Một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. |
Theo chương trình dự kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp phiên thứ 27 trong 4,5 ngày, khai mạc sáng 11/10 và bế mạc sáng 17/10.
Cho ý kiến về công tác chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, là một trong các nội dung tại phiên họp này.
Tại Kỳ họp thứ sáu khai mạc ngày 23/10 tới, Quốc hội dự kiến sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.
Việc lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội được tiến hành theo Nghị quyết 96 được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ năm.
Theo Nghị quyết này thì chậm nhất là 45 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, dự kiến danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm và có văn bản yêu cầu người được lấy phiếu tín nhiệm gửi báo cáo và bản kê khai tài sản, thu nhập đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chậm nhất là 20 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm và báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (nếu có) đến đại biểu Quốc hội.
Theo dự kiến chương trình Kỳ họp thứ sáu, từ 16h ngày 24/10 Quốc hội bắt đầu quy trình lấy phiếu tín nhiệm, kết quả sẽ được công bố vào chiều 25/10.
Ngoài nội dung trên, tại phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội hội khóa XV; kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2023; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 9/2023.
Nội dung phiên họp còn có tham gia ý kiến về dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 6 của Quốc hội. Xem xét báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2023 (tổng hợp cả nội dung báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước).
Trong phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”. Cho ý kiến về báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Tờ trình của Chính phủ về kết quả thực hiện, khó khăn vướng mắc trong triển khai 03 chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2021-2023 và đề xuất giải pháp, cơ chế đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình trong thời gian tới, cũng sẽ được đặt lên bàn nghị sự ở phiên họp này.
Ngoài ra, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội còn xem xét, quyết định phương án phân bổ, sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2022 và nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2021 đã bố trí cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn dư. Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Sáng 16/10 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các nội dung liên quan đến kinh tế - xã hội, gồm: đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2023, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; đánh giá giữa nhiệm kỳ về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và đánh giá giữa nhiệm kỳ về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 31/2021/QH15 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.
Chiều cùng ngày Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các nội dung liên quan đến tài chính ngân sách, gồm: tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024 (trong đó có tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2023, dự kiến kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024); đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 – 2025; đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025.
Sáng 17/10 nội dung được đặt lên bàn nghị sự là báo cáo của Chính phủ về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 theo yêu cầu tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội; việc chuẩn bị kỳ họp thứ sáu của Quốc hội.