Tài chính - Chứng khoán
Vàng bật tăng trước áp lực lạm phát
T.V - 21/10/2021 10:59
Giá vàng giao dịch trên thị trường quốc tế sáng nay tăng 14 USD/ounce lên mức 1.785 USD/ounce trước áp lực lạm phát và sức khỏe của đồng bạc xanh sụt giảm.

Mặt hàng kim quý vàng tăng trở lại cuối phiên ngày 20/10 sau khi USD suy yếu vì lo ngại về lạm phát leo thang và sự hạn chế của chuỗi cung ứng sẽ làm ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Bất chấp lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng lên mức cao nhất vàng vẫn bật tăng. Điều này có được nhờ lo ngại về lạm phát gia tăng đẩy USD đi xuống.

Chỉ số USD, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền đối thủ trong rổ tiền tệ đã giảm xuống 93,7 điểm và nhờ đó giúp vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với người mua bằng ngoại tệ khác. 

Thị trường xuất hiện mối lo ngại toàn cầu về những gì đang diễn ra với sự suy giảm nguồn cung và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thiếu hành động về sự gia tăng của lạm phát. 

Lạm phát cơ bản hàng tháng, không tính chi phí thực phẩm và năng lượng, tăng 0,2% trong tháng 9, sau khi tăng 0,1% vào tháng 8. Lạm phát cơ bản hàng năm cũng đạt mức kỳ vọng, ở mức 4%.

Lạm phát tại Mỹ có thể tiếp tục nóng lên cũng tác động tích cực lên thị trường vàng. Bởi khi lạm phát cao, vàng vẫn được xem là hầm trú ẩn an toàn của nhà đầu tư.

Lạm phát sẽ vẫn là trọng tâm của thị trường khi Vương quốc Anh và Canada công bố báo cáo giá tiêu dùng. Giá nguyên liệu thô đang tăng mạnh (dầu, bông, đồng), và sự gia tăng giá cả này đang tìm đường xâm nhập vào các bộ phận khác của nền kinh tế.

Cụ thể hơn, trong những tháng tới, chi phí xăng dầu và nhiên liệu sưởi có thể tăng lên. Khi chúng ta bước vào kỳ nghỉ lễ, sự thiếu hụt chuỗi cung ứng có thể dẫn đến giá đồ chơi và quà tặng khác cao hơn.

Một số Ngân hàng trung ương trên thế giới khẳng, định áp lực lạm phát chỉ là tạm thời, nhưng đang có số lượng ngày càng tăng thừa nhận khả năng áp lực giá sẽ còn cao trong thời gian dài sắp tới.

Vàng thường được coi là hàng rào phòng ngừa lạm phát, mặc dù việc thu hồi các biện pháp kích thích và nâng lãi suất sẽ đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ lên cao, làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng.

Đối với thị trường vàng trong nước, sáng nay giá vàng miếng tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vào là 57,55 triệu đồng/lượng và bán ra 58,25 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng so với hôm qua.

Tại Tập đoàn Doji, vàng SJC cũng được điều chỉnh tăng thêm 50.000 đồng/lượng cho cả hai chiều giao dịch. Giá mua và giá bán tại Doanh nghiệp Phú Quý được tăng thêm 100.000 đồng/lượng so với cuối phiên giao dịch ngày hôm qua.

Nhưng quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, hiện mỗi lượng vàng miếng SJC đang cao hơn thế giới gần 9 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí).

Giá vàng trong nước cao hơn quốc tế nên giới phân tích cho rằng, mua vàng trong lúc này nhà đầu tư trong nước sẽ nắm chắc lỗ. Vì thị trường vàng Việt Nam và thế giới không liên thông với nhau. Hiện nay cơ quan nhập khẩu vàng duy nhất là Ngân hàng Nhà nước nên giá vàng trong nước có thể lên cao so với giá vàng thế giới khi nhu cầu cao.

Số liệu thống kê của Hội đồng Vàng thế giới (WGC) cho thấy, nhu cầu tiêu dùng vàng trong 10 năm trở lại đây liên tục giảm.

Năm 2020, nhu cầu này có mức sụt giảm mạnh nhất với nữ trang còn 10,7 tấn, vàng miếng còn hơn 29 tấn, giảm lần lượt hơn 38% và 25,6% so với năm 2019.

Ngày 21/10, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm ở mức 23.145 VND/USD, giảm 2 đồng so với mức niêm yết hôm qua. Với biên độ 3% được quy định, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại được phép giao dịch là trong khoảng 22.451 - 23.839 VND/USD.

Tỷ giá bán tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước cũng được điều chỉnh giảm 2 đồng, xuống mức 23.789 VND/USD.

Tin liên quan
Tin khác