Thời sự
“Vạ lây” thương chiến, tín dụng Trung Quốc lao đáy gần 2 năm
Lê Quân - 12/11/2019 15:26
Tăng trưởng tín dụng tháng 10 của Trung Quốc trượt sâu hơn dự báo và xuống mức thấp nhất trong 22 tháng qua.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc được kỳ vọng tiếp tục nới lỏng chính sách những tháng tới nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và ngăn kinh tế chững lại. Ảnh: AFP

Số liệu do Ngân hàng Trung ương Trung Quốc mới công bố cho thấy, giá trị khoản vay mới được các ngân hàng Trung Quốc giải ngân trong tháng 10 đạt 661,3 tỷ nhân dân tệ (94,55 tỷ USD) - mức thấp nhất kể từ tháng 12/2017, giảm mạnh so với con số tháng 9. Trước đó, các nhà phân tích dự báo với Reuters rằng tín dụng ngân hàng của Trung Quốc sẽ lao dốc từ mốc 1.690 tỷ nhân dân tệ trong tháng 9 còn 800 tỷ trong tháng 10.

Các khoản vay hộ gia đình trong tháng 10, chủ yếu là thế chấp đã giảm gần 1 nửa so với tháng trước, từ mức 755 tỷ nhân dân tệ tháng 9 còn 421 tỷ nhân dân tệ. Ngoài ra, tín dụng cho doanh nghiệp cũng lao dốc mạnh từ 1.010 tỷ nhân dân tệ tháng 9 còn 126,2 tỷ trong tháng 10.

Số liệu trên phản ánh nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp sụt giảm do tác động của thương chiến Mỹ - Trung, theo chuyên gia kinh tế Nie Wen tại công ty ủy thác vay vốn Hwabao Trust (Thượng Hải).

Cùng nhịp với tháng 9, tốc độ mở rộng cung tiền M2 trong tháng 10 tăng 8.4% so với cùng kỳ năm trước. Dư nợ cho vay nhân dân tệ tháng trước cũng tăng 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm 0,1 điểm phần trăm so với tháng 9.

Các cơ quan quản lý Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy hoạt động cho vay của khối ngân hàng và giảm bớt chi phí tài chính cho doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp quy mô nhỏ - 2 nhân tố có đóng góp phần đáng kể cho tăng trưởng kinh tế và việc làm nước này.

Nhu cầu trong nước vẫn chững lại trong bối cảnh đầu tư, tiêu dùng suy yếu. Trong khi đó, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang cũng tác động xấu tới hoạt động xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Điều này đòi hỏi Trung Quốc cần có chính sách kích thích kinh tế mạnh tay hơn nữa, các chuyên gia khuyến nghị.

“Ngân hàng trung ương Trung Quốc cần nới lỏng chính sách mạnh mẽ hơn trong những tháng tới để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và ngăn kinh tế chững lại”, chuyên gia Julian Evans-Pritchard của công ty tư vấn và dự báo kinh tế Capital Economics nhận định.

Dư nợ vốn đầu tư toàn xã hội (TSF) trong tháng 10, một thước đo tín dụng và thanh khoản kinh tế Trung Quốc, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước, nhưng giảm 0,1 điểm phần trăm so với tháng 9.

TSF gồm các hình thức tài trợ ngoại bảng tồn tại ngoài hệ thống cho vay thông thường, chẳng hạn như chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), khoản vay từ các công ty ủy thác và bán trái phiếu.

TSF tháng 10 giảm còn 618,9 tỷ nhân dân tệ - mức thấp nhất kể từ tháng 7/2016, trong khi con số tháng 9 đạt 2.270 tỷ nhân dân tệ.

Theo các nhà phân tích, Ngân hàng trung ương Trung Quốc được kỳ vọng sẽ duy trì chính sách nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, không gian cho các biện pháp mạnh tay hơn sẽ hạn hẹp bởi chi phí thực phẩm tăng cao đã đẩy lạm phát tiêu dùng tăng lên.

Số liệu công bố cuối tuần trước cho thấy, chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 10 của Trung Quốc giảm mạnh nhất trong hơn 3 năm trở lại đây, trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vọt lên mức cao nhất trong 8 năm qua.

Để thúc đẩy hoạt động cho vay và hỗ trợ tăng trưởng, ngoài cắt giảm lãi suất cho vay, Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã 7 lần hạ tỷ lệ dự trữ của ngân hàng kể từ đầu năm 2018. Còn chính quyền các địa phương đã tăng cường phát hành nợ để hút vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết các địa phương đang hoàn tất kế hoạch phát hành trái phiếu theo hạn mức 2.150 tỷ nhân dân tệ được giao hàng năm.

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã chững lại 6% trong quý 3/2019 - mức thấp nhất gần 30 năm qua. Kinh tế nước này dự báo tăng trưởng 6,2% năm 2019 và 5,9% năm 2020, theo kết quả thăm dò ý kiến mới đây của Reuters.

Tin liên quan
Tin khác