Tại hệ thống cửa hàng Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC), giá vàng miếng yết ở mức 66,4 - 67 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giữ nguyên ở cả chiều mua và bán so với phiên trước đó. Giá vàng bán ra tại các cửa hàng khác thấp hơn 100.000 - 200.000 đồng. Chênh lệch giữa hai chiều mua - bán duy trì ở mức khoảng 600.000 đồng/lượng.
Chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới rơi vào khoảng hơn 10 triệu đồng/lượng.
Dữ liệu kinh tế mạnh mẽ mới được công bố và đà đi lên của đồng USD tiếp tục gây sức ép lên thị trường vàng trong phiên giao dịch ngày hôm nay. Tâm điểm của giới đầu tư đang đổ dồn vào phiên điều trần của Chủ tịch Fed ông Jerome Powell trước Quốc hội vào cuối tuần này để tìm kiếm thêm thông tin về lộ trình tăng lãi suất tiếp theo của cơ quan này.
Ở thời điểm hiện tại, giá vàng giao ngay tăng 0,09% lên 1.937,73 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8/2023 trên sàn Comex New York tăng 0,04% lên 1.948,8 USD/ounce.
Dữ liệu nhà ở trong tháng 5 tại Mỹ chỉ ra, có khoảng 1,63 triệu ngôi nhà được khởi công xây dựng; cao hơn dự đoán chỉ 1,39 triệu ngôi nhà được dự đoán; đồng thời cũng là mức cao nhất trong hơn một năm qua (tăng 21,7% và giấy phép xây dựng tăng 5,2%).
Ông Daniel Pavilonis, chiến lược gia thị trường cấp cao tại RJO Futures cho biết, dữ liệu kinh tế ấn tượng mới được đưa ra là áp lực đè nặng lên thị trường vàng, vốn đã cực kỳ mong manh sau quan điểm diều hâu của Chủ tịch Fed tuyên bố trong cuộc họp tuần trước. Cuộc chiến ở Ukraine được kiềm chế, chuỗi cung ứng đang trở lại, lãi suất được bình thường hóa, thị trường chứng khoán tăng cao,... cũng là những nguyên nhân khiến dòng tiền rời xa khỏi thị trường vàng trong thời điểm này.
Không chỉ thế, các chuyên gia phân tích của Commerzbank đã hạ dự báo giá vàng cuối năm xuống còn 2.000 USD/oz, với kỳ vọng Fed sẽ nâng lãi suất vào tháng 7/2023 và không hạ lãi suất cho đến quý II năm sau.
Khoảng một năm sau chiến dịch kiểm soát lạm phát, các nhà hoạch định chính sách vẫn còn cách xa mục tiêu đề ra. Ở Mỹ và châu Âu, lạm phát cơ bản vẫn ở mức khoảng 5% hoặc cao hơn ngay cả khi giá năng lượng và lương thực tăng mạnh trong năm ngoái không còn là vấn đề quan tâm. Tác động của các đợt tăng lãi suất quyết liệt hồi năm ngoái có vẻ đang phai nhạt. Thị trường nhà đất đang cho thấy dấu hiệu ổn định trở lại và tỷ lệ thất nghiệp đang tiếp nối đà suy giảm.
Bối cảnh hiện tại đã đẩy các ngân hàng trung ương lớn vào tình thế khó khăn. Họ phải phán đoán xem liệu có phải lạm phát đang mắc kẹt ở mức cao hơn hẳn mục tiêu 2% hay đà đi xuống của lạm phát chỉ đơn giản là đang bị trì hoãn.
Lãi suất cao hơn làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không mang lãi suất như vàng.
Ngoài ra, chỉ số DXY tăng khiến vàng trở nên kém hấp dẫn hơn đối với những người mua bằng các loại tiền tệ khác.
Chỉ số DXY - đo lường biến động của USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt trên thế giới đã tăng 0,03% lên 102,56 điểm.
Tỷ giá trung tâm hôm nay ngày 21/6 được Ngân hàng Nhà nước công bố là 23.727 đồng/USD; tăng 9 đồng so với phiên trước. Với biên độ +/-5% theo quy định, biên độ dao động của tỷ giá USD tương ứng là 22.541 - 24.913 đồng/USD. Tại Vietcombank, tỷ giá hiện đang được yết ở mức 23.350 đồng/USD (mua vào) và 23.690 đồng/USD (bán ra).