Sẽ nới điều kiện mua nợ?
Trong một thông báo vừa được phát đi, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thừa nhận, đến thời điểm này, VAMC chưa mua khoản nợ xấu nào là do vướng mắc về mặt pháp lý.
| ||
VAMC chưa mua được khoản nợ xấu nào, do chưa đạt được đồng thuận với các tổ chức tín dụng về điều kiện mua nợ |
Lý do đầu tiên khiến VAMC chưa thể vận hành là vì thông tư hướng dẫn cụ thể việc mua bán, xử lý nợ xấu chưa được ban hành, do NHNN còn phải tìm phương án hài hòa lợi ích giữa các ngân hàng bán nợ với VAMC.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico nhận xét, sở dĩ Dự thảo Thông tư hướng dẫn cụ thể việc mua, bán nợ xấu của VAMC được công bố đã lâu, song đến nay, vẫn chưa được thông qua là do chưa đạt được sự nhất trí giữa các tổ chức tín dụng và VAMC.
Cụ thể, theo các tổ chức tín dụng, điều kiện mua nợ mà VAMC đưa ra là quá khắt khe, đặc biệt là điều kiện 65% tài sản đảm bảo bằng bất động sản.
“Các ngân hàng phản đối là dễ hiểu, vì với điều kiện trên, VAMC chỉ mua những khoản nợ mà ngân hàng có thể tự xử lý được, trong khi họ chỉ mong muốn được bán những khoản nợ xấu hơn. Theo thông tin mới nhất mà tôi được biết, có thể VAMC sẽ giảm điều kiện thế chấp bằng bất động sản xuống 50%”, ông Đức cho hay.
Bên cạnh đó, VAMC cũng chưa thể bắt tay mua nợ, khi các bộ, ngành liên quan chưa thống nhất được việc ban hành các văn bản về việc định giá và chuyển nhượng tài sản trong quá trình mua- bán nợ, đặc biệt là thông tư liên tịch về xử lý tài sản đảm bảo. Nếu không có sự vào cuộc của ngành tư pháp và công an, VAMC chắc chắn không thể bán nợ.
Theo quy định hiện hành, dù người vay đã mất khả năng trả nợ, song để bán được tài sản thế chấp, ngân hàng cũng phải mất hàng năm trời, với cả núi thủ tục hành chính.
Chưa rõ hướng bán nợ cho nước ngoài
Trong khi các văn bản về mua bán nợ xấu và xử lý tài sản đảm bảo chưa được ban hành, thì không ít nhà đầu tư nước ngoài đã liên tiếp đánh tiếng sẵn sàng rót hàng tỷ USD vào mua nợ xấu ở Việt Nam.
Câu hỏi đặt ra là, một khi hành lang pháp lý đã thông thoáng, thì VAMC có nên bán rẻ nợ cho nước ngoài để đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ?
Không thể phủ nhận rằng, trong bối cảnh nguồn lực trong nước còn hạn chế như hiện nay, việc sử dụng vốn ngoại để xử lý nợ xấu là giải pháp hoàn toàn khả thi, giống cách mà nhiều nước trong khu vực đã làm. Tuy nhiên, bán nợ cho nước ngoài không đơn giản.
Từ khi VAMC ra đời đến nay, đại diện NHNN đã liên tục gặp gỡ với nhiều tổ chức tài chính quốc tế để thảo luận về chủ đề này, song chưa quyết định nào được đưa ra.
Theo các chuyên gia kinh tế, chắc chắn, để bán được nợ xấu cho nước ngoài, Việt Nam phải chấp nhận mạo hiểm, phải tăng quyền sở hữu đất đai, tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần cho đối tác nước ngoài - những quy định có thể gây bất lợi cho doanh nghiệp trong nước.
Ông John Sheehan, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Tập đoàn Capital Service (Thái Lan) khẳng định, nhà đầu tư nước ngoài chỉ sẵn sàng trả mức giá 20-30% với các khoản nợ xấu của Việt Nam.
Chưa kể, các ngân hàng ngoại cũng chỉ quan tâm đến những khoản nợ xấu có thể thu hồi và sinh lời cao, trong khi với nhóm nợ này, Việt Nam có thể ưu tiên sử dụng nội lực để xử lý.
“Việc xử lý nợ xấu càng chậm, thì chi phí càng đắt đỏ. Chậm trễ xử lý nợ khiến nợ xấu lây lan nhanh trong hệ thống. Chưa kể, càng để lâu, nợ xấu càng dễ bị “bốc hơi” và không còn khả năng phục hồi”, ông John Sheehan cảnh báo.
Được biết, để hỗ trợ VAMC xử lý nợ xấu và đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngân hàng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ban hành Quyết định số 48/QĐ-TTg. Theo đó, từ ngày 20/9/2013, tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt có thể sẽ bị NHNN mua lại.
Quyết định này được kỳ vọng không chỉ giúp VAMC xử lý nợ, mà sẽ từng bước “gỡ” được tình trạng sở hữu chéo hiện nay, hạn chế hiện tượng chuyển nợ từ tổ chức tín dụng sang các công ty con và công ty liên kết, qua đó điều chỉnh số liệu trên sổ sách kế toán.
Hà Tâm