Biểu tượng đồng euro ở phía trước trụ sở Ngân hàng trung ương châu Âu ở Frankfurt, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN |
Giới chuyên gia đưa ra nhận định này trước thềm cuộc họp báo về quyết định lãi suất của ECB trong ngày 15/6.
Nhận định được đưa ra trong bối cảnh tăng trưởng ở cả 20 quốc gia Eurozone đang trong trạng thái đình trệ và lạm phát đã giảm tốc trong vài tháng qua nhờ giá năng lượng giảm và lãi suất tăng mạnh nhất trong 25 năm qua. Hơn nữa, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã chấm dứt chu kỳ tăng lãi suất với quyết định giữ nguyên lãi suất đưa ra ngày 14/6. Đây được cho là dấu hiện rõ rệt khiến các nhà đầu tư toàn cầu cho rằng chu kỳ siết chặt tiền tệ ở các nền kinh tế phát triển chuẩn bị kết thúc, cho dù Mỹ vẫn có thể thực hiện một vài đợt tăng lãi suất nữa.
Tuy nhiên, lạm phát tại khu vực Eurozone vẫn ở mức cao 6,1% - gấp 3 lần mức mục tiêu 2% mà ECB muốn duy trì. Trong khi đó, mức tăng giá cả - không gồm thực phẩm và năng lượng- chỉ mới bắt đầu chậm lại. Những yếu tố trên dự kiến sẽ khiến ECB tiếp tục lộ trình siết chặt tiền tệ.
Giới quan sát dự báo trong ngày 15/6 ECB sẽ thông báo tăng lãi suất tiền gửi áp dụng với các ngân hàng lần thứ 8 liên tiếp, theo đó tăng 25 điểm cơ bản lên 3,5%, mức cao nhất từ năm 2021. Các nhà kinh tế tham gia khảo sát mới của Reuters cũng dự báo ECB sẽ có đợt tăng lãi suất tương đương vào tháng 7 tới, trước khi tạm dừng tăng lãi suất trong thời gian còn lại của năm 2023. Tuy nhiên, nhóm nhà kinh tế học từ ngân hàng Deutsche của Đức cho rằng Chủ tịch ECB Christine Lagarde trong cuộc họp báo ngày 15/6 sẽ để ngỏ khả năng tăng lãi suất thêm một đợt nữa vào tháng 9 tới.