Thời sự
Văn hóa phải thức tỉnh lương tri, lương năng và lương tâm con người
Tư tưởng “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tư tưởng rộng lớn và sâu sắc cần được vận dụng vào mọi phương diện của toàn bộ đời sống xã hội.
Chào mừng Hội nghị Văn hóa toàn quốc, từ ngày 16/11 đến 27/11, tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (Hà Nội), diễn ra triển lãm với chủ đề Văn hóa soi đường cho quốc dân đi

 Trong bài viết này, chúng tôi xuất phát từ góc nhìn kinh tế - xã hội để tiếp cận tư tưởng đó của Người. 

1.

Việc lựa chọn mô hình kinh tế - xã hội hay là con đường phát triển của các quốc gia dân tộc được đặt ra trong 1-2 thế kỷ gần đây, mà chủ yếu từ sau thế chiến thứ II. Sau mấy thập niên tìm tòi con đường phát triển: hoặc đi theo mô hình kinh tế - xã hội của chủ nghĩa tư bản tự do, hoặc đi theo mô hình kinh tế - xã hội chỉ huy của chủ nghĩa xã hội hiện thực (cũ), nhiều quốc gia dân tộc (đặc biệt là các nước thuộc thế giới thứ ba) đã không thành công. Câu hỏi lớn mang tính thời đại được đặt ra: Dựa vào đâu để tìm ra mô hình phát triển phù hợp với đặc điểm của đất nước, dân tộc mình, đem lại phồn vinh và hạnh phúc cho nhân dân?

Năm 1988, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã phát động Thập kỷ thế giới văn hóa vì phát triển (1988-1997) để tư duy lại khái niệm “phát triển” và tìm ra ánh sáng dẫn đạo tương lai cho nhân loại nói chung và mỗi quốc gia dân tộc nói riêng. Về cơ bản, tinh thần của tổ chức này rất phù hợp với quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra năm 1946 “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.

Tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng dự kiến khai mạc ngày 24/11/2021, sẽ tổ chức theo hình thức trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố và một số bộ, ngành. Đặc biệt, Hội nghị sẽ có sự tham dự và phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Hội nghị nhằm đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua. Hội nghị cũng là diễn đàn lắng nghe góp ý để khắc phục hạn chế, tồn tại trong lĩnh vực văn hóa; xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc…, từ đó thống nhất phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021 - 2026, tầm nhìn đến năm 2045.

UNESCO cho rằng: “Phát triển có nghĩa là sự thay đổi, nhưng sự thay đổi không phải sẽ tạo nên sự cách biệt, mà sẽ tạo ra những đặc tính, đặc trưng của xã hội và cá nhân. Điều đầu tiên và trên hết, sự thay đổi phải mang lại cuộc sống phồn vinh và có chất lượng, được mỗi cộng đồng chấp nhận… Đây là định nghĩa và ý nghĩa của phát triển, được khởi đầu và truyền bá bởi văn hóa”.

Trong giai đoạn hiện nay, từ truyền thống của dân tộc, từ thực tiễn xây dựng của đất nước trước Đổi mới và trong bối cảnh chung của nhân loại, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận thức sâu sắc hơn tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của văn hóa “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Nghị quyết Trung ương khóa VIII (1998) về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đưa ra luận điểm quan trọng: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”.

Ở đây, chúng tôi đặc biệt chú ý đến luận điểm “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội” chịu ảnh hưởng tư tưởng “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” của Chủ tịch Hồ Chí Minh như thế nào? Để hiểu vấn đề này, chúng ta cần tư duy một cách trừu tượng, tư duy theo lối cụ thể (không gian vật lý đơn thuần), nói đến “nền tảng” là nói đến cái “nền”, cái đáy nằm dưới của một sự vật.

Nền tảng tinh thần của xã hội, ngoài ý nghĩa là giá đỡ tinh thần của xã hội, còn là cái soi sáng con đường phát triển của xã hội. Trước sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội (cũ) ở Liên Xô và Đông Âu, sự không thành công của nước ta trong cải tạo kinh tế - xã hội trước năm 1986, đặt ra câu hỏi: chúng ta phải phát triển mô hình kinh tế - xã hội trên nền tảng văn hóa nào để đi đến thành công?

Câu trả lời là chúng ta chỉ thành công trên cơ sở xây dựng một mô hình kinh tế - xã hội phù hợp với đặc điểm và truyền thống văn hóa dân tộc. Chúng ta không thể lấy các mô hình nhập ngoại vào phát triển đất nước, không thể xây dựng mô hình kinh tế - xã hội đi ngược lại các giá trị của dân tộc. Đảng Cộng sản Việt Nam đã dựa trên truyền thống văn hóa dân tộc và Chủ nghĩa Mác - Lênin đưa ra mô hình xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Mô hình đó hướng tới mục tiêu kép: dân giàu, nước mạnh (vật chất - kinh tế), dân chủ, công bằng, văn minh (con người - văn hóa và chính trị). Mục tiêu kép được cụ thể hóa: vừa phát triển kinh tế, vừa phát triển con người và xã hội; vừa phát triển cá nhân (đời sống, lợi ích cá nhân…), vừa phát triển đời sống xã hội (đời sống cộng đồng, lợi ích cộng đồng…).

Mục tiêu kép cần đến giải pháp kép: muốn phát triển kinh tế phải phát triển nền kinh tế thị trường, song phải đảm bảo công bằng xã hội; muốn dân giàu phải khuyến khích cá nhân làm giàu, song phải quan tâm đến xóa đói, giảm nghèo.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa VII (năm 1983) đã khẳng định rằng: “Phát triển nếu tách rời khỏi cội nguồn dân tộc nhất định sẽ dẫn đến nguy cơ tha hóa”. Đó là bài học kinh nghiệm và trải nghiệm mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã tổng kết từ sự không thành công của nhiều nước hoặc đi theo mô hình này hoặc đi theo mô hình khác, khi “không được cộng đồng” bản địa chấp nhận.

Thành công của nước ta hơn 35 năm qua, từ khi Đổi mới đến nay, đã đem lại những thành tựu kinh tế - xã hội “to lớn và có ý nghĩa lịch sử”, chứng minh tính đúng đắn của tư tưởng Hồ Chí Minh. “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” cũng có nghĩa văn hóa là nền tảng tinh thần chọn lựa mô hình phát triển vừa là mục tiêu, vừa là động lực của phát triển, có vai trò điều tiết sự phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với đặc điểm của dân tộc và thời đại.

2.

Song cũng về vấn đề này, từ góc nhìn đạo đức xã hội đặt ra: “Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ. Văn hóa phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích riêng. Văn hóa phải làm thế nào cho mỗi người dân Việt Nam từ già đến trẻ, cả đàn ông và đàn bà ai cũng hiểu được nhiệm vụ và biết hưởng hạnh phúc của mình nên được hưởng”. Đây cũng thuộc nội hàm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” trong tư tưởng Hồ Chí Minh.

Vấn đề văn hóa với đạo đức xã hội cũng rất rộng lớn, có độ bao trùm nhiều lĩnh vực và quan hệ xã hội. Do vậy, chúng tôi xin được đi vào một vài khía cạnh mà thực tiễn đang đặt ra có tính nổi cộm hiện nay.

Thứ nhất, “phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng”, văn hóa phải tham gia công cuộc phòng chống tham nhũng ở nước ta hiện nay.

Văn hóa phải thức tỉnh lương tri, lương năng và lương tâm con người để hình thành thái độ đạo đức với tham nhũng. Với người có điều kiện, cơ hội tham nhũng, văn hóa phải làm cho họ có dũng khí vượt lên sự thèm khát và ham muốn vật chất, danh vọng không chính đáng, giữ gìn phẩm giá, danh dự và liêm sỉ làm người.

Với cộng đồng xã hội, văn hóa phải góp phần tạo lập nhận thức trách nhiệm chống tham nhũng của mình, dũng cảm tố cáo, phê phán và đấu tranh với hành vi tham nhũng, không bao che kẻ tham nhũng, đồng thời phải biết trân trọng, đề cao những người kiên quyết, kiên trì đấu tranh chống tham nhũng.

Với hệ thống chính trị - xã hội (đặc biệt các cơ quan quyền lực nhà nước), phải có quy chế, quy định, chính sách và pháp luật đồng bộ về phòng chống tham nhũng để cán bộ, công chức nhà nước, thành viên các tổ chức chính trị, xã hội, hay trong các doanh nghiệp không cần, không muốn, không dám tham nhũng. Đặc biệt là việc thực thi, thực hành các quy định, quy chế và pháp luật về phòng chống tham nhũng hiện nay phải trên tinh thần nghiêm minh thượng tôn pháp luật.

Thứ hai, “văn hóa phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích riêng…, ai cũng hiểu được nhiệm vụ của mình và biết hưởng hạnh phúc của mình nên được hưởng”. Có như vậy, văn hóa mới góp phần vào chống lại và khắc chế được chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, ích kỷ là nguyên nhân sâu xa của mọi tiêu cực của đời sống xã hội hiện nay (như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định).

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ ra: “Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí… Chủ nghĩa cá nhân là kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội”. Bởi chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, ích kỷ là cách thức hành xử bản năng phi lý tính cố hữu của con người chưa được kìm chế, điều tiết bởi văn hóa và đạo đức.

Do vậy, “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” trong chống chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, ích kỷ là giáo dục con người: “hóa dân dịch tục” (cải hóa con người, thay đổi thói tục bản năng) hay “nhân văn giáo hóa” (đem cái hay, cái đẹp mà giáo hóa cho con người) để cho con người trở nên tốt đẹp (hóa ra có văn).

Văn hóa có sức mạnh chống chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, ích kỷ là bởi sức mạnh đạo đức (văn đức) và sức mạnh của pháp luật, định chế xã hội (văn hiến nghĩa hẹp). Sức mạnh đạo đức là sức mạnh của quá trình giáo dục, bồi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp cho con người, nuôi dưỡng tinh thần vị tha vì cộng đồng, vì nhân loại, tinh thần tự ý thức đề cao liêm sỉ.

Sức mạnh pháp luật và định chế xã hội là sức mạnh của sự cấm đoán, thậm chí trừng phạt mà cộng đồng, xã hội và nhà nước quy định với những người, những hành vi vi phạm lợi ích của cộng đồng, xã hội và người khác. Đạo đức và pháp luật là hai trụ cột, hai giá đỡ của xã hội văn minh mà văn hóa có vai trò khai mở.

Đồng thời, văn hóa có chức năng cổ vũ và nuôi dưỡng chủ nghĩa cá nhân triết học (hay chủ nghĩa cá nhân đạo đức), thành quả sự phát triển của lịch sử và nhận thức của nhân loại về nhu cầu, lợi ích, giá trị của cá nhân, sự giải phóng cá nhân như vật vô hình bám vào - cái cuống nhau của cộng đồng - (C.Mác)...

Tóm lại, tư tưởng “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” của Hồ Chí Minh là tư tưởng mang tính chất triết lý chính trị, xã hội và nhân sinh sâu sắc đã và sẽ được nhận thức ở các góc độ khoa học và đời sống thực tiễn khác nhau. Với phương châm “nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa trong phát triển, chúng ta cần vượt lên trên cách tiếp cận kinh tế học thuần túy” như UNESCO đã lưu ý.

(*) Nguyên giảng viên cao cấp Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)

Tin liên quan
Tin khác