Ngân hàng - Bảo hiểm
Vàng có thể "ngủ đông"; ngân hàng lo thiệt hại nặng vì rủi ro công nghệ
T.L - 22/12/2024 10:55
Chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư hạn chế rót vốn vào vàng từ năm 2026, ngân hàng muốn lập quỹ dự phòng rủi ro công nghệ, dự báo mặt bằng lãi suất năm 2025, các biến số với chính sách tiền tệ... là tiêu điểm ngân hàng tuần qua.
TIN LIÊN QUAN

 Thị trường vàng có thể sớm bước vào giai đoạn “ngủ đông”

Giá vàng năm 2025 vẫn còn cơ hội tăng khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục lộ trình cắt giảm lãi suất USD. Tuy vậy, từ năm 2026, nhà đầu tư nên hạn chế rót vốn vào vàng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Ngô Thành Huấn, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT cho rằng, năm 2025, kinh tế thế giới sẽ bước vào giai đoạn tiền phục hồi. Trong giai đoạn này, cổ phiếu là kênh đầu tư tốt nhất. Riêng với vàng, nhà đầu tư nên hạn chế nắm giữ từ năm 2026, vì khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi, vàng sẽ bước vào giai đoạn “ngủ đông”.

“Còn nhớ, giai đoạn 2013 - 2018, giá vàng đã rớt từ 47 triệu đồng/lượng xuống 36 triệu đồng/lượng và đi ngang liên tiếp 6 năm. Cho nên, nhà đầu tư cần thận trọng với giá vàng giai đoạn tới, đặc biệt từ năm 2026. Riêng năm 2025, nhà đầu tư vẫn có thể nắm giữ vàng vì dư địa tăng vẫn còn do Fed tiếp tục lộ trình cắt giảm lãi suất. Một khi nền kinh tế phục hồi, giá vàng sẽ không tăng nữa mà quay đầu giảm. Tuy vậy, tôi cũng cho rằng, giá vàng khó giảm sâu, mà sẽ chỉ giảm 5-15%”, ông Huấn nhận định.

Giá vàng thế giới đã tăng gần 30% trong 11 tháng đầu năm 2024. Trong báo cáo vừa phát hành, Hội đồng Vàng thế giới (WGC) cho rằng, động lực chính thúc đẩy giá vàng năm nay là sức mua của ngân hàng trung ương và các nhà đầu tư châu Á. Mặc dù có mức tăng trưởng ấn tượng năm nay, song WGC cho rằng, giá vàng sẽ tăng chậm lại năm  2025.

Tất nhiên, giá vàng có thể tăng mạnh hơn nếu xuất hiện những yếu tố đột biến như Fed dừng lộ trình giảm lãi suất; các ngân hàng trung ương tăng cường mua vào; tình hình kinh tế thế giới xấu đi nhanh chóng khiến các nhà đầu tư tìm kiếm tài sản trú ẩn an toàn; Trung Quốc quay lại mua vàng… “Việc Fed tạm dừng giảm lãi suất hoặc đảo ngược chính sách có thể gây thêm áp lực lên nhu cầu đầu tư vàng”, WGC cho biết.

Theo ông Shaokai Fan, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc), kiêm Giám đốc Ngân hàng Trung ương toàn cầu tại Hội đồng Vàng thế giới, quý III/2024, thị trường vàng toàn cầu chứng kiến sự quay trở lại của nhóm nhà đầu tư châu Âu với vàng ETF sau nhiều năm vắng bóng. Tuy nhiên, vào quý IV/2024, các nhà đầu tư này đã dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác. Riêng cầu vàng của khối ngân hàng trung ương tuy chậm lại, song vẫn tiếp tục tăng.

Chuyên gia này cho rằng, giá vàng thời gian tới rất khó dự đoán do chính sách của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa rõ ràng. Dù vậy, giá vàng vẫn có nhiều yếu tố hỗ trợ như Fed tiếp tục lộ trình cắt giảm lãi suất; khả năng Mỹ tăng thuế nhập khẩu, kéo theo lạm phát tăng, từ đó tác động tích cực tới vàng; căng thẳng ở Trung Đông có thể leo thang; các ngân hàng trung ương tiếp tục mua vàng; Ấn Độ giảm thuế nhập khẩu làm tăng sức cầu vàng nội địa…

Tuy vậy, giá vàng có thể sẽ hạ nhiệt, nếu Mỹ đạt được thỏa thuận hòa bình với Nga. Chưa kể, nhà đầu tư có thể tiếp tục dịch chuyển dòng vốn từ vàng sang các kênh đầu tư khác.

Theo ông Trịnh Hà, chuyên gia chiến lược Exness Investment Bank, trong năm 2023-2024, vàng tăng giá chủ yếu nhờ lực mua của các ngân hàng trung ương. Tuy nhiên, sức mua của các “cá mập” này đang giảm dần. Nếu năm 2023, lực mua vàng của các ngân hàng trung ương chiếm 20% tổng nhu cầu vàng toàn thị trường, thì đến quý III/2024, tỷ lệ này chỉ còn 8%.

 Năm 2025, nhà đầu tư cần chú ý theo dõi chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tác động đến nền kinh tế Mỹ ra sao. Nếu lạm phát tăng mạnh, Fed tăng lãi suất, có rủi ro suy thoái kinh tế, nhà đầu tư sẽ quay vào vàng. Nếu ngược lại, kinh tế phục hồi tốt, kinh tế Mỹ “hạ cánh an toàn”, dòng tiền sẽ chảy sang các tài sản có rủi ro cao hơn.

Trong khi đó, dòng tiền ETF vào vàng gia tăng khi bất ổn chính trị diễn ra, nhưng khi tình hình chính trị ổn định trở lại, kết hợp với kinh tế Mỹ “hạ cánh an toàn”, thì dòng tiền sẽ dịch chuyển sang các tài sản có độ rủi ro cao hơn.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, nếu tình hình Trung Đông căng thẳng, nhà đầu tư sẽ tiếp tục trú ẩn vào vàng. Ngược lại, nếu kinh tế Mỹ tăng trưởng tốt (dự báo các chính sách của ông Donald Trump sẽ hướng tới hỗ trợ kinh tế tăng trưởng), dòng tiền có thể chảy ra khỏi vàng và chuyển sang các kênh đầu tư khác.

Dù giá vàng thế giới diễn biến theo chiều hướng nào, thì theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, tình hình quản lý siết chặt thị trường vàng trong nước và diễn biến tỷ giá hiện nay đều không có lợi cho việc đầu tư vàng.

Thông thường, trong chu kỳ giá vàng 10 năm, có 1-2 năm tăng giá mạnh, 1-2 năm sụt giảm, còn lại là đi ngang. Kết thúc năm 2024 là kết thúc 2 năm tăng giá mạnh của vàng. Như vậy, nhiều khả năng giá vàng đang đứng ở vùng đỉnh.

Ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia tài chính cho rằng, ngay cả khi khả năng giảm xảy ra, giá vàng cũng sẽ khó rớt sâu, vì cầu từ các tổ chức lớn luôn luôn có sẵn mỗi khi giá giảm, tạo lực đỡ lớn cho kim loại quý này. Nhà đầu tư không nên dùng đòn bẩy khi đầu tư vào vàng trong năm 2025 và phải theo dõi sát diễn biến của thị trường, đặc biệt là căng thẳng địa chính trị, xu hướng cắt giảm lãi suất, động thái mua vào của các “tay to”, diễn biến USD, sự dịch chuyển của dòng tiền trên toàn cầu…

 Mặt bằng lãi suất duy trì mức thấp trong năm 2025?

Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các tổ chức tín dụng nỗ lực giảm chi phí để tiếp tục cắt giảm lãi suất cho vay, chia sẻ khó khăn với khách hàng.

Mặt bằng lãi suất huy động vẫn chịu áp lực tăng nhằm thu hẹp mức độ chênh lệch giữa số dư tiền gửi và dư nợ tín dụng toàn hệ thống và gia tăng mức độ cạnh tranh của kênh tiền gửi tiết kiệm so với lợi suất đầu tư của các kênh đầu tư khác trên thị trường. Từ đầu tháng 12/2024 đến nay, đã có 12 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm, với mức lãi cao nhất đã vượt 7%/năm cho kỳ hạn dài.

Thêm vào đó, tỷ giá USD niêm yết tại các ngân hàng liên tục sát và kịch trần suốt hơn 1 tháng qua khiến NHNN phải áp dụng đồng thời các công cụ để ổn định thị trường, với việc hút ròng nhẹ. Cụ thể, NHNN đã đẩy mạnh việc phát hành kênh mua kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 4%/năm, với khối lượng đạt 52.000 tỷ đồng trên tổng số 35.000 tỷ đồng đáo hạn.

Bên cạnh đó, từ ngày 9 đến 16/12, giá trị khối lượng tín phiếu phát hành đạt 29.130 tỷ đồng trên tổng số 4.450 tỷ đồng đáo hạn. Hoạt động điều hành của NHNN được đánh giá sẽ giúp kiềm chế đà tăng nóng của tỷ giá, nhưng sẽ phần nào ảnh hưởng tới thanh khoản VND của hệ thống ngân hàng.

Trong báo cáo về ngành ngân hàng mới công bố, Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục xu hướng tăng nhẹ giai đoạn cuối năm 2024, do nhiều yếu tố. Cụ thể, áp lực về tỷ giá và sức ép của lạm phát vẫn hiện hữu khi xét đến những yếu tố liên quan đến biến động giá cả hàng hóa dưới tác động của những căng thẳng địa chính trị.

Ngoài ra, mục tiêu đảm bảo thanh khoản và đáp ứng nhu cầu tín dụng khiến nhiều ngân hàng có thể phải tăng cường huy động nhằm cân đối thanh khoản và đảm bảo các chỉ số an toàn tài chính, trong đó một số ngân hàng đã chạm ngưỡng LDR (tỷ lệ cho vay trên tổng tiền gửi) dẫn đến ưu tiên tăng nguồn huy động để giảm thiểu rủi ro thanh khoản. Trong khi đó, cầu tín dụng thường có xu hướng tăng cao trong những tháng cuối năm, đặc biệt là nhóm bất động sản và xây dựng.

Năm 2025, các chuyên gia của VCBS cho rằng, khả năng lãi suất huy động sẽ duy trì đi ngang với sự hỗ trợ đến từ nỗ lực thúc đẩy tín dụng của NHNN, cùng với định hướng “tiếp tục bám sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng cung ứng tín dụng cho nền kinh tế và kịp thời có giải pháp điều hành chính sách tiền tệ phù hợp”.

VCBS kỳ vọng, tốc độ tăng lãi suất huy động sẽ theo hướng nhích dần đều, nhưng vẫn ở mặt bằng thấp so với giai đoạn trước Covid-19. “Chúng tôi dự báo mức lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ 0,2 - 0,3 điểm % ở các kỳ hạn trung và dài hạn cho giai đoạn cuối năm 2024 và đi ngang trong năm 2025”, VCBS cho biết.

Mặc dù mặt bằng lãi suất được đánh giá đang ở mức phù hợp, nhưng thị trường vẫn kỳ vọng lãi suất cho vay tiếp tục giảm để hỗ trợ nền kinh tế. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu NHNN kiểm soát chặt lãi suất huy động của các ngân hàng và thực hiện các giải pháp giảm mặt bằng lãi cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, xu hướng tăng nhu cầu tín dụng, tình hình nợ xấu, tỷ giá thời gian tới có thể tiếp tục gây áp lực lên lãi vay. Lãi suất cho vay không chỉ phụ thuộc vào chi phí hoạt động của ngân hàng, mà còn phản ánh khả năng xảy ra trong tương lai và đặt trong bối cảnh tỷ lệ nợ xấu ngày càng tăng.

Đối với lãi suất cho vay, VCBS dự báo, mặt bằng lãi suất đi ngang và duy trì ở mức thấp cho giai đoạn cuối 2024, đầu năm 2025 theo định hướng hỗ trợ nền kinh tế. Việc lãi suất huy động tăng nhẹ sẽ tạo áp lực nhất định lên lãi suất cho vay. Tuy nhiên, room tín dụng dồi dào trong thời gian qua làm tăng cạnh tranh tăng trưởng tín dụng giữa các ngân hàng và giúp duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp.

Theo VCBS, trong ngắn hạn, lãi suất cho vay sẽ có sự phân hóa. Lãi suất cho vay đối với nhóm ngành thuộc lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, xuất khẩu… theo các chương trình ưu đãi về lãi suất, có thể tiếp tục giảm nhẹ. Lãi suất ở nhóm ngành có mức độ hồi phục nhanh hơn và rủi ro hơn như bất động sản, xây dựng sẽ điều chỉnh tăng theo đà tăng của lãi suất huy động.

PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, biên lãi ròng (NIM) của ngân hàng ngày càng mỏng do các ngân hàng vẫn phải tăng lãi suất huy động để hút nguồn vốn phục vụ nhu cầu kinh doanh cuối năm, cũng như đảm bảo cạnh tranh với các kênh đầu tư khác. Trong khi đó, lãi suất cho vay vẫn duy trì ở mức thấp, nếu tiếp tục giảm lãi suất cho vay, thì  NIM của nhiều ngân hàng sẽ dưới mức 3%.

Ngân hàng đối mặt với rủi ro công nghệ

Rủi ro công nghệ và nguy cơ bị tấn công luôn rình rập khiến nhiều ngân hàng phải tính tới lập quỹ dự phòng rủi ro. Một loạt quy định mới áp dụng từ năm 2025 được kỳ vọng sẽ ngăn chặn bớt tình trạng lừa đảo.

Theo Hiệp hội ngân hàng Việt Nam, năm 2024, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt bình quân hàng ngày đạt kỷ lục trên 26,2 triệu giao dịch, thanh toán QR tăng trưởng trên 200% về số lượng và giá trị so với cuối năm 2023. Cùng với thanh toán số tăng mạnh, nguy cơ bị tấn công mạng, rủi ro công nghệ, rủi ro lộ lọt dữ liệu… cũng gia tăng.

“Các tổ chức tín dụng đang phải đối diện với tình trạng tấn công mạng, lộ lọt thông tin dữ liệu, lừa đảo chiếm đoạt tiền trong tài khoản khách hàng ngày càng gia tăng, với thủ đoạn ngày càng táo bạo, tinh vi. Các đối tượng tội phạm có hiểu biết về công nghệ thông tin và hệ thống ngân hàng, thường xuyên thay đổi thủ đoạn”, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết.

Sau nửa năm thực hiện quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về xác thực sinh trắc học, lừa đảo liên quan đến tài khoản cá nhân sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, lừa đảo liên quan đến tài khoản doanh nghiệp lại gia tăng. Mới đây, một loạt doanh nghiệp như VinFast, Xanh SM, Vinhomes… đồng loạt phát cảnh báo về tình trạng giả mạo doanh nghiệp để lừa đảo. Các đối tượng giả danh người của doanh nghiệp, sử dụng tên, thương hiệu và hình ảnh của các công ty này để thu thập thông tin cá nhân và lừa tiền.

Từ năm 2025, NHNN tiếp tục siết chặt các quy định về mở, sử dụng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng… nhằm phòng ngừa, ngăn chặn hành vi gian lận. NHNN yêu cầu trước ngày 1/1/2025, các tổ chức tín dụng phải hoàn thành đối chiếu thông tin sinh trắc học đối với khách hàng cá nhân. Trước ngày 1/7/2025, tổ chức tín dụng phải hoàn thành đối chiếu thông tin sinh trắc học đối với người đại diện hợp pháp của khách hàng tổ chức để tiếp tục thực hiện rút tiền, giao dịch thanh toán bằng phương tiện điện tử trên tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng.

Phó thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng lưu ý, theo quy định tại Luật Căn cước, từ ngày 1/1/2025 chứng minh thư không còn hiệu lực, căn cước công dân 9 số cũng không còn hiệu lực. Theo các thông tư mới được NHNN ban hành, từ ngày 1/1/2025, nếu không thực hiện đối chiếu sinh trắc học và căn cước công dân gắn chip, thì khách hàng sẽ không thực hiện được giao dịch trên môi trường điện tử.

Do đó, Phó thống đốc Phạm Tiến Dũng đề nghị các tổ chức tín dụng đẩy mạnh truyền thông tới khách hàng, đồng thời xây dựng các giải pháp kỹ thuật kết nối để đảm bảo các giao dịch của khách hàng được thông suốt. Các biện pháp này kỳ vọng sẽ ngăn chặn hành vi mở và sử dụng tài khoản thanh toán của tổ chức cho mục đích bất hợp pháp, đặc biệt trong giai đoạn cuối năm.

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, các ngân hàng Việt Nam đi rất nhanh trong chuyển đổi số, đầu tư rất lớn vào công nghệ để nâng cao hiệu quả hoạt động và trải nghiệm khách hàng.

Thực tế, tại nhiều ngân hàng, lượng giao dịch qua kênh số trong vòng 5 năm qua tăng 50-100 lần, lượng khách hàng giao dịch trên kênh số cũng tăng hàng chục lần. Đơn cử, tại VIB, trong giai đoạn 2017-2024, lượng khách hàng số đã tăng từ 100.000 lên tới 2,2 triệu và lượng giao dịch tăng từ 7 triệu lên 510 triệu.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm Đào tạo của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đánh giá, công nghệ ngành ngân hàng đã đột phá lớn. Trong đó, về công nghệ chuỗi khối (blockchain), BIDV đi đầu trong phát hành thư tín dụng đến ngân hàng ngoài hệ thống; MB, VPBank, Vietcombank ứng dụng trong xử lý giao dịch tài chính. Về phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI), VPBank đã dùng để đồng bộ hóa dữ liệu, phân tích từ năm 2015; BIDV có smartbanking dùng AI; VIB kết hợp AI với Big Data vào quy trình chấm điểm tín dụng và xét duyệt hồ sơ tín dụng…

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của công nghệ, các ngân hàng cũng đứng trước những rủi ro lớn cũng như nguy cơ bị tấn công mạng. Tuần trước, ứng dụng ngân hàng TPBank bị “sập” nhiều giờ khiến khách hàng không thể thực hiện giao dịch trên cả ứng dụng Mobile Banking lẫn Internet Banking, gây nhiều phiền toái.

Nhiều ngân hàng thương mại thừa nhận, chuyển đổi số là động lực quan trọng giúp ngành ngân hàng nâng cao năng suất lao động, tiết giảm chi phí và mang lại trải nghiệm vượt trội cho khách hàng. Tuy nhiên, rủi ro từ công nghệ cũng có thể khiến các ngân hàng phải chịu hậu quả lớn.

Ông Trần Minh Bình, Chủ tịch HĐQT VietinBank đề nghị, NHNN nghiên cứu cơ chế cho phép các ngân hàng trích lập quỹ dự phòng rủi ro hoạt động, bao gồm cả rủi ro công nghệ thông tin. Quỹ này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc ứng phó kịp thời với các sự cố tấn công mạng và đảm bảo quyền lợi tài chính cho khách hàng khi xảy ra tổn thất. 

Tăng tốc cuối năm, tín dụng không còn xa mục tiêu tăng trưởng  

ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến ngày 13/12, tín dụng toàn nền kinh tế tăng khoảng 12,5% so với cuối năm 2023, tập trung vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Riêng tại địa bàn TP.HCM, tính đến cuối tháng 11/2024, tổng dư nợ tín dụng đạt 3.828 ngàn tỷ đồng, tăng 1,14% so với tháng trước, tăng 8,1% so với cuối năm 2023 và tăng 12,5% so với cùng kỳ.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN TP.HCM cho hay, diễn biến tăng trưởng tín dụng của Thành phố trong những tháng gần đây phù hợp với xu hướng tăng trưởng của nền kinh tế. Trong quá trình đó, nhu cầu vốn cho sản xuất - kinh doanh, thương mại dịch vụ, tiêu dùng tăng, trở thành yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong tháng cuối cùng của năm.

Tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2025 tổ chức mới đây, lãnh đạo BIDV cho hay, dự kiến kết thúc năm 2024, ngân hàng này sẽ có quy mô tổng tài sản vượt mốc 2,6 triệu tỷ đồng; dư nợ tín dụng đạt gần 2 triệu tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 14%. Vietcombank cũng cho biết, năm 2024, tăng trưởng tín dụng dự kiến ở mức 13%, đạt quy mô trên 1,4 triệu tỷ đồng, tổng tài sản gần 2 triệu tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1%.

Tương tự, VietinBank là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng tốt nhất, khi tính đến hết tháng 11/2024, tổng tài sản ước đạt hơn 2,3 triệu tỷ đồng, tăng 14,7% so với năm 2023; tín dụng tăng trưởng 14,2% so với năm 2023; nguồn vốn huy động đạt gần 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 11,3% so với cuối năm 2023.  

Lãnh đạo Agribank cho hay, dự kiến đến hết năm 2024, tổng tài sản của Ngân hàng tăng 7,9% so với năm 2023; nguồn vốn đạt 2 triệu tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm; dư nợ đạt trên 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2023; nợ xấu được kiểm soát chặt chẽ, tỷ lệ nợ xấu nội bảng khoảng 1,6%, lợi nhuận trước thuế tăng 8%...

Nhằm thúc đẩy tín dụng, NHNN đã chủ động thực hiện hai lần điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng trong năm 2024 theo nguyên tắc cụ thể, đảm bảo công khai. Theo đó, NHNN tiếp tục cấp bổ sung hạn mức tín dụng cho các ngân hàng đã sử dụng từ 80% hạn mức được cấp, đây là lần cấp hạn mức tín dụng bổ sung thứ 2 trong năm, với quyết tâm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15%.

Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay, năm 2024, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới vẫn neo ở mức cao, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, qua đó có điều kiện để hỗ trợ nền kinh tế; tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, yêu cầu tổ chức tín dụng báo cáo và công bố công khai mức lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi, cho vay bình quân trên trang thông tin điện tử tổ chức tín dụng.

Theo ông Phạm Toàn Vượng, Tổng giám đốc Agribank, Ngân hàng đã triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, NHNN. Đến ngày 30/11, Agribank đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ trên 55.000 tỷ đồng (gốc, lãi) cho 7.300 khách hàng; dư nợ còn lại 25.000 tỷ đồng với hơn 3.000 khách hàng.

Sau bão số 3 gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản, Agribank đã thực hiện ngay việc giảm từ 0,5- 2%/năm lãi suất cho vay; miễn, giảm 100% lãi quá hạn, lãi chậm trả trong thời gian từ ngày 6/9 đến 31/12/2024 đối với dư nợ hiện hữu; giảm 0,5%/năm lãi suất đối với khoản vay mới phát sinh từ ngày 6/9 đến hết năm 2024. Đến ngày 30/11, dư nợ được giảm lãi suất hỗ trợ hơn 39.000 tỷ đồng, số tiền lãi hỗ trợ là 30 tỷ đồng với 25.000 khách hàng...

Theo báo cáo của các ngân hàng thương mại, đến nay, mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm khoảng 0,96%/năm so với cuối năm 2023. Trong Báo cáo triển vọng ngân hàng năm 2025, Công ty cổ phần chứng khoán Vietcombank (VCBS) chỉ rõ, lãi suất cho vay đã giảm về mức thấp kỷ lục trong quý III/2024. Theo dữ liệu tổng hợp từ báo cáo tài chính của 27 ngân hàng niêm yết, lãi suất cho vay trung bình đã giảm khoảng 2,7 % từ mức đỉnh của quý I/2023.

Các chuyên gia tích dự báo, việc lãi suất huy động điều chỉnh tăng trở lại từ quý II/2024 có độ trễ 3 - 6 tháng để phản ánh vào lãi suất cho vay. Do đó, mặt bằng lãi suất cho vay đi ngang trong quý IV/2024 và dự đoán trong năm 2025 sẽ tăng tiếp, nhưng ở mức thấp, chứ không quá mạnh như nửa cuối năm 2024.

VCBS dự đoán lãi suất cho vay tăng thêm 0,5-0,7% vào năm 2025 trong bối cảnh kinh tế hồi phục và nhu cầu tín dụng mạnh mẽ hơn. NHNN cũng chia sẻ, việc điều hành lãi suất hiện nay gặp không ít khó khăn do áp lực từ thị trường quốc tế và tình hình trong nước. Nếu lãi suất cho vay giảm mạnh, tỷ giá có nguy cơ tăng cao, gây mất ổn định kinh tế vĩ mô và tâm lý lo ngại cho nhà đầu tư nước ngoài… 

Nhiều yếu tố tác động tích cực lên chính sách tiền tệ năm 2025

Áp lực tỷ giá được cho là không còn lớn, trong khi mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm sâu… là các yếu tố tác động tích cực lên chính sách tiền tệ vào đầu năm 2025.

Trong báo cáo cập nhật mới nhất về kinh tế Việt Nam, ngân hàng Standard Chartered dự báo, USD tăng mạnh trong năm 2025, nhưng sẽ suy yếu vào đầu năm. GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh 6,7% vào năm 2025, với mức tăng trưởng nửa đầu năm đạt 7,5% so với cùng kỳ năm trước và 6,1% trong nửa cuối năm.

Theo Standard Chartered, USD dự kiến tăng mạnh vào nửa cuối năm 2025 khi các chính sách thuế quan và biện pháp tài khóa dưới nhiệm kỳ thứ 2 của Tổng thống Donald Trump được làm rõ và triển khai.  “USD có thể phải đối mặt với giai đoạn suy yếu vào đầu năm 2025 do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục cắt giảm lãi suất và sự bất ổn trong việc thực hiện chính sách. Những tác động kéo dài của việc tăng lãi suất và USD mạnh lên kể từ tháng 10/2024 có thể gây thêm áp lực lên đồng tiền này”, Standard Chartered cho biết.

Cũng theo Standard Chartered, việc cắt giảm lãi suất gần đây của Fed được kỳ vọng sẽ hỗ trợ các loại tiền tệ châu Á, bao gồm VND. Tuy nhiên, dữ liệu kinh tế Mỹ khả quan hơn dự kiến gia tăng áp lực cho thị trường ngoại hối châu Á. Các yếu tố như bất ổn trong chính sách thương mại và các biện pháp có thể gây lạm phát dưới thời Tổng thống Donald Trump có thể làm giảm tính ổn định của chính sách tiền tệ trong khu vực.

Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam cho hay, năm 2024, chính sách ưu tiên ổn định tỷ giá, qua đó tạo niềm tin đến nhà đầu tư nước ngoài trong việc đảm bảo giá trị vốn đầu tư vào Việt Nam, đã được cơ quan quản lý thực hiện nhất quán và hiệu quả. Hơn 11 tháng qua, USD tiếp tục khẳng định giá trị vượt trội nhờ sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ từ Mỹ, lãi suất USD tiếp tục neo ở mức cao kỷ lục trong nhiều thập kỷ.

Gần như toàn bộ các đồng tiền quan trọng nhất trong thương mại và đầu tư toàn cầu gánh chịu sức ép giảm giá từ 1 đến 10% so với USD, trong đó VND giảm giá khoảng 4,5%, nằm ở mức trung bình. Đây là một thành công lớn trong công tác ổn định tỷ giá trong bối cảnh các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng khá lớn trên thị trường chứng khoán và chuyển vốn về nước.

Mặt bằng lãi suất VND vài tháng qua vẫn ổn định, với lãi suất huy động từ các ngân hàng thương mại cho các kỳ hạn dưới 6 tháng khoảng 4-4,5% và kỳ hạn 12 tháng là 5-5,5%. Theo UOB, đây là mức lãi suất phù hợp trong tổng thể lạm phát năm 2024 dưới 4% và lãi suất USD quốc tế quanh mức 4,5%. UOB dự báo, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục giữ các mức lãi suất chính sách như hiện nay trong một chính sách tiền tệ trung hòa vài tháng đầu năm 2025.

Ông Đinh Đức Quang cho rằng, chính quyền mới tại Mỹ đã phát tín hiệu mạnh mẽ với các biện pháp bảo hộ thương mại thông qua việc tăng thuế nhập khẩu hàng hóa, trục xuất lao động nhập cư bất hợp pháp, giảm thuế nội địa…, có thể tạo áp lực lạm phát cao hơn. Từ đó, chu kỳ cắt giảm lãi suất USD có thể chậm lại so với những gì thị trường kỳ vọng. Điều này có thể tạo áp lực lên tỷ giá và mặt bằng lãi suất của tất cả các đồng tiền khác.

Hiện UOB tiếp tục giữ dự báo về đợt cắt giảm lãi suất USD là 0,25% vào kỳ họp ngày 17-18/12/2024, sau đó là các đợt cắt giảm tổng cộng 1% trong năm 2025, đưa lãi suất USD xuống quanh mức 3,5% vào cuối năm 2025. Dự báo này là cơ sở thuận lợi cho Ngân hàng Nhà nước tiếp tục ổn định lãi suất VND và tỷ giá như hiện nay.

Ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế khu vực Thái Lan và Việt Nam của Standard Chartered cho biết, ngân hàng này kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong quý II/2025. Kỳ vọng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ từ Chính phủ đang hỗ trợ mức lãi suất thấp trong hiện tại. Các động thái của Fed cũng là yếu tố trọng yếu ảnh hưởng đến các quyết định về chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Vietcombank (VCBS), năm 2024, tốc độ tăng trưởng tín dụng có thể đạt mục tiêu 15%, năm 2025 tiếp tục duy trì mức 14 - 15%. Các động lực sẽ đến từ mặt bằng lãi suất thấp tạo lực đẩy cho nhu cầu vốn; tín dụng bán lẻ tăng tốc với lực đẩy từ hoạt động kinh doanh và tiêu dùng cũng như vay mua nhà; tín dụng bán buôn tiếp tục duy trì ổn định.

VCBS cho rằng, lãi suất huy động sẽ nhích nhẹ vào cuối năm 2024 và đi ngang trong năm 2025, khi Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nỗ lực thúc đẩy tín dụng. Trong khi đó, lãi suất cho vay tiếp tục duy trì ở mức thấp đến giữa năm 2025 theo định hướng hỗ trợ nền kinh tế, nhưng có sự phân hóa giữa các nhóm ngành và các ngân hàng.

Sẽ tiếp tục đổi mới cơ chế cấp tín dụng năm 2025

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà cho biết, trong năm 2025, NHNN tiếp tục điều hành đổi mới và giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.

Theo Phó thống đốc Phạm Thanh Hà, trong năm 2025, NHNN tiếp tục điều hành đổi mới và giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng theo hướng tạo điều kiện tối đa cho các TCTD tự xác định và chủ động triển khai thực chất và đảm bảo chất lượng.

Theo đó, NHNN sẽ điều hành để đảm bảo các ngân hàng phân bổ tăng trưởng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.

Phó thống đốc đề nghị các ngân hàng duy trì mặt bằng lãi suất hợp lý, tiếp tục công khai lãi suất cho vay, cũng như thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của NHNN về tỷ giá và ngoại tệ.

Năm 2024, NHNN đã đổi mới biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng, thông báo công khai chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ đầu năm. Trong điều kiện lạm phát được kiểm soát tốt dưới mức mục tiêu, NHNN đã thực hiện 2 lần điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD vào ngày 28/8/2024 và ngày 28/11/2024 để kịp thời đáp ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh.

Theo chứng khoán SHS, có 5 Ngân hàng đủ điều kiện được cấp hạn mức tín dụng bổ sung cuối tháng 11/2024 gồm VietinBank, ACB, VIB, Techcombank, MSB. Việc được cấp thêm room tín dụng giúp các ngân hàng nói trên mở rộng quy mô kinh doanh, khi mà nhu cầu tín dụng thường cao thời điểm cuối năm. 

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế dự báo, năm 2025, kinh tế sẽ phục hồi mạnh mẽ với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ song thị trường bất động sản vẫn phục hồi chậm, thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu khó phục hồi rõ nét. Trong bối cảnh đó, tín dụng có thể tăng trưởng ở mức 13-17%.

Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2024 được cải thiện so với năm trước. Đến ngày 13/12/2024, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 12,5% so với cuối năm 2023 và tăng 16,51% so với cùng kỳ năm 2023.

Định hướng của NHNN trong điều hành tín dụng năm 2025 là tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; rà soát, đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ vay vốn, tài sản bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống, tiêu dùng, góp phần hạn chế “tín dụng đen”.

Tiếp tục theo dõi, đôn đốc các TCTD triển khai quyết liệt các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…; 

Theo chuyên gia phân tích công ty chứng khoán SHS, hiện P/B ngành Ngân hàng đang là 1,5x, thấp hơn 13% so với định giá P/B trung bình. Trong giai đoạn 2014-2024, trừ LPB, đa số PB các ngân hàng ở thời điểm hiện tại đang thấp hơn hoặc tương đương mức trung vị. TPBank là Ngân hàng có mức PB thấp hơn mức trung vị cao nhất (22,5%), tiếp theo là VPBank (22,4%).  

Khó thu hồi nợ, ngành ngân hàng đề xuất cho phá sản các doanh nghiệp yếu kém

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đề nghị rà soát Bộ Luật dân sự 2015, Luật Phá sản 2014 để nâng cao trách nhiệm dân sự đối với người đi vay và cho phá sản với các doanh nghiệp yếu kém không còn khả năng phục hồi.

Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng cho biết, hiện nay, các tổ chức tín dụng (TCTD) đang phải đối diện với nợ xấu tiềm ẩn rủi ro trong bối cảnh Nghị quyết 42 hết hiệu lực. Công tác thu hồi nợ xấu gặp nhiều khó khăn, nhiều khách hàng thiếu hợp tác, TCTD không được quyền thu giữ tài sản, cá biệt có khách hàng cố tình không trả nợ… làm ảnh hưởng đến quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu.

Từ những khó khăn trên, ông Nguyễn Quốc Hùng đề xuất Chính phủ cho tiếp tục luật hóa những nội dung quy định tại Nghị quyết 42 của Quốc hội nhằm tháo gỡ khó khăn cho các TCTD trong công tác thu hồi nợ cũng như mua bán và xử lý nợ xấu

Đối với Bộ Tư pháp và Tòa án Nhân dân tối cao, Hiệp hội đề nghị xem xét rà soát Bộ luật Dân sự 2015, Luật Phá sản 2014 để sửa đổi, bổ sung theo hướng nâng cao trách nhiệm dân sự đối với người đi vay và cho phá sản với các doanh nghiệp yếu kém không còn khả năng phục hồi, giảm gánh nặng cho nền kinh tế.

Ông Phạm Toàn Vượng, Tổng giám đốc Agribank cũng đề nghị Chính phủ và các cấp có thẩm quyền có cơ chế, quy định phù hợp về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, hỗ trợ các TCTD về cơ sở pháp lý để xử lý các vướng mắc trong công tác xử lý tài sản để thu hồi tối đa nợ xấu phát sinh.

Tính đến hết quý III/2024, nợ xấu toàn hệ thống các tổ chức tín dụng ở mức 252.000 tỷ đồng (tăng 20,7% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 30,3% so với đầu năm.

Theo chuyên gia phân tích Công ty chứng khoán SHS, nguyên nhân khiến nợ xấu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt là do nền kinh tế và thị trường bất động sản vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình phục hồi. Tín dụng được giải ngân trong thời gian ngắn, chủ yếu tăng mạnh ở nhóm kinh doanh bất động sản - vốn tiềm ẩn rủi ro nợ xấu cao. 

Trong khi đó, nhóm ngân hàng tư nhân quy mô nhỏ không có nhiều lợi thế trong việc lựa chọn khách hàng nên tệp khách hàng thường là nhóm có năng lực tài chính kém, khả năng phục hồi chậm hơn so với những nhóm đối tượng khác. 

Tỷ lệ nợ xấu tăng, tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu (LLCR) giảm cho thấy chất lượng tài sản toàn hệ thống đang suy giảm. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu còn 83% trong quý III/2024, giảm mạnh so với mức đỉnh (143,2%) của quý III/2022. 

SHS dự báo tỷ lệ nợ xấu và bao phủ nợ xấu sẽ cải thiện hơn vào thời điểm cuối năm khi các ngân hàng thường tập trung sử dụng trích lập dự phòng để xóa nợ xấu.

Thông tư 02 về tái cơ cấu nợ sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/12/2024 và khả năng không được gia hạn có thể sẽ khiến nợ xấu tăng lên. Theo SHS, việc Ngân hàng Nhà nước không gia hạn Thông tư 02 có thể làm tăng quy mô nợ xấu và giảm tỷ lệ bao phủ nợ xấu, nhưng không ảnh hưởng đến trích lập dự phòng của ngân hàng. 

Thông tư 02 hết hiệu lực sẽ có tác động khác nhau đối với từng ngân hàng. Nhóm ngân hàng có chất lượng tài sản lành mạnh như BIDV, Vietcombank, VietinBank, Techcombank, ACB... sẽ ít chịu ảnh hưởng nhờ sở hữu bộ đệm dự phòng vững chắc và sức khỏe tài chính tốt. 

Nhóm ngân hàng có tỷ lệ nợ nhóm 2 cao và tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp dự báo sẽ chịu ảnh hưởng lớn hơn.

Tin liên quan
Tin khác