Covid-19 chưa giảm thì thị trường vàng chưa hết “sóng”. Ảnh: Đức Thanh |
Vàng được hưởng lợi
Sau khi tăng mạnh 2 tuần đầu tháng 7, giá vàng có sự điều chỉnh nhẹ, nhưng vẫn củng cố quanh mức hỗ trợ 1.800 USD/ounce được thiết lập hôm 9/7. Nhiều quỹ đầu tư, đầu cơ và nhà đầu tư trên thế giới vẫn mua vào. Theo Bloomberg, lượng vàng nắm giữ bởi các quỹ đầu tư đảm bảo bằng vàng đã lên tới gần 3.235 tấn, tăng thêm gần 656 tấn từ đầu năm tới nay.
Các nhà phân tích tài chính cho rằng, giá vàng thế giới tăng mạnh chủ yếu do giới đầu tư thận trọng với triển vọng của kinh tế thế giới và không đổ tiền mạnh vào các loại tài sản có độ rủi ro cao như cổ phiếu. Nhiều tổ chức quốc tế dự báo, kinh tế thế giới tăng trưởng âm trong năm nay. Vì vậy, hầu hết các nước đều nới lỏng chính sách tài chính, tiền tệ với mức độ chưa từng có.
Theo thống kê mới nhất, đến nay, tổng các gói kích thích tài khóa đã tăng lên 11.000 tỷ USD và chưa có dấu hiệu dừng lại nếu chưa kiểm soát được Covid-19. Các ngân hàng trung ương trên thế giới tiếp tục giảm lãi suất để kích cầu thị trường. Điều này đã tác động mạnh lên mặt hàng vàng và số lượng nhà đầu tư tìm đến hầm trú ẩn an toàn này gia tăng.
Ông Huỳnh Trung Khánh, Cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, Singapore, Indonesia nhận định, vàng còn cơ hội tạo “sóng” trong thời gian tới cho đến khi dịch được kiểm soát. Một khi Covid-19 còn hoành hành và chưa có vacxin phòng ngừa, các nhà đầu tư vẫn tìm đến vàng, thì giá mặt hàng kim quý này còn cơ hội tăng.
Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) cho rằng, Covid-19 đang đẩy kinh tế thế giới vào một đợt suy thoái sâu khiến giới đầu tư tháo chạy khỏi chứng khoán và vàng được hưởng lợi. Covid-19 chưa giảm thì vàng chưa hết “sóng”, thậm chí, giá vàng còn được dự báo sẽ chạm mốc lịch sử năm 2011 là trên 1.900 USD/ounce và cao hơn nữa là 2.000 USD/ounce.
Có nên mua vào?
Theo các chuyên gia tài chính, trong bối cảnh thị trường ảm đạm hiện nay, so với các kênh đầu tư khác, việc bỏ vốn vào vàng đạt lợi suất thực tế cao hơn. Từ đầu năm đến nay, giá vàng thế giới đã tăng gần 20%, nếu so với cùng kỳ năm trước thì tăng đến 30%.
Ông Trần Thanh Hải cho rằng, vàng từ lâu được xem là tài sản giúp chống lại lạm phát và là nơi trú ẩn của giới đầu tư trong các giai đoạn kinh tế suy thoái và căng thẳng địa chính trị. Trước diễn biến của Covid-19, nhà đầu tư tìm đến hầm trú ẩn vàng nhiều hơn. Nhưng các nhà đầu tư, nhất là ở thị trường nội địa, không nên kỳ vọng “lướt sóng” để kiếm lời.
Để có thể kiếm lời trong đầu tư vàng, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, nhà đầu tư cần 3 điều kiện: theo dõi thị trường thường xuyên để biết sự lên xuống của giá vàng; không nên đầu tư lướt sóng; nên giữ vàng ít nhất trong khoảng 6 tháng, tránh bán ra, mua vào quá gấp, gây nhiễu loạn thị trường. Ngoài ra, người dân nên đa dạng kênh đầu tư, tránh “bỏ trứng vào một giỏ”.
Ông Huỳnh Trung Khánh nhận định, vàng tiếp tục là một loại tiền tệ thay thế hoàn hảo do tính ổn định và việc sở hữu không tốn chi phí, đặc biệt khi so với việc gửi tiết kiệm đang có lãi suất âm ở nhiều quốc gia trên thế giới. Fed cũng đưa lãi suất USD về gần 0%, vì thế, rót vốn vào vàng lúc này chưa hết cơ hội để kiếm lời.
Dĩ nhiên, với kênh đầu nào cũng vậy, khi lợi nhuận đem lại cao, thì rủi ro là khó tránh và vàng không là ngoại lệ. Giá vàng tăng thì cũng sẽ khó tránh quay đầu, nhà đầu tư cần tranh thủ chốt lời. Đặc biệt, lâu nay, thị trường Việt Nam và thế giới vẫn không liên thông, do Việt Nam cấm xuất, nhập vàng. Thị trường vàng trong nước dù diễn biến theo giá vàng quốc tế, song nhiều thời điểm vẫn không theo kịp.
Để nắm bắt được cơ hội trong đầu tư vàng, nhà đầu tư trong nước phải theo sát diễn biến của kinh tế thế giới và thị trường vàng. “Các nhà đầu tư nhỏ, lẻ nên thận trọng, không nên bỏ vốn vào một ‘giỏ’ là vàng. Các nhà đầu tư trong nước chỉ nên mua vàng vật chất, thay vì giao dịch tài khoản như thế giới”, ông Khánh nói.