Thời sự
Vá lỗ hổng ngân sách
Mạnh Bôn - 19/05/2018 08:11
Trong bối cảnh cân đối ngân sách nhà nước khó khăn, bội chi là căn bệnh kinh niên, thì việc 4 tháng đầu năm 2018, kết dư ngân sách ước đạt 36.400 tỷ đồng là đáng mừng, nhưng vẫn còn những vấn đề lớn cần giải quyết.

Thực tế, khi tốc độ tăng thu 4 tháng qua gấp 2,63 lần tốc độ tăng chi, ngân sách kết dư là điều dễ hiểu. Trường hợp vẫn duy trì được cân đối ngân sách như thời gian qua, thì việc giữ bội chi ở mức 3,9% GDP giai đoạn 2016 - 2020 (theo yêu cầu của Quốc hội) sẽ trong tầm tay.

.

Thế nhưng, nếu trừ đi số tiền chỉ thu được một lần (thu hồi vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, thu từ đấu giá quyền sử dụng đất), số thu bấp bênh (cổ tức và lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp nhà nước, dầu thô), thu từ hoạt động không khuyến khích (như xổ số kiến thiết), thì số thu ngân sách nhà nước giảm tới 165.400 tỷ đồng. Trong khi đó, chi ngân sách tăng chậm hơn thu không phải do tiết kiệm, chống lãng phí, tinh giản bộ máy nhà nước, mà do... chi đầu tư phát triển trong 4 tháng đầu năm mới đạt 16,4% dự toán (bằng 94,8% so với cùng kỳ năm 2017), còn chi thường xuyên tiếp tục tăng 5,4%.

Trong bối cảnh thu ngân sách không bền vững, chi đầu tư để có nguồn thu trong tương lai giảm, thì ngân sách tạm thời kết dư không hẳn là tin vui. Tình trạng thu bấp bênh, chi tăng chủ yếu là chi thường xuyên cũng diễn ra trong năm 2017 và các năm trước đó. 

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, khai mạc vào đầu tuần tới, chắc chắn, các đại biểu Quốc hội sẽ dành sự quan tâm rất lớn khi phân tích, mổ xẻ kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2017. Lý do là, dù tổng thu ngân sách năm 2017 vượt dự toán 76.480 tỷ đồng, nhưng nếu trừ đi các khoản thu từ đất đai, bán cổ phần nhà nước… thì tổng số thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước lại giảm hơn 19.000 tỷ đồng. Điều đáng quan tâm nữa, năm 2017 là năm thứ ba liên tiếp, thu từ 3 trụ cột (gồm doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và kinh tế ngoài quốc doanh) đều không đạt dự toán. Trong khi đó, bội chi năm 2017 cho dù có thấp hơn so với mức Quốc hội cho phép, song cũng không thực sự đáng mừng, vì tổng chi tăng tới 72.480 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào chi thường xuyên trong khi chi đầu tư phát triển chỉ đạt 86,3% dự toán.

Ngân sách tạm thời kết dư, nhưng lỗ hổng bội chi còn rất lớn. Vá lỗ hổng ngân sách bằng cách nào, tăng thu hay vừa tăng thu vừa giảm chi là bài toán cần sớm có đáp án. 

Để tăng thu, Bộ Tài chính vừa đề nghị Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội áp thuế bảo vệ môi trường ở mức kịch trần khung thuế suất kể từ ngày 1/7/2018 trước khi trình Quốc hội sửa đổi Luật thuế Bảo vệ môi trường tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2019 theo hướng nâng khung thuế suất thuế bảo vệ môi trường lên gấp 2 lần hiện nay. Song, cho dù đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường lên kịch khung được chấp thuận, thì giải pháp này cũng không căn cơ, bởi chỉ đem về cho ngân sách nhà nước hơn 12.400 tỷ đồng, quá ít để lấp bớt khoảng bội chi 204.000 tỷ đồng năm 2018.

Tăng thu thông qua tăng thuế suất chỉ là hạ sách. Quan trọng là phải tăng thu qua các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên cơ sở tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng; bãi bỏ thủ tục hành chính không cần thiết, giảm thiểu điều kiện kinh doanh không thiết thực… theo tinh thần Nghị quyết 19-2018/NQ-CP vừa được Chính phủ ban hành. Rất mừng là giải pháp tăng thu này đã và đang được Chính phủ, các bộ ngành, địa phương rốt ráo triển khai kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 19-2014/NQ-CP, đặc biệt là kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

Để vá lỗ hổng ngân sách, có lẽ giải pháp tối ưu là vừa tăng thu, vừa giảm chi thường xuyên, đồng thời với tăng chi cho đầu tư phát triển. Đây vấn đề đòi hỏi phải có biện pháp xử lý linh hoạt, đặt ra với không chỉ Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính, mà với tất cả các cấp, ngành.

Tin liên quan
Tin khác