trong dài hạn.
Cuối cùng, giải pháp trong thời điểm khủng khoảng cũng bao gồm việc chấp nhận rủi ro. Vì vậy, các nhà lập chính sách cần được trao quyền để hành động một cách quyết liệt với rủi ro đã biết và được ghi nhận xứng đáng khi sáng tạo hay có thành công.
Nhóm Ngân hàng Thế giới luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam và tôi tin tưởng, cuộc khủng hoảng Covid hiện nay cũng là một cơ hội để tăng cường mối quan hệ đối tác giữa hai bên.
Ngày 29/5/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 84/2020/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Trong đó, Chính phủ xác định, khẩn trương hoàn thành việc rà soát, sửa đổi, bổ sung ngay các văn bản pháp luật để khắc phục sự chồng chéo, tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn, thúc đẩy cải cách, đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nguồn lực đầu tư phục vụ phát triển đất nước. Việc sửa đổi, bổ sung các chính sách hiện hành nhằm tạo nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân sẽ được thực hiện theo nguyên tắc vẫn bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.