Diễn đàn Văn hóa doanh nghiệp thời cách mạng công nghiệp 4.0 vừa được tổ chức tại Hà Nội, nhằm trợ giúp các doanh nghiệp nhận thức và xây dựng văn hóa doanh nghiệp vững mạnh để có thể tiếp tục phát triển trong giai đoạn mới của nền kinh tế.
Lâu nay, văn hóa doanh nghiệp luôn được coi là một trong những giá trị cốt lõi có ảnh hưởng quyết định tới năng lực cạnh tranh và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Có nhiều bài học thực tế trong quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu của các doanh nghiệp cho thấy, những doanh nghiệp có thương hiệu mạnh thường có một nền tảng văn hóa doanh nghiệp mạnh.
Diễn đàn Văn hóa doanh nghiệp thời CMCN 4.0 |
Nhưng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang biến đổi toàn cầu, liệu có cần thiết phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp nữa hay không?
Câu trả lời được ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chia sẻ, đó là “nếu coi doanh nghiệp như ngôi nhà, tinh thần, thì văn hóa doanh nghiệp, và công nghệ 4.0 đều là những trụ cột. Nếu coi doanh nghiệp là một cỗ xe thì động cơ chắc chắn là tinh thần doanh nghiệp, tay lái là văn hóa doanh nghiệp và bánh xe công nghệ 4.0”.
“Thiếu văn hóa thì doanh nghiệp như ngôi nhà thiếu trụ cột, như cỗ xe không có tay lái”, ông Lộc nói.
Tuy nhiên, văn hóa doanh nghiệp thời 4.0 sẽ khác hơn so với thời kỳ trước đó, bởi trong thời kỳ này, xây dựng văn hóa doanh nghiệp có nghĩa là tạo dựng giá trị, niềm tin chung vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp trong môi trường với sự tham gia của các chủ thể đa dạng hơn, bao gồm con người và robot, chứ không chỉ là con người với con người như trước kia, sự tương tác giữa các chủ thể này cũng đa chiều hơn.
Theo báo cáo được chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 vừa qua, tương lai của việc làm sẽ thay đổi với kỷ nguyên robot, khoảng 70% công việc hiện tại có khả năng biến mất hoặc bị biến đổi, hàng loạt công việc mới sẽ được tạo ra trong 10 năm tới.
Trong bối cảnh ấy, các doanh nghiệp trên toàn cầu, khu vực ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng đang đứng trước những thách thức không hề nhỏ trong việc làm thế nào để xây dựng chiến lược kinh doanh mới, chiến lược quản trị nguồn nhân lực đa dạng, cũng như chiến lược xây dựng văn hóa doanh nghiệp phù hợp…
“Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể đi nhanh và nắm bắt cơ hội của xu thế 4.0 nếu thực sự nhận thức được rằng văn hóa doanh nghiệp là giá trị cốt lõi quyết định năng lực cạnh tranh riêng của doanh nghiệp, và đó là yếu tố quan trọng để doanh nghiệp phát triển bền vững trong kỷ nguyên 4.0”, bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên của Deloitte Việt Nam nói.
Cũng theo chia sẻ của bà Hà Thu Thanh, thì bà rất tâm đắc với quan điểm của tổ chức tư vấn và đào tạo hàng đầu của Mỹ - Franklin Covey, rằng: “Đối thủ của bạn có thể sao chép tất cả mọi thứ, từ chiến lược, sản phẩm, hệ thống, quy trình, cho đến bí quyết công nghệ…, chỉ trừ một thứ duy nhất họ không thể sao chép hay ăn cắp được, đó chính là văn hóa doanh nghiệp của bạn”.
“Có thể thấy, văn hóa doanh nghiệp là bản sắc riêng, là tư tưởng và niềm tin phát triển của doanh nghiệp. Đó luôn là năng lực cạnh tranh và sức mạnh riêng có để các doanh nghiệp phát triển mạnh, bền vững, không chỉ trong hiện tại mà đặc biệt là trong kỷ nguyên 4.0 với những ứng dụng công nghệ cao và sự sao chép có thể chỉ trong tích tắc”, bà Thanh chia sẻ.
Theo bà Thanh, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp thời 4.0 tốt sẽ giúp hài hòa và tạo sự hợp tác - tương tác tốt giữa con người với robot trong công việc, từ đó, tận dụng được cơ hội mà cách mạng công nghiệp 4.0 4.0 mang lại.
“Robot khó có thể thay thế con người bởi những giá trị đặc trưng của con người là niềm tin, đạo đức, sự tương tác và kết nối…, nhưng sẽ giúp thúc đẩy năng suất và hiệu quả lao động. Doanh nghiệp có phát triển được bền vững trong thời kỳ 4.0 hay không sẽ không chỉ dựa trên sự đầu tư vào công nghệ, mà sẽ dựa trên sự đầu tư vào văn hóa doanh nghiệp. Điều này sẽ trở thành xu thế mới mà các doanh nghiệp cần thực sự chú trọng cho chiến lược đầu tư của doanh nghiệp mình”, bà Hà Thu Thanh nhấn mạnh.