Tại buổi làm việc với Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC), Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Lê Mạnh Hùng đã kiến nghị Ủy ban hỗ trợ xử lý bất cập của khung pháp lý liên quan đến hoạt động dầu khí.
Cụ thể là sớm trình cấp thẩm quyền xem xét sửa Luật Dầu khí, Luật Thuế giá trị gia tăng, tăng cường phân cấp, phân quyền cho người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tháo gỡ vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư. Đây cũng là cơ sở giúp Tập đoàn có khuôn khổ pháp lý toàn diện, minh bạch, hợp lý để triển khai tốt những nhiệm vụ được Chính phủ giao phó.
Năm 2020, do tác động kép của đại dịch Covid-19 và giá dầu giảm sâu đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động của PVN, khi vừa phải tập trung ứng phó với dịch bệnh (dẫn đến nhu cầu thị trường thấp, thu hẹp) vừa phải ứng phó với suy giảm giá dầu thô chưa từng có trong lịch sử giao dịch dầu khí (thời điểm 20/4/2020 giá dầu WTI âm 37,6 USD/thùng).
Tuy vậy kết quả mà ngành dầu khí đạt được lại rất khả quan. Tính tới đầu tháng 12/2020, PVN đã hoàn thành kế hoạch cả năm trước thời hạn 03 chỉ tiêu sản lượng quan trọng là gia tăng trữ lượng dầu khí (hoàn thành kế hoạch cả năm trước 6 tháng, đạt 15 triệu tấn quy dầu, vượt 20% so với kế hoạch năm), sản xuất đạm (hoàn thành kế hoạch cả năm trước 1 tháng 10 ngày) và khai thác dầu thô (đạt 10,62 triệu tấn vào ngày 05/12/2020).
Năm 2021 cũng được dự báo là có nhiều khó khăn với ngành dầu khí, nên PVN cũng quyết tâm, tập trung mọi trí tuệ và nguồn lực, sẵn sàng, chủ động thực hiện tốt nhất những nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch.
Nhận xét, PVN là doanh nghiệp lớn, chiếm tỉ lệ vốn lớn nhất trong Ủy ban cũng như giữ vai trò quan trọng của nền kinh tế đất nước, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn Nhà nước cũng cho biết, sẽ tiếp tục đồng hành cùng PVN tập trung, quyết liệt xử lý những vướng mắc; đồng thời đề nghị hai bên cùng xem xét, thảo luận để đưa ra một cơ chế phối hợp hiệu quả, đồng bộ để công việc liên quan được giải quyết nhanh chóng, thuận tiện.
Ông Thanh khi ấy cũng cho rằng, không thể yên tâm và không làm tốt hơn được nữa khi mà 4 năm nay Cơ chế quản lý tài chính mới cho PVN vẫn chưa được ban hành, khiến anh em khó có thể yên tâm công tác. “Anh em các cấp phải áp dụng, vận dụng hàng ngày nhưng cũng sẵn sàng chấp nhận rủi ro trong tương lai vì sự ổn định và phát triển của dầu khí”, ông Thanh nói.
Trên thực tế, Dự thảo Quy chế tài chính của Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã được Bộ Tài chính đưa ra từ đầu năm 2016, nhằm thay thế cho các quy định tại Nghị định 06/2015/NĐ-CP, nhằm phù hợp với nhiều quy định mới của luật pháp liên quan đến lĩnh vực đặc thù như ngành dầu khí, đơn cử như các quy định của Quỹ tìm kiếm, thăm dò dầu khí không còn phù hợp với quy định tại Luật Ngân sách ban hành năm 2015.
Vào tháng 1/2018, Nghị định 07/2018/NĐ-CP về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng đã được ban hành, khiến cho Quy chế tài chính của Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam theo Nghị định 06/2015/NĐ-CP không còn căn cứ pháp lý để vận dụng.
Cũng do Quy chế tài chính của Công ty mẹ - PVN chưa được thông qua nên việc tìm kiếm, thăm dò gặp khó khăn về vốn.
Ở thời điểm hiện tại, Quy chế tài chính của Công ty mẹ - PVN vẫn chưa được ban hành chính thức