Tài chính - Chứng khoán
Vẫn còn thách thức lớn từ đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp
Tùng Linh - 23/12/2022 10:05
Hàng loạt chính sách đã được đưa ra thời gian gần đây đang giúp giảm bớt căng thẳng trong ngắn hạn. Tuy nhiên, hiệu ứng hỗ trợ cho nền kinh tế sẽ từ từ.

Loạt giải pháp gỡ tắc thanh khoản

Sau những căng thẳng trên thị trường vốn và tiền tệ diễn ra trong tháng 10 và 11, các cơ quan quản lý đã đưa ra những chính sách hỗ trợ và giải quyết bài toán thanh khoản vốn là nút thắt của thị trường chứng khoán trong thời gian vừa qua. Trong tháng 11, Chính phủ thành lập tổ công tác đặc biệt giải quyết các vấn đề trên thị trường bất động sản.

Tiếp đó, dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 65 về phát hành trái phiếu riêng lẻ đã được lấy ý kiến với điểm đáng chú ý là điều kiện cho phép giãn thời hạn đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp thêm khoảng 2 năm trong trường hợp được 65% trái chủ đồng ý và cho phép chuyển đổi trái phiếu sang các dạng tài sản khác như các khoản cho vay hay bất động sản. Cũng trong tháng 12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nới room tín dụng khoảng 2% cho các ngân hàng. Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam kêu gọi đồng thuận mức lãi suất huy động tối đa 9,5%/năm.

Chia sẻ tại talkshow Chọn danh mục kỳ thứ 9 do báo Đầu tư tổ chức với chủ đề “Nhận diện biến số 2023”, bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc SSI Research cho rằng Chính phủ đã có các biện pháp để phần nào gỡ vấn đề tắc thanh khoản trong ngắn hạn cho hệ thống ngân hàng cũng như trên thị trường vốn ngay khi tỷ giá có dấu hiệu hạ nhiệt và lạm phát phần nào được kiểm soát. Đồng thời, vị chuyên gia từ Chứng khoán SSI cũng nhận định cơ quan quản lý đang đưa ra một quyết tâm lãi suất cần được duy trì ở mức ổn định và hợp lý hơn.

Bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc Đầu tư, Người điều hành Quỹ Đầu tư Cổ phiếu Tiếp cận Thị trường Việt Nam (VESAF) 

Ngoài động thái nới room tín dụng, theo bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc Đầu tư, Người điều hành Quỹ Đầu tư Cổ phiếu Tiếp cận Thị trường Việt Nam (VESAF) thuộc VinaCapital, NHNN còn đang triển khai một loạt biện pháp hỗ trợ gần để các ngân hàng có điều kiện cho vay như bơm tiền thông qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO); có kế hoạch mua USD, đồng thời điều chỉnh tỷ lệ cho vay/huy động LDR của các ngân hàng …đều hỗ trợ thanh khoản để NH có điều kiện cho vay. Các biện pháp này theo bà Phương đang giúp giảm bớt căng thẳng ngắn hạn.

Thị trường có thể vẫn “gập ghềnh” trước áp lực đáo hạn trái phiếu

Talkshow Chọn danh mục kỳ thứ 9 do báo Đầu tư tổ chức với chủ đề “Nhận diện biến số 2023


Tuy nhiên, đại diện quỹ VESAF cũng nhấn mạnh hiệu ứng hỗ trợ cho nền kinh tế sẽ từ từ. Như với kế hoạch mua USD của NHNN, điều này chỉ xảy ra khi giá USD trong ngân hàng tiếp tục giảm và cũng cần cân đối với nguồn USD mà Việt Nam thu hút được trong thời gian sắp tới. Nguyên nhân thứ hai là bởi niềm tin của NĐT vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa trở lại. Thị trường vẫn tiếp tục cần thời gian để các thương thảo thu xếp các khoản nợ khi các khoản trái phiếu bất động sản lớn đáo hạn trong năm 2023.

Ngoài ra, lãi suất huy động vẫn cao ở một số ngân hàng có mức thanh khoản kém do tỷ lệ LDR theo quy định mới. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay giữ ở nền cao sẽ làm ảnh hưởng đến nhu cầu vay, đặc biệt nhu cầu mua bất động sản. Các doanh nghiệp bất động sản sẽ vẫn đối mặt với áp lực dòng tiền. Dù các ngân hàng cam kết trần huy động lãi suất ở mức 9,5% nhưng vị chuyên gia từ Vinacapital nhận định tốc độ hạ lãi suất từ mức 10%-11% hiện tại sẽ diễn ra chậm. Với loạt yếu tố hạn chế trên, bà Phương đánh giá động thái điều chỉnh chính sách của Ngân hàng Nhà nước mang tính hỗ trợ ngắn hạn, vẫn còn khá nhiều thách thức chủ yếu đến từ áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp thời gian tới.

Theo quan điểm của vị chuyên gia từ Chứng khoán SSI, bất cập của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản - hai thị trường này có mối liên hệ khá chặt với hệ thống ngân hàng đã có tác động khá lớn đến nền kinh tế, đồng thời. là yếu tố nội tại tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam. 

Vấn đề của thị trường trái phiếu doanh nghiệp này theo bà Phương đến từ khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong 3 năm vừa qua phần lớn đến từ các doanh nghiệp bất động sản. Trong khi đó, hiện tại, thị trường này đang bị ảnh hưởng bởi mức lãi suất cao, như mức lãi suất cho vay mua nhà khoảng 13% thì nó không kích thích được nhu cầu của người đi mua nhà, tiến hành đi vay.

Chính vì vậy, trong năm 2023, quan điểm của SSI Research là lãi suất có khả năng hạ nhiệt được. Tuy nhiên, mức lãi suất đó hạ có đủ hấp dẫn kích thích nhu cầu trên thị trường bất động sản hay không là điều cần chờ thêm. Và việc đáo hạn trái phiếu tạo ra các áp lực trong năm 2023, do đó, cần chờ dự thảo sửa đổi nghị định 65 được thông qua giúp giảm nhẹ những áp lực này.

"Với những yếu tố nội tại, tình hình năm 2023 sẽ dễ thở hơn năm 2022, chủ yếu là những khó khăn này phản ánh khá nhiều vào thị trường, tuy nhiên, thị trường có thể vẫn “gập ghềnh” do những vấn đề tôi vừa nhắc đến", bà Hoàng Việt Phương đánh giá.

Tuy nhiên, điểm tích cực là chủ trương hướng tín dụng đến các lĩnh vực thiết yếu, sản xuất kinh doanh, nông nghiệp, xuất khẩu...; trong khi, hạn chế dòng vốn trực tiếp vào các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán. Giám đốc Đầu tư quỹ VESAF cho rằng đây là cơ hội để phân loại lại các doanh nghiệp tốt, xấu. Nhóm có thể tiếp cận được dòng vốn trên sẽ có cơ hội bứt phá, thể hiện trên kết quả kinh doanh cũng như giá cổ phiếu.

Tin liên quan
Tin khác