Tại buổi làm việc. |
Dự án PSFM được Bộ NN& PTNT phê duyệt vào năm 2017 và được tài trợ bởi Bộ Nông nghiệp và Lương thực Cộng hòa liên bang Đức thông qua Công ty tư vấn GFA; Viện Khoa học và Lâm nghiệp Việt Nam là đơn vị chủ dự án. Dự án hoạt động tại 2 tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình.
Sau quá trình triển khai, phía nhà tài trợ giao cho chuyên gia của GFA thực hiện đánh giá giữa kì dự án. Mục tiêu dài hạn của Dự án PSFM nhân rộng hoạt động hỗ trợ lĩnh vực quản lí lâm sản bền vững và chứng chỉ rừng ra các địa phương trong nước. Do đó, việc gặp gỡ và trao đổi với lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ban ngành liên quan ở Quảng Trị là điều kiện giúp cho chuyên gia có những đánh giá, kiến nghị phù hợp nhất trong việc thực hiện dự án thời gian còn lại cũng như định hướng cho dự án thời gian tiếp theo. Đồng thời, mong muốn phía tỉnh có đánh giá và đề xuất kế hoạch phát triển đối với dự án.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, ông Hà Sỹ Đồng đã trao đổi với đoàn cố vấn dự án PSFM về hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn Quảng Trị, định hướng xây dựng ngành lâm nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, áp dụng khoa học công nghệ để tăng hiệu quả trong lâm nghiệp, giữ vững sự ổn định độ che phủ rừng đạt 50 %. Trên địa bàn Quảng Trị hiện có trên 253.000 ha rừng, trong đó rừng tự nhiên là gần 143000 ha. Diên tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững là trên 22000 ha.
Quảng Trị đã xây dựng ngành lâm nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, hàng hóa lớn; phát huy các lợi thế so sánh, áp dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả trong lâm nghiệp, giữ vững độ che phủ của rừng trên địa bàn tỉnh; quản lí, bảo vệ toàn bộ diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng; phát triển và sử dụng hợp lí tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị gia tăng cao và thu nhập từ rừng, bảo vệ môi trường, sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu; huy động sự tham gia rộng rãi, tích cực của các thành phần kinh tế vào hoạt động sản xuất lâm nghiệp để phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người dân nông thôn, miền núi và góp phần giữ vững an ninh - quốc phòng trên địa bàn tỉnh.
“Thời gian tới, tỉnh tiếp tục xây dựng văn bản pháp luật, tài liệu hướng dẫn thực hiện, phương án quản lí rừng bền vững; xây dựng các mô hình quản lí rừng bền vững hướng tới cấp chứng chỉ rừng; đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực, tuyên truyền quản lí bảo vệ rừng và cấp chứng chỉ rừng… Từ đó, Quảng Trị rất mong phía dự án tiếp tục quan tâm hỗ trợ để nhân rộng các mô hình quản lí rừng bền vững ở địa phương” - ông Hà Sỹ Đồng nói.