Thời sự
Vẫn còn hiểu chưa đúng về tự chủ đại học
D.Ngân - 15/08/2023 20:52
Chiều 15/8, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gặp gỡ giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên của các đại học, trường đại học.
TIN LIÊN QUAN

Nhiều vấn đề nóng được gửi tới Bộ trưởng

Để chuẩn bị cho sự kiện, thông qua Công đoàn Giáo dục Việt Nam từ Trung ương đến địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiếp nhận hơn 6.500 ý kiến; trong đó có hơn 200 ý kiến từ các trường cao đẳng sư phạm và cơ sở giáo dục đại học.

Ông Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết, tổng số ý kiến Ban tổ chức chương trình nhận được là hơn 200 ý kiến, trong đó ý kiến của giảng viên là 144 giảng viên chiếm tỷ lệ 62,0%; nhân viên trường học là 51 chiếm 22,2%, còn lại là cán bộ quản lý.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tao Nguyễn Kim Sơn.

Liên quan đến việc tạm dừng tăng học phí sinh viên đại học, các ý kiến bày tỏ trách nhiệm xã hội của các trường đại học, chia sẻ khó khăn với phụ huynh, sinh viên.

Tuy nhiên, việc không tăng học phí nhưng vẫn tăng lương cơ bản theo lộ trình, cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng với yêu cầu đào tạo trong bối cảnh hiện nay, trong tương quan chung với khối ngoài công lập, với các trường cùng khối ngành trong khu vực và trên thế giới... đã làm cho các trường gặp rất nhiều khó khăn về nguồn kinh phí.

Nhiều ý kiến phản ánh thực trạng việc tổ chức dạy học và quản lý ở các cơ sở trường học hiện nay; những khó khăn bất cập, những đề xuất giải quyết, tháo gỡ và những câu hỏi đặt ra với Bộ trưởng.

Cụ thể, trong nhóm vấn đề liên quan đến chế độ chính sách đối với giáo dục đại học: Số đông các ý kiến phản ánh thu nhập của giảng viên các trường đại học, đặc biệt là giảng viên trẻ khối trường đại học sư phạm còn thấp so với mặt bằng chung của xã hội, dẫn đến tình trạng giảng viên không yên tâm công tác.

Hiện tượng giảng viên có trình độ cao bỏ việc ở trường công, chuyển công tác ra các trường ngoài công lập với thu nhập cao hơn đang diễn ra ngày càng nhiều.

Bên cạnh đó, các ý kiến bày tỏ mong muốn có phụ cấp đứng lớp và phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo chuyển sang làm cán bộ quản lý; chế độ phụ cấp thâm niên đối với cán bộ nhân viên khối phòng ban trong các trường đại học.

Một số ý kiến đề nghị sửa đổi một số điểm của Thông tư 08 về tính chế độ cho cán bộ công đoàn cơ sở giống như tính phụ cấp của tổ trưởng chuyên môn nhằm động viên cán bộ công đoàn trong các trường học.

Trong nhóm vấn đề liên quan đến định hướng phát triển ngành Giáo dục phù hợp với cách mạng 4.0 và chuyển đổi số, nhiều ý kiến mong muốn được Bộ trưởng chia sẻ chiến lược để đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giảng dạy, thi cử, kiểm tra, đánh giá ở bậc giáo dục đại học theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế; thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Một số ý kiến nêu vấn đề không nên dùng điểm học bạ xét tuyển đại học, cao đẳng vì không đảm bảo chất lượng; tỷ lệ sinh viên ra trường làm không đúng ngành được đào tạo cao - đề nghị Bộ trưởng quan tâm và có giải pháp;

Đồng thời có hướng dẫn cụ thể đối với công tác nghiên cứu khoa học; phân quota thêm các đề tài nghiên cứu khoa học để giảng viên thực hiện… và mong muốn Bộ có giải pháp về các vấn đề này để nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học trong các trường đại học.

Tự chủ đại học vẫn vướng

Trong nhóm vấn đề về tự chủ đại học, các ý kiến quan tâm và mong muốn Bộ có cơ chế để các nhà trường vận hành tự chủ và vai trò của giảng viên trong tự chủ về học thuật, nâng cao năng lực giảng dạy, nghiên cứu khoa học trong thời gian tới, trong bối cảnh chuyển đổi số…

PGS.TS Phạm Thị Huyền, Trưởng bộ môn Marketing, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã đưa ra những kiến nghị về vấn đề tự chủ đại học trong các nhà trường.

Từ thực tế Trường Đại học kinh tế Quốc dân, PGS.TS Phạm Thị Huyền cho rằng, xã hội vẫn hiểu "tự chủ đại học" là tự chủ trong thu học phí, thiên về tài chính và nghĩ là tự chủ là nhà nước không hỗ trợ học phí và các hoạt động.

Đây là vấn đề cần được truyền thông để xã hội rõ, đề nghị Bộ chung tay truyền thông về tự chủ đại học. Cần nhấn mạnh tự chủ là tăng cường quyền cho các nhà trường.

Các trường được chủ động liên kết tạo các mối quan hệ, thêm cơ hội để người học được có thêm thực tế thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong giáo dục đại học.

Các ý kiến của đại diện trường đại học phát biểu tại cuộc gặp gỡ.

Tự chủ trong các trường đại học, cũng tạo điều kiện để các trường được chủ động mời các chuyên gia quốc tế, tăng cường các hoạt đội đối ngoại để nâng tầm giáo dục đại học Việt Nam.

Các trường tự chủ hướng đến chủ động trong việc huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng không gian học tập mang tầm quốc tế.

Các trường được tự chủ trong liên kết tạo ra dịch vụ đại học mang đẳng cấp quốc tế. Tự chủ tài chính, đảm bảo thu đúng thu đủ là cần thiết, cần để xã hội không phàn nàn về vấn đề học phí.

"Sự thiếu đồng bộ trong điều hành tự chủ tài chính đang đặt ra khó khăn cho các nhà trường, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan điều hành có đề xuất cơ chế chính sách, văn bản chỉ đạo giúp các trường đại học điều hành tự chủ tại chính một cách hợp lý trong thời gian tới", đại diện trường Đại học Kinh tế quốc dân nêu.

Còn theo PGS.TS Phạm Ngọc Minh, Trưởng Bộ môn Ký sinh trùng, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ, Trường Đại học Y Hà Nội, nhà trường đang thực hiện tự chủ ở mức 2, đến nay tương đối ổn định. Trường Đại học Y Hà Nội tập trung đổi mới đào tạo, đổi mới chương trình.

Đề cập đến chế độ chính sách, PGS.TS Phạm Ngọc Minh chia sẻ, đào tạo ở trường y tương đối dài, chẳng hạn bác sĩ đa khoa có thời gian đào tạo 6 năm. Muốn trở thành giảng viên thì phải có thêm ít nhất 3 năm đào tạo bác sĩ nội trú.

“Chúng tôi đào tạo ra đội ngũ cán bộ y tế để chăm sóc sức khỏe người dân. Giảng viên trường y vừa là thầy thuốc, vừa là thầy giáo nên trách nhiệm càng nặng nề hơn”, PGS.TS Phạm Ngọc Minh bày tỏ.

Bên cạnh đó, giảng viên Trường Đại học Y Hà Nội còn làm công tác kiêm nhiệm ở bệnh viện. Thời gian làm việc ở bệnh viện ít nhất bằng thời gian làm việc ở trường, thậm chí là nhiều hơn. Tuy nhiên, giảng viên chỉ được hưởng 1 loại lương, phụ cấp.

Trăn trở với việc giữ chân giảng viên giỏi, PGS.TS Phạm Ngọc Minh đề xuất, cần có cơ chế chính sách, đặc thù, thu hút tương xứng. Chúng ta giữ chân người giỏi bằng tâm huyết của họ, chứ không phải bằng mệnh lệnh, hành chính.

PGS.TS Phạm Ngọc Minh cũng kiến nghị sửa đổi quy định về điều kiện có thể trở thành giảng viên trường y.

"Thay vì quy định phải có bằng thạc sĩ, nên chăng sửa thành giảng viên trường Đại học Y phải có bằng thạc sĩ hoặc tương đương để các trường có thể vận dụng được. Ngoài ra, cần sửa đổi Nghị định 99 về tự chủ đại học để phù hợp với thực tiễn", đại diện trường Đại học Y Hà Nội nêu.

Tin liên quan
Tin khác