Vàng mạnh lên phiên đầu tuần vì USD mạnh khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua bằng ngoại tệ khác. Chỉ số USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền đối thủ trong rổ tiền tệ lên 95,24 điểm.
Tuy nhiên, triển vọng giá vàng đang tốt dần lên trong tháng đầu năm 2022, mối đe dọa về lạm phát cuối cùng đang đẩy vàng lên cao hơn khi các nhà đầu tư kỳ vọng áp lực giá sẽ tiếp tục leo thang. Trong tuần trước, giá đã tăng 1,1%.
Các nhà phân tích cho rằng, hậu quả của khả năng chính sách tiền tệ sai lầm khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trở nên diều hâu hơn trong bối cảnh dữ liệu lạm phát mới nhất vừa được công bố.
Tại Mỹ, lạm phát tăng ở tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1982 vào tháng 12, tăng 7% trong 12 tháng qua. Trong khi đó, doanh thu bán lẻ giảm mạnh nhất trong 10 tháng, giảm 1,9%.
Trong phiên điều trần nhằm chuẩn bị cho việc phê chuẩn nhiệm kỳ bốn năm thứ hai trên cương vị Chủ tịch Fed tại Quốc hội, ông Jerome Powell thẳng thắn thừa nhận, tình trạng lạm phát cao sẽ kéo dài đến giữa năm 2022 và Fed sẽ hành động nếu cần để kiểm soát đà tăng của giá cả và sẽ phải tăng lãi suất nếu lạm phát cao trong thời gian dài.
Ông Powell cũng khẳng định Fed có thể hạ nhiệt lạm phát mà không làm ảnh hưởng đến thị trường lao động. Đồng thời, sớm tăng lãi suất cơ bản của đồng USD từ mức gầng bằng 0% (0,25%) hiện nay với 3 lần tăng lãi suất năm 2022.
Hai động lực lớn đối với vàng trong tương lai là USD và lợi tức trái phiếu. Nhưng USD nhìn chung ghi nhận xu hướng giảm vào tuần trước, theo đó gia tăng sức hấp dẫn của vàng, trong khi lợi suất trái phiếu dứt đà tăng.
Vàng được coi là hàng rào chống lại lạm phát cao, nhưng lãi suất của Mỹ tăng khiến chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng vốn không sinh lời cũng tăng theo, trong khi USD mạnh hơn khiến kim loại quý trở nên đắt đỏ đối với người mua giữ các loại tiền tệ khác.
Nhận định về xu hướng của vàng trong tuần này, một số ý kiến cho rằng, vàng có khả năng vượt qua vùng kháng cự 1.830 - 1.835 USD/ounce. Ở chiều ngược lại, một số ý kiến cho rằng việc Fed sớm tăng lãi suất cơ bản sẽ hỗ trợ đồng USD đi lên và tạo áp lực làm giảm giá vàng.
Đối với thị trường vàng trong nước, sáng nay, giá vàng miếng SJC giảm 50.000 đồng mỗi lượng, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vào còn 61,05 triệu đồng/lượng và bán ra 61,65 triệu đồng/lượng.
Tại Tập đoàn Doji, giá mua giảm 50.000 đồng/lượng còn giá bán tăng 50.000 đồng/lượng. Hệ thống PNJ và Doanh nghiệp Phú Quý đồng loạt giữ nguyên không đổi cho cả hai chiều giao dịch.
Tuy nhiên, quy đổi theo tỷ giá của ngân hàng Vietcombank, mỗi lượng vàng SJC lại nâng cao mức chênh lệch với thế giới lên gần 12 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí). Chính điều này khiến thị trường vàng trong nước kém hấp dẫn nhà đầu tư.
Ngày 17/1, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố là 23.085 VND/USD, cộng 3 đồng so với cuối tuần qua. Còn giá USD tại ngân hàng Vietcombank vẫn giữ nguyên giá mua vào 22.540 VND/USD và bán ra 22.850 VND/USD.