Theo ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, Tổng giám đốc PVN tại buổi làm việc chiều nay tại Bộ Công thương, tình trạng hiện tại của dự án PVTex là hết sức khó khăn và nhà máy vẫn chưa khởi động lại. |
Đây là thông tin được đưa ra tại buổi họp do Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh chủ trì với đai diện của các Tập đoàn, doanh nghiệp về các giải pháp triển khai, xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả cùa ngành công thương chiều nay, 22/9/2017.
Đại diện Bộ Công thương cho hay, tình trạng hiện tại của dự án PVTex là hết sức khó khăn và nhà máy vẫn chưa khởi động lại.
Ngày 24/4/2017, PVTex đã bị Tòa án Nhân dân quận Hải An, TP Hải Phòng xử và ra phán quyết thua kiện trong vụ tranh chấp với KCN Đình Vũ về việc PVTex chưa chi trả tiền điện, nước, hạ tầng cơ sở.
Khi bản án có hiệu lực, PVTex sẽ phải trả các khoản nợ gốc và lãi lên tới 72,9 tỷ đồng và án phí 180 triệu đồng.
Tuy nhiên, PVTex không có khả năng thu xếp nguồn trả nợ nên dẫn đến chậm thanh toán đối với các nghĩa vụ theo phán quyết của Tòa án, do vậy PVTex sẽ bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án, phong tỏa tài khoản, tạm thu giữ tài sản, tạm dừng chuyển nhượng quyền sở hữu.
Như vậy, trong trường hợp PVTex không thực hiện phán quyết của Tòa án thì phương án khởi động lại Nhà máy hay bán/chuyển nhượng là khó khả thi.
Có mặt tại buổi làm việc chiều nay với lãnh đạo Bộ Công thương, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thừa nhận, để xử lý vấn đề của Dự án PVTex còn rất nhiều khó khăn.
“Tập đoàn đã phân công Tổ công tác cho từng dự án thuộc PVN, riêng với PVTex, PVN đề nghị vẫn được hưởng mức thuế nhập khẩu 2% để dự án được thuận lợi về tiêu thụ khi đi vào vận hành sản xuất trở lại. Vấn đề vốn cho dự án khởi động trở lại cũng là một trở ngại lớn của PVTex, do quan điểm của Chính phủ là Nhà nước không bơm thêm tiền cho các dự án thua lỗ".
Điều này cũng được Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nêu rõ, "về kinh phí khởi động lại Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ, do các cổ đông của các doanh nghiệp này xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật".
Ông Sơn cũng thông tin thêm, các đơn vị thành viên của PVN (PVFCCo, PVCFC, BSR) đã cử nhân sự đến hỗ trợ PVTex rà soát đánh giá thực trạng Nhà máy, thực hiện công tác bảo trì bảo dưỡng Nhà máy.
Mặt khác, PVN đã thành lập Tổ hỗ trợ về Kỹ thuật, Tài chính, Thương mại, Pháp lý… từ nhân sự của PVN và các đơn vị thành viên để hỗ trợ PVTex chuẩn bị khởi động lại Nhà máy.
Trước đó, PVN xác nhận, đối tác Reliance (Ấn Độ) và đối tác trong nước sẽ có bản chào chính thức về phương án triển khai để trong quá trình chuẩn bị khởi động lại và vận hành Nhà máy Xơ sợi Polyester Đình Vũ (PVTex) trước ngày 15/9/2017.
Cụ thể, ngày 23 và 24/8/2017, PVN/PVTex đã làm việc với đối tác Reliance của Ấn Độ và thống nhất các nội dung Reliance sẽ hỗ trợ trong quá trình chuẩn bị khởi động lại và vận hành Nhà máy. Theo đó, Reliance sẽ hỗ trợ nhân sự vận hành bảo dưỡng, công tác tối ưu hóa, cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm.
Ngoài ra, cùng với đó PVN/PVTEX đang làm việc với đối tác trong nước về phương án hợp tác hỗ trợ tài chính để huy động vốn lưu động phục vụ cho quá trình sản xuất kinh doanh sản phẩm xơ.
Theo kế hoạch, trước ngày 15/9/2017, Reliance và đối tác trong nước sẽ có bản chào chính thức về phương án triển khai. Trong tháng 9/2017, PVN/PVTex sẽ làm việc với đối tác và sau đó sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền.
Cùng với việc làm việc với các đối tác về hợp tác sản xuất kinh doanh sản phẩm xơ, PVN/PVTex đã triển khai cùng với chuyên gia để đánh giá hiện trạng hệ thống dây chuyền sản xuất sợi DTY của Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ.