Thời sự
Ủy ban Tư pháp Quốc hội "điểm danh" tội phạm sàn tiền ảo, lan đột biến, dự án ma
Nguyễn Lê - 23/10/2021 09:25
Theo Ủy ban Tư pháp Quốc hội, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản tăng, thủ đoạn tinh vi, như mua bán hàng hóa giá cao bất thường (lan đột biến); lập sàn đầu tư tài chính trái phép.

Chiều nay, 23/10, Quốc hội sẽ nghe báo cáo, sau đó thảo luận trực tuyến về nội dung này, cùng với các báo cáo trong lĩnh vực tư pháp.

Cơ quan thẩm tra của Quốc hội đánh giá, mặc dù về tổng thể chung, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm giảm, tuy nhiên một số loại tội phạm nghiêm trọng gia tăng, như: hiếp dâm trẻ em 637 vụ, tăng 9,26%; lừa đảo chiếm đoạt tài sản 2.362 vụ, tăng 4,19%, gây rối trật tự công cộng 469 vụ tăng 18,73%. Số vụ giết người tuy có giảm (1048 vụ, giảm 7,26%), tuy nhiên xảy ra một số vụ với tính chất, mức độ nguy hiểm, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Tội phạm chống người thi hành công vụ tiếp tục gia tăng với 548 vụ, tăng 20,18% và diễn biến phức tạp, đặc biệt là hành vi chống lại lực lượng đang thi hành nhiệm vụ phòng, chống dịch và lực lượng Công an ...

Uỷ ban Tư pháp đề nghị Chính phủ cần có đánh giá cụ thể hơn nữa về hiệu quả của công tác phòng ngừa với các loại tội phạm này, các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm và có giải pháp để đấu tranh có hiệu quả trong thời gian tới.

Cụ thể hơn về một số vấn đề cần chú ý, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản tăng và xảy ra ở nhiều lĩnh vực, số tiền bị chiếm đoạt lên đến hàng trăm tỷ đồng với nhiều thủ đoạn tinh vi.

Cụ thể: lợi dụng sản xuất, kinh doanh khó khăn để đầu cơ, đẩy giá tạo “bong bóng” lợi nhuận, mua bán hàng hóa với giá cao bất thường (lan đột biến); lập sàn đầu tư tài chính trái phép (vàng, tiền ảo, ngoại tệ), cam kết lợi nhuận cao, sau khi huy động tiền thì đánh sập sàn để chiếm đoạt ; lập, quảng cáo dự án chưa được cấp phép, không có thật trên đất nông nghiệp, lôi kéo khách hàng dưới hình thức “Hợp đồng thỏa thuận đầu tư” để chiếm đoạt; giả mạo cơ quan pháp luật, con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt … Công an TP Hồ Chí Minh, Hà Nội triệt phá 4 sàn giao dịch tiền ảo, vàng, ngoại tệ trái phép (Rforex.com, Yaibroker, Vistraforex, Exwuiss) có thể trực tiếp can thiệp vào hệ thống để chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư.

Công ty TNHH MTV ANT Group thiết lập sàn giao dịch ngoại hối Hitoption.net, đã bị Cơ quan Công an triệt phá

Tuy nhiên, việc phát hiện, xử lý loại tội phạm này còn chưa tương xứng với tình hình thực tế, cơ quan thẩm tra nhận xét.

Bên cạnh đó, theo Uỷ ban Tư pháp, tội phạm, vi phạm pháp luật về sản xuất buôn bán hàng giả, hàng nhái nhất là trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 được phát hiện xử lý chưa tương xứng với tình hình thực tế  (năm 2020 phát hiện 501 vụ, năm 2021 phát hiện 186 vụ (giảm 62,87%). 

Đáng chú ý là có vụ việc được phát hiện với số tang vật rất lớn, xảy ra trong thời gian dài nhưng chậm được phát hiện. Như, phát hiện, xử lý trên 325 vụ vi phạm liên quan đến sản xuất, vận chuyển khẩu trang, găng tay không bảo đảm chất lượng, nguồn gốc, thu giữ trên 5 triệu khẩu trang y tế và nhiều tấn găng tay không đảm bảo chất lượng, nguồn gốc.

Công an TP. HCM triệt phá 2 đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả, không có nguồn gốc xuất xứ, thu giữ 800 bộ test nhanh Covid-19, 4.276 hộp thuốc trị giá hàng hóa vi phạm 1,2 tỷ đồng.

Vụ một số đối tượng buôn lậu, làm giả 200 triệu lít xăng giả, kém chất lượng do Công an tỉnh Đồng Nai phát hiện, điều tra. Vụ in lậu sách giáo khoa tại Công ty cổ phần In và Văn hóa truyền thông Hà Nội, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất và Thương mại Phú Hưng Phát với số lượng 3 triệu cuốn sách.... cũng được điểm danh tại báo cáo thẩm tra. 

Tin liên quan
Tin khác