Thời sự
Vẫn có khoảng trống trong quản lý lao động di cư quốc tế
Mạnh Bôn - 23/03/2023 13:27
Hiện có hàng triệu người Việt Nam làm việc ở nước ngoài và hàng trăm ngàn người nước ngoài đang sinh sống, làm việc ở Việt Nam, nhưng theo bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê), thì thống kê về lao động di cư vẫn đang là khoảng trống.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê)

Thưa bà, có những cơ quan nào đang quản lý lao động di cư quốc tế (lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài và lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam)?

Có 4 cơ quan quản lý lao đông di cư quốc tế gồm Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ đội Biên phòng (không kể Tổng cục Hải quan). Tuy nhiên, việc quản lý lực lượng lao động này vẫn đang có khoảng trống.

Chính vì vậy, việc bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài theo Hiến pháp, cũng như khuyến khích doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân tìm kiếm và mở rộng thị trường để đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo Bộ luật Lao động, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giảm hiệu quả.

Đặc biệt, vấn đề nhức nhối là việc bảo hộ người Việt Nam làm việc ở nước ngoài không theo hợp đồng như đi du lịch rồi ở lại làm việc, hết hợp đồng lao động không trở về nước mà ở lại làm “chui”, đang trong thời gian làm việc theo hợp đồng nhưng bỏ ra ngoài làm chui...; bảo hộ, bảo vệ người dân vượt biên giới đất liền sang nước bạn làm việc với lời mời chào “việc nhẹ lương cao”, nhưng rất nhiều trong số đó thực tế làm việc như nô lệ, thậm chí còn bị bắt cóc làm con tin, gia đình phải bỏ tiền chuộc mới được trở về nước.

Mặc dù có đến 4 bộ, ngành được giao quản lý lao động di cư quốc tế, nhưng trên thực tế, trong tổng số 21 biểu thống kê về lao động di cư quốc tế theo quy định của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Việt Nam mới đáp ứng được 14,3%, trong khi con số này của Thái Lan và Indonesia là 85,7%; Campuchia trên 76%; Lào và Malaysia gần 62%...

Theo bà, vì sao lại có khoảng trống này?

Lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm quản lý nhà nước. Dữ liệu về đối tượng này được thu thập dựa trên hồ sơ xin cấp giấy phép lao động, nên thông tin chính xác, đầy đủ, chi tiết, nhưng chưa bao quát được hết những người nước ngoài làm việc ở Việt Nam không có hợp đồng, không có giấy phép (lực lượng này khá đông ở các tỉnh giáp biên và thành phố lớn). Dữ liệu này hiện chưa có hệ thống cập nhật thường xuyên khi có biến động, không có thống kê đầy đủ về quá trình làm việc, di chuyển địa điểm làm việc của người lao động nước ngoài tại Việt Nam.

Trong khi đó, cơ sở dữ liệu của Bộ Ngoại giao chỉ quản lý được công dân Việt Nam di cư hợp thức. Còn số liệu công dân Việt Nam di cư không có giấy tờ đầy đủ, cũng như thông tin về công dân Việt Nam làm việc hoặc định cư ở nước ngoài không thường xuyên không thể thống kê được.

Trên thực tế, tất cả mọi người ra - vào lãnh thổ Việt Nam đã và đang được Bộ Công an quản lý rất chặt chẽ?

Cơ sở dữ liệu về xuất nhập cảnh, quá cảnh do Bộ Công an quản lý, nhưng thông tin về mục đích xuất nhập cảnh đôi khi bị bỏ qua, không được cung cấp, nên khó đảm bảo cho công tác thống kê liên quan đến lao động di cư. Hơn nữa, dữ liệu về xuất nhập cảnh không thống kê được theo số người, mà là số lượt người. Nghĩa là một người có thể xuất nhập cảnh nhiều lần, mỗi lần được thống kê là một lượt.

Ngoài ra, nguồn dữ liệu chỉ bao gồm những người xuất nhập cảnh chính thức (chủ yếu qua đường hàng không), không thu thập được thông tin của những người xuất nhập cảnh qua biên giới, xuất nhập cảnh trái phép. Chính vì vậy, Tổng cục Thống kê chưa tiếp cận được nguồn số liệu này để thực hiện nghiên cứu và phân tích phục vụ công tác quản lý nhà nước về thống kê tình hình xuất nhập cảnh của người di cư, trong đó có lao động di cư quốc tế.

Tổng cục Thống kê là cơ quan quản lý nhà nước về thống kê lao động, nên phải có đầy đủ số liệu về số lao động di cư quốc tế, thưa bà?

Ở nhiều nước trên thế giới, tổng điều tra dân số và nhà ở là nguồn thông tin quan trọng để xác định quy mô người di cư quốc tế đang cư trú trong lãnh thổ quốc gia. Đây là cuộc điều tra toàn diện với mức độ bao phủ rộng khắp tới tất cả các hộ gia đình, nên có thể giúp nghiên cứu thông tin đến các nhóm dân số có quy mô nhỏ như lao động di cư quốc tế.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, tổng điều tra dân số và nhà ở được thực hiện 10 năm một lần (lần gần nhất là năm 2019). Trong khi đó, số lượng lao động di cư quốc tế biến động hàng tháng, hàng năm, nên kết quả tổng điều tra ngay khi công bố đã trở nên lạc hậu so với thực tế.

Ngoài tổng điều tra dân số và nhà ở, hàng quý, chúng tôi cũng tiến hành điều tra và công bố về lao động - việc làm. Nhưng đây chỉ là những cuộc điều tra mẫu, từ kết quả điều tra mẫu ước lượng ra số liệu thực tế, nên số liệu giữa kết quả điều tra và thực tế tình trạng lao động di cư quốc tế có sự chênh lệch.

Lao động di cư đã và đang đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế, nhưng có thể để lại hệ lụy nếu không được quản lý chặt chẽ, thưa bà?

Hiện có hàng triệu người Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài, mỗi năm gửi về nước lượng kiều hối chiếm tương đương 6,5% GDP. Hàng trăm ngàn lao động nước ngoài ở Việt Nam có đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, đặc biệt là lãnh đạo doanh nghiệp, thương nhân, chuyên gia, người có tay nghề, trình độ, nhà khoa học.

Nhưng ở chiều ngược lại, việc tự do đi lại, làm việc trên toàn cầu cũng dẫn đến tình trạng lao động Việt Nam bị cạnh tranh việc làm phổ thông, không đòi hỏi kỹ thuật, không cần qua đào tạo chuyên sâu ngay tại thị trường Việt Nam. Người Việt Nam sống và làm việc bất hợp pháp, không có hợp đồng lao động, thậm chí làm việc phi pháp và không được nước sở tại bảo vệ ngày càng nhiều, nếu không quản lý được, thì khi họ gặp rủi ro, rất khó khăn trong việc bảo hộ công dân.

Ngày 20/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 402/QĐ-TTg về Kế hoạch triển khai Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự của Liên hợp quốc. Điều này khẳng định trách nhiệm của Việt Nam đối với các vấn đề của di cư, giải quyết các thách thức của di cư, để thực sự tạo ra môi trường di cư minh bạch, an toàn và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người di cư. Vì vậy, cần sớm lấp lỗ hổng trong quản lý lao động di cư quốc tế.

Tin liên quan
Tin khác