CLB AMC sẽ là nơi để kết nối nhà đầu tư, xây dựng thị trường mua bán nợ xấu tập trung của Việt Nam |
Theo dự kiến, tháng 9/2019 câu lạc bộ sẽ ra mắt và tháng 12/2019 sẽ Tổ chức Hội nghị câu lạc bộ AMC lần thứ nhất.
Mục đích hoạt động của Câu lạc bộ này là tạo lập diễn đàn trao đổi kinh nghiệm; chia sẻ thông tin, kết nối nhà đầu tư; tiến tới xây dựng thị trường mua bán nợ xấu tập trung của Việt Nam
CLB AMC được xúc tiến ra mắt trong bối cảnh nợ xấu nội bảng của các ngân hàng có dấu hiệu tăng trở lại. Đến hết tháng 6/2019, nợ xấu đã tăng nhẹ lên 1,91% so với mức cuối năm 2018 là 1,89%.
Tính từ năm 2012 đến cuối tháng 6/2019, ước tính toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 937,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó riêng trong năm 2018, đã xử lý được 163,14 nghìn tỷ đồng nợ xấu.
Tuy vậy, ước tính vẫn còn hơn nửa triệu tỷ đồng tồn tại trong nền kinh tế. Trong khi đó, việc triển khai Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu vẫn còn nhiều vướng mắc.
Từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 6/2019, toàn hệ thống tổ chức tín dụng ước đã xử lý được 264,06 nghìn tỷ đồng nợ xấu (xác định theo Nghị quyết 42), trong đó xử lý nợ xấu nội bảng là 127,641 nghìn tỷ đồng.
Kết quả xử lý nợ xấu (xác định theo Nghị quyết số 42) theo hình thức khách hàng trả nợ có xu hướng tăng, phần nào phản ánh ý thức trả nợ của khách hàng đã cải thiện khi tổ chức tín dụng, Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) có quyền thu giữ tài sản bảo đảm theo Nghị quyết số 42. Với kết quả này, sau gần 2 năm Nghị quyết 42 có hiệu lực, ước tính đã xử lý được gần 52% số nợ xấu (được xác định theo Nghị quyết 42).
Theo phản ánh của các ngân hàng, vướng mắc lớn nhất là quyền thu giữ tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng vẫn chưa khó thực hiện, việc giải quyết tranh chấp theo thủ tục rút gọn rất hạn chế. Bên cạnh đó, thị trường mua bán nợ chưa hình thành cũng gây khó khăn cho ngân hàng trong xử lý nợ xấu.