Ngày 18/01/2024, Luật Các TCTD 2024 đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2024. Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD đã hết hiệu lực thi hành từ 01/01/2024 và một số nội dung quy định tại Nghị quyết 42 đã được luật hóa tại Luật TCTD 2024.
Theo đó, Thông tư bổ sung quy định về nguyên tắc mua, bán nợ xấu của VAMC. Theo đó, việc mua nợ xấu của VAMC từ tổ chức tín dụng liên doanh, tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được thực hiện theo giá trị thị trường.
Dự thảo Thông tư cũng quy định, VAMC bán nợ xấu, tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu có thể cao hơn hoặc thấp hơn dư nợ gốc của khoản nợ xấu; được bán nợ xấu cho pháp nhân, cá nhân.
Khách hàng vay có khoản nợ xấu bán cho Công ty Quản lý tài sản và có phương án sản xuất, kinh doanh, dự án đầu tư có hiệu quả được tổ chức tín dụng xem xét, cấp tín dụng theo thỏa thuận và quy định của pháp luật.
Điều kiện các khoản nợ xấu được VAMC mua theo giá trị thị trường là: được VAMC đánh giá có khả năng thu hồi đầy đủ số tiền mua nợ; tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu có khả năng phát mại hoặc khách hàng vay có triển vọng phục hồi khả năng trả nợ; Trường hợp chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt thành khoản nợ xấu mua theo giá trị thị trường thì trái phiếu đặc biệt tương ứng với khoản nợ xấu đó còn phải đáp ứng điều kiện chưa đến hạn thanh toán và đang không bị phong tỏa tại NHNN…
VAMC chỉ được mua nợ xấu theo giá trị thị trường sau khi đánh giá khoản nợ xấu đáp ứng các điều kiện được quy định; xác định giá trị thị trường của khoản nợ xấu (phải định giá hoặc thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá xác định giá trị khoản nợ xấu và tài sản đảm bảo); Đánh giá hiệu quả kinh tế, rủi ro và khả năng thu hồi vốn mua khoản nợ xấu; Phân tích, đánh giá thực trạng và triển vọng khoản nợ xấu, khách hàng vay, bên bảo đảm, bên có nghĩa vụ trả nợ và các điều kiện thỏa thuận mua nợ với TCTD bán nợ; Dự kiến các biện pháp khả thi xử lý nợ, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.