|
Đòn bẩy tài chính của VAMC lên tới 50/1?
Khung khổ pháp lý cho VAMC đã hoàn thành, khi Đề án Xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Đề án Thành lập VAMC đã được Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt; nghị định về thành lập, tổ chức và hoạt động của VAMC cũng đã được ban hành.
Dù vốn điều lệ chỉ 500 tỷ đồng, song VAMC được kỳ vọng sẽ giải quyết gần 100.000 tỷ đồng nợ xấu. Với cách thức phát hành trái phiếu đặc biệt để mua nợ, VAMC hiện thực hóa được chủ trương rất được lòng dân của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là xử lý nợ, mà không tốn tiền ngân sách.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cảnh báo, để xử lý khối nợ xấu, VAMC có thể phải sử dụng đòn bẩy tài chính lớn, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao.
“Với vốn điều lệ 500 tỷ đồng, giả sử VAMC mua được 50.000 tỷ đồng nợ xấu, đồng nghĩa phải trả cho các ngân hàng thương mại 50.000 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt. Các ngân hàng thương mại cầm số trái phiếu này lên NHNN chiết khấu 50% để xin tái cấp vốn, tức được 25.000 tỷ đồng. Có nghĩa là, tại một thời điểm nào đó, VAMC có thể có một tài sản 25.000 tỷ đồng. Trong khi vốn điều lệ của VAMC chỉ có 500 tỷ đồng. Tỷ lệ đòn bẩy tài chính của VAMC lúc đó là 50/1 - quá nguy hiểm cho một tổ chức tài chính”, ông Hiếu cảnh báo.
Theo phân tích trên, nếu chỉ một ngân hàng thương mại không trả được nợ cho VAMC, thì vốn điều lệ của VAMC có thể bị… âm.
Về vấn đề này, lãnh đạo của một ngân hàng cho rằng, NHNN sẽ không bao giờ để VAMC phá sản. Tuy nhiên, khả năng này cũng khiến các ngân hàng thương mại phải đắn đo về việc có nên bán nợ cho VAMC để nhận về trái phiếu. Bởi theo quy định, trái phiếu VAMC phát hành không được NHNN hoặc Chính phủ bảo lãnh. Tỷ lệ chiết khấu cũng không được quy định “cứng”, mà tùy vào từng thời điểm. Như vậy, rõ ràng, ngân hàng sẽ không vui vẻ gì “ôm” một đống trái phiếu đặc biệt, mà lúc nào cũng lo về khả năng mất giá.
Không thể chỉ trông chờ vào VAMC
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) vừa qua, ông Alain Cany, đồng Chủ tịch VBF cho rằng, việc thành lập VAMC là tín hiệu tốt, song xử lý nợ xấu ngân hàng không thể chỉ giải quyết bằng một giải pháp duy nhất.
Trên thực tế, theo kỳ vọng của các chuyên gia kinh tế, VAMC ra đời chỉ xử lý được 1/3 khối nợ xấu. Trong khi đó, mục tiêu mà Chính phủ đặt ra là phấn đấu đến năm 2015, sẽ xử lý được cơ bản toàn bộ số nợ xấu hiện nay.
Để giải quyết tổng thể nợ xấu, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Xử lý nợ xấu. Theo đó, không chỉ NHNN, mà tất cả các bộ, ngành đều phải vào cuộc xử lý nợ xấu. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng phải tích cực, chủ động phối hợp với VAMC để xử lý nợ xấu.
Đặc biệt, nguồn vốn xử lý nợ xấu cũng được làm rõ. Theo Đề án Xử lý nợ xấu, tổ chức tín dụng và khách hàng vay phải chịu trách nhiệm chính về các khoản nợ xấu phát sinh và chia sẻ tổn thất trong việc xử lý nợ xấu.
Dù vậy, vốn ngân sách cũng phải chịu trách nhiệm xử lý các khoản nợ xấu do cho vay các đối tượng chính sách hoặc theo chỉ định của Chính phủ…
Tuy nhiên, thay vì “bơm” ra một số tiền lớn, có khả năng, Chính phủ sẽ phát hành các công cụ nợ để xử lý nợ xấu. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính ngay trong năm 2013 phải xây dựng phương án phát hành công cụ nợ của Chính phủ để xử lý nợ của các đối tượng trên.
Hà Tâm