Với số ca mắc ở mức xấp xỉ 4 con số như hiện nay, theo một số chuyên gia cơ quan chức năng của Hà Nội, cần kiểm soát tình hình dịch, khống chế không để số ca mắc tăng cao vì sẽ gây quá tải cho hệ thống y tế.
Theo chuyên gia, vẫn có tỷ lệ nhất định F0 diễn biến nặng dù tiêm đủ hai mũi vắc-xin do vậy người dân không được chủ quan. |
Theo đó, khi số ca mắc tăng quá cao, sức chịu đựng của ngành y tế sẽ không đủ. Lúc này, nhiều trường hợp mắc bệnh, diễn biến nặng sẽ không được tiếp cận với y tế cũng như tư vấn và điều trị kịp thời. Từ đó, tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 tử vong sẽ tăng cao.
Chưa kể, hiện nay, người dân Hà Nội có tâm lý chủ quan cho rằng, đã tiêm đủ hai mũi vắc-xin nên có thể không mắc hoặc nếu mắc cũng nhẹ đi rất nhiều nên lơ là 5K.
Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Trần Đắc Phu cho hay, ngoài nguy cơ chính bản thân người dân nhiễm virus, việc không thực hiện tốt 5K còn tạo điều kiện lây lan Covid-19 cho người khác.
Điều này trở nên đặc biệt nguy hiểm với người cao tuổi, mắc bệnh nền, trẻ em hay những đối tượng chưa được tiêm đủ liều vắc-xin.
Chuyên gia cũng cho biết thêm, không phải 100% người dân tiêm đủ liều vắc-xin sẽ diễn biến nhẹ khi mắc Covid-19.
Vẫn có trường hợp diễn biến nặng, tử vong dù đã tiêm đủ hai mũi vắc-xin, dù số lượng không lớn. Do đó, việc tự ý thức, bảo vệ bản thân là rất quan trọng.
Từ đây, người dân nên hạn chế tiếp xúc khi không thực sự cần thiết, tránh những hoạt động, địa điểm có nguy cơ lây lan cao.
Với ngành Y tế, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo Hà Nội cần tiếp tục kiện toàn các cơ sở tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19.
Thành phố cần tập huấn cho cán bộ, nhân viên y tế để làm sao tất cả người dân không may nhiễm SARS-CoV-2 đều được tư vấn, theo dõi và điều trị kịp thời.
Bên cạnh đó, các cơ sở y tế tại Hà Nội cũng cần nhanh chóng chuẩn bị thêm giường bệnh để phòng trường hợp có F0 diễn biến nặng sẽ được can thiệp ngay.
Cùng chung lo lắng, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, khi chưa tiêm vắc-xin, tỷ lệ diễn biến nặng có thể ở mức 20%. Sau khi bao phủ vắc-xin, con số này có thể giảm xuống dưới 10%.
Do vậy các cơ sở y tế vẫn phải chủ động, tăng số giường hồi sức tích cực nhằm giúp các địa phương nâng cao khả năng chịu đựng của ngành Y tế với các phạm vi dịch.
Mới đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng đã giao Ban Cán sự Đảng UBND thành phố xây dựng kịch bản, phương án ứng phó khi số F0 tăng lên 2.000 và 3.000 ca/ngày.
Người đứng đầu cấp quận, huyện cần xác định cấp độ dịch và biện pháp tương ứng; Nâng cao năng lực hệ thống y tế, thành lập các trạm y tế lưu động; Đẩy mạnh điều trị F0 nhẹ, cách ly F1 tại nhà đối với tất cả phường, xã, thị trấn.
Để giảm số ca bệnh nặng, tiêm vắc-xin vẫn là giải pháp quan trọng hàng đầu. Thành phố cũng cần tiến tới tiêm mũi bổ sung cho người suy giảm miễn dịch, cao tuổi, mắc bệnh nền. Đồng thời, Hà Nội cũng phải nhanh chóng tiêm mũi nhắc lại cho người dân khi đảm bảo được nguồn vắc-xin.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, Thành phố đã có kế hoạch và chủ trương về việc tiêm mũi 3 vắc-xin phòng bệnh Covid-19 cho người dân trên địa bàn.
Tuy nhiên, UBND TP.Hà Nội vẫn cần chỉ đạo sớm từ Bộ Y tế về lộ trình phần bổ vắc-xin, kế hoạch tiêm mũi 3 trên cả nước cũng như khoảng cách quy định giữa mũi cơ bản và mũi tăng cường.
Được biết, ngày 1/12, Bộ Y tế cũng đã có chỉ đạo và hướng dẫn dẫn các địa phương triển khai tiêm chủng mũi 3 vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân. Tuy nhiên, sau 2 tuần, TP.HCM mới là địa phương duy nhất thực hiện.
Theo thông tin mới nhất, TP.HCM đã tiêm liều vắc-xin bổ sung cho gần 4.500 người thuộc nhóm suy giảm miễn dịch và hơn 7.300 mũi nhắc lại cho tuyến đầu chống dịch.
Liên quan tới việc tiêm vắc-xin và vấn đề cách ly, Bộ Y tế dự kiến người nhập cảnh tiêm đủ vắc-xin chỉ phải cách ly tại nhà 3 ngày và làm xét nghiệm PCR vào ngày thứ 3, nếu kết quả âm tính, từ ngày thứ 4 đến thứ 14 chỉ phải theo dõi sức khỏe thay vì phải cách ly tập trung 7 ngày sau đó theo dõi sức khỏe như hiện nay.
Với người nhập cảnh chưa tiêm vắc-xin hoặc tiêm chưa đủ liều, Bộ Y tế đề nghị cách ly tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày, thực hiện xét nghiệm ngày thứ nhất và thứ 7. Người già, trẻ em, phụ nữ có thai khi phải cách ly được cách ly cùng người chăm sóc.
Bộ Y tế cũng cho biết việc kiểm tra "hộ chiếu vắc-xin" và giấy chứng nhận khỏi bệnh Covid-19 sẽ thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Ngoại giao.
Tính đến tháng 10/2021, Việt Nam đã công nhận "hộ chiếu vắc-xin" của 72 quốc gia, vùng lãnh thổ và đang trong quá trình đàm phán, công nhận hộ chiếu vắc-xin của nhiều quốc gia khác.
Dự kiến quy chế phòng dịch mới với người nhập cảnh sẽ ban hành trong tháng 12, trước khi Việt Nam mở lại đường bay thường lệ quốc tế.