Đầu tư
Vẫn còn 52 bộ ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 55%
Hà Nguyễn - 02/12/2021 15:39
Giải ngân vốn đầu tư công tính đến hết tháng 11 mới đạt 63,86% kế hoạch. Đáng chú ý, số lượng các bộ ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 55% vẫn còn nhiều.

Báo cáo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11, diễn ra ngày 2/12 tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong 11 tháng qua, vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước thực hiện ước đạt 367.700 tỷ đồng, bằng 73,8% kế hoạch năm và giảm 8,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 bằng 78,7% và tăng 32,7%).

Tuy nhiên, ước tính đến cuối tháng, giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước chỉ đạt khoảng trên 294.589 tỷ đồng, đạt 63,86% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn tỷ lệ giải ngân 71,22% của cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, vốn trong nước đạt 69,19% (cùng kỳ năm 2020 là 75%), vốn nước ngoài đạt 21,51% (cùng kỳ năm 2020 đạt 40,21%).

Đáng chú ý, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có 7 bộ và 14 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70%. Đó là, Hội Nhà báo Việt Nam (100%), Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (92,04%), Văn phòng Quốc hội (89,93%), Ngân hàng Phát triển (85,39%), Hải Dương (84,46%), Thanh Hóa (84,44%), Hà Tĩnh (83,3%), Bộ Tài chính (80,59%)...

Trong khi đó, có tới 34/50 bộ, cơ quan trung ương và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 55%. Trong số này, có 19 bộ và 2 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 30%; thậm chí có 3 cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn.

Tỷ lệ giải ngân như vậy tiếp tục là khá chậm. Để thúc đẩy giải ngân, Chính phủ đã thành lập 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đến ngày 31/10/2021 dưới 60% kế hoạch được giao.

Theo kế hoạch, việc kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công sẽ được thực hiện trong nửa đầu tháng 12/2021.

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11, để phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất vốn đầu tư công năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đề nghị các bộ ngành, địa phương tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; phát huy vai trò người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp công tác giải ngân vốn. Đây là yếu tố quyết định đến kết quả giải ngân của dự án.

Bên cạnh đó, chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020 đã được kéo dài sang năm 2021 theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 138/NQ-CP ngày 10/11/2021 của Chính phủ.

Đối với các bộ ngành, địa phương được điều chỉnh tăng kế hoạch vốn năm 2021 (theo Quyết định số 1915/QĐ-TTg ngày 15/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị khẩn trương phân bổ kế hoạch vốn cho các dự án để triển khai ngay, đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Trong khi đó, đối với các bộ ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân đến ngày 31/10/2021 dưới 60% kế hoạch được giao, đề nghị khẩn trương báo cáo, cung cấp thông tin, số liệu để 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 triển khai hiệu quả, sớm giải quyết vướng mắc của bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Liên quan đến việc này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng kiến nghị Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư và Tổ công tác đặc biệt về giải ngân đầu tư công tại các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tăng cường nắm tình hình, bám sát thực tiễn, đẩy mạnh công tác giám sát, kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo xử lý kịp thời các khó khăn vướng mắc, bất cập trong thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Tin liên quan
Tin khác