Ngân hàng - Bảo hiểm
Vàng đi lên trước nỗi lo lạm phát kéo dài
Phạm Anh - 04/04/2023 09:49
Quyết định gây sốc của OPEC+ có vẻ như đang khiến tác dụng phòng hộ trước lạm phát của vàng được phát huy.

Tại hệ thống cửa hàng Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC), giá vàng miếng yết ở mức 66,450 - 67,050 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Giá vàng bán ra tại các cửa hàng khác thấp hơn 100.000 - 200.000 đồng. Chênh lệch giữa hai chiều mua - bán duy trì ở mức khoảng 700.000 đồng/lượng. So với giá vàng thế giới, giá vàng trong nước thấp hơn khoảng 11 triệu đồng/lượng.

Giá vàng bất ngờ vọt tăng khoảng 1% sau khi nỗi lo về khả năng lạm phát kéo dài quay trở lại với giới đầu tư cũng như những nghi ngại về khả năng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới.

Ở thời điểm hiện tại, giá vàng giao ngay giảm 0,08% xuống 1.978,47 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4/2023 trên sàn Comex New York giảm 0,24% còn 1.995 USD/ounce.

Vàng đã kết thúc tháng 3 dưới mốc 2.000 USD/ounce, tăng 7% trong tháng và 9% từ đầu năm đến nay - hiệu suất hàng tháng tốt nhất kể từ tháng 7/2020 và là kết quả hàng quý tốt nhất kể từ quý II/2020.

Theo đó, ngày 2/4 vừa qua, Ả Rập Xê Út và các nhà xuất khẩu dầu khác đã bất ngờ thông báo cắt giảm tổng cộng tới 1,15 triệu thùng/ngày từ tháng 5 cho đến cuối năm. Động thái này diễn ra một ngày trước cuộc họp của hội đồng cấp bộ trưởng Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+). Mặc dù, việc cắt giảm sản lượng chỉ chiếm khoảng 1% trong số khoảng 100 triệu thùng dầu mà thế giới sử dụng mỗi ngày, nhưng tác động lên giá có thể rất lớn.

Giới chuyên gia nhận định, quyết định của OPEC+ đã tiếp tục gây áp lực lên việc tăng lãi suất của các nhà hoạch định chính sách tiền tệ trên toàn cầu sau các giai đoạn hỗn loạn thị trường về sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) và UBS buộc phải tiếp quản Credit Suisse.

Những biến động về giá dầu trong lịch sử thường khiến các nhà hoạch định chính sách gặp vô vàn khó khăn trong việc đưa ra đối sách. Với bối cảnh kinh tế hiện tại, không có gì ngạc nhiên khi một số nhà kinh tế cho rằng, cần phải chờ xem dữ liệu trước khi đưa ra kết luận. Một số nhà đầu tư đang nói về việc giá dầu Brent có thể lên tới 100 USD/thùng, một mức có thể gây sốc hơn cho nền kinh tế.

Chuyên gia phân tích thị trường của OANDA, ông Edward Moya nhận định, trong thời gian vừa qua, thị trường đang liên tục biến động trước những sự kiện lớn và điều này không hề khiến các nhà đầu tư ưa thích. Quyết định gây sốc mới đây của OPEC+ có vẻ như đang khiến tác dụng phòng hộ trước lạm phát của vàng được phát huy.

Không chỉ thế, giá vàng còn được củng cố bởi dữ liệu về hoạt động sản xuất của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần ba năm vào tháng 3 trong bối cảnh các điều kiện tín dụng bị thắt chặt, kéo theo sự sụt giảm của lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của chính phủ Mỹ.

Ngoài ra, tuyên bố của OPEC+ cũng khiến USD giảm giá mạnh. Đã có thời điểm trong phiên, chỉ số của USD giảm xuống dưới 102 điểm. Chỉ số DXY - đo lường biến động của USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt trên thế giới  hiện ở mức 102,17 điểm.

Tỷ giá trung tâm hôm nay ngày 31/3 được Ngân hàng Nhà nước công bố là 23.602 VND/USD. Với biên độ +/-5% theo quy định, biên độ dao động của tỷ giá USD tương ứng là 22.422 - 24.782 VND/USD. Tại Vietcombank, tỷ giá hiện đang được niêm yết ở mức 23.310 VND/USD (mua vào) và 23.650 VND/USD (bán ra).

Tin liên quan
Tin khác