Ngân hàng
Vàng “hạ nhiệt” sau khi lập kỷ lục mới 86,2 triệu đồng/lượng, USD vẫn nóng
Thanh Thủy - 06/05/2024 13:57
Giá USD trên thị trường tự do vẫn “miệt mài” tăng trong khi tỷ giá ngân hàng chịu sự điều chỉnh của mức trần quy định. Giá vàng trong nước ở mức cao dù đã giảm nhẹ sau khi xác lập kỷ lục giá mới.

Liên tục xác lập đỉnh cao mới

Tiếp đà tăng của tuần trước, giá vàng trong nước bật lên khá mạnh ngay đầu tuần nhưng đã điều chỉnh sau khi vượt lên trên mốc 86,2 triệu đồng/lượng. Cụ thể, đến đầu giờ chiều, giá vàng miếng tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC) giao dịch ở mức 83,7 triệu đồng/lượng (mua vào) và 85,9 triệu đồng/lượng (bán ra), lần lượt tăng 200.000 đồng/lượng chiều mua trong khi giữ nguyên ở chiều bán. Có thời điểm hãng vàng này đã chấp nhận thu mua vàng với giá 84 triệu đồng/lượng trong khi bán ra tại 86,2 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, đến cuối giờ sáng nay, PNJ và Phú Quý đều neo giá vàng miếng bán ra trên mức 86 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn DOJI có động thái đáng chú ý khi mạnh tay hạ giá bán ra ngay giờ giao dịch đầu tuần mới. Hiện vàng miếng SJC tại DOJI được mua vào ở mức 83,7 triệu đồng/lượng, trong khi bán ra thị trường với giá 85,2 triệu đồng/lượng. Tại Hà Nội, đây cũng là hãng vàng yết giá bán ra thấp nhất so với mặt bằng chung, đồng thời, chênh lệch mua – bán cũng giảm về còn 1,5 triệu đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC) sáng nay tăng thêm 100.000 đồng/lượng mỗi chiều và duy trì mức trên trong cả sáng, với giá mua vào là 73,2 triệu đồng/lượng và bán ra 74,9 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, vàng nhẫn tại Bảo tín Minh Châu “hạ nhiệt” đáng kể sau khi tăng mạnh giữa buổi sáng. Hiện hãng vàng này đang thu mua vàng ở mức 73,73 triệu đồng/lượng trong khi bán ra tại 75,33 triệu đồng/lượng, tăng 150.000 đồng/lượng so với cuối tuần trước.

Thị trường vàng trong nước biến động trong bối cảnh thị trường thế giới mở cửa đầu tuần khá bình lặng. Giá vàng giao dịch trong biên độ hẹp quanh mốc 2.300 USD/ounce. Đầu giờ chiều, giá vàng giao ngay giao dịch tại 2.312 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng /2024 trên sàn Comex New York tăng hơn 12 USD/ounce, lên 2.321 USD/ounce.

Trong khi đó, tại sàn giao dịch vàng Thượng Hải - sàn giao dịch vàng vật chất lớn nhất thế giới và cũng là trung tâm giao dịch vàng lớn nhất châu Á, giá vàng tiếp tục giảm về vùng giá thấp nhất trong một tháng trở lại đây. Đây là phiên giao dịch đầu tiên của sàn vàng này sau 5 ngày nghỉ lễ. Trước thềm nghỉ lễ, giá vàng tại ngày 30/4 đóng cửa ở mức gần 547 nhân dân tệ/gram, ghi nhận phiên giảm thứ hai liên tiếp.

Giá vàng tại sàn vàng Thượng Hải giao dịch ở mức 543,6 nhân dân tệ/gram, giảm 5% từ đỉnh nhưng vẫn tăng tới gần 13% từ đầu năm đến nay. Nhờ đó, chênh lệch giữa giá vàng tại Trung Quốc so với giá thế giới quy đổi cũng đã thu hẹp đáng kể. Nhu cầu sau kỳ nghỉ lễ vẫn còn yếu. Tại thị trường Ấn Độ, nhu cầu hiện cũng ở mức thấp trong tuần dù giá giảm.

Trong nước, các hoạt động quản lý thị trường vàng tiếp tục được đặc biệt chú trọng. Tuần trước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 2/5/2024 về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. Trong đó, một trong các nhiệm vụ giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và giám sát chặt chẽ việc cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng, thực hiện ngay công tác thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng, kiện toàn hệ thống thanh tra, kiểm tra bảo đảm thông suốt, gắn kết từ Trung ương đến địa phương, hiệu lực, hiệu quả.

Tổng cục Thuế mới đây đã có đề xuất kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, trình cấp thẩm quyền quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch kinh doanh vàng, đồng thời quy định cơ chế kiểm soát các giao dịch này. Một giải pháp nữa mà ngành thuế đã thực hiện là phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, địa phương trong việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các cơ sở kinh doanh bán hàng hóa dịch vụ nhưng không xuất hóa đơn điện tử, trong đó có các cơ sở kinh doanh vàng.

Ghìm chân tỷ giá ngân hàng nhưng chưa hạ nhiệt được giá USD tự do

Theo công bố của NHNN, tỷ giá trung tâm sáng ngày 4/5 là 24.245 đồng/USD, tăng 4 đồng/USD. Dứt chuỗi giảm kéo dài 3 phiên liên tiếp, tỷ giá trung tâm tăng trở lại cũng kéo tỷ giá tại các ngân hàng tăng theo và vẫn đang “kịch trần” ở  khá nhiều ngân hàng.

Tại Vietcombank, tỷ giá USD đang yết ở mức 25.147 đồng /USD (mua chuyển khoản) và 25.454 đồng /USD (bán ra), cũng tăng 4 đồng/USD tương tự mức tăng của tỷ giá trung tâm.

Trong khi đó, giá USD trên thị trường tự do tiếp tục tăng và xác lập các kỷ lục mới. Khảo sát một số cửa hàng, giá USD trên thị trường tự do đang được thu mua ở mức 25.710 đồng trong khi bán ra khoảng 25.790 đồng.

Tuần trước, sau khi Fed giữ nguyên lãi suất điều hành cũng như bác bỏ khả năng tăng thêm lãi suất, chỉ số DXY và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đồng loạt giảm, điều này giúp giải tỏa phần nào áp lực đối với tỷ giá VND trong ngắn hạn. Dù vậy, diễn biến tỷ giá vẫn chưa cho thấy sự hạ nhiệt đáng kể.

Tuần này, giới đầu tư đổ dồn sự chú ý vào các phát biểu của một loạt quan chức Fed để tìm kiếm thêm tín hiệu về thời gian cắt hạ lãi suất tiềm năng. Dữ liệu hôm thứ Sáu cho thấy tốc độ mở rộng việc làm ở Mỹ tháng 4 vừa qua đã giảm nhanh hơn dự kiến, củng cố kỳ vọng rằng Fed sẽ bắt đầu thực hiện hạ lãi suất vào cuối năm nay.

Cùng đó, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) dự kiến ​​sẽ giữ nguyên chính sách tiền tệ sau khi tỷ lệ lạm phát giảm xuống 3,2% trong tháng 3, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2021. Dù vẫn cao hơn lạm phát mục tiêu 2%, Thống đốc Andrew Bailey lạc quan rằng lạm phát của Anh đang trên đà đạt được mục tiêu. Các nhà đầu tư cũng đang chờ đợi cuộc họp chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).  Sự chú ý còn đổ dồn vào Bản tóm tắt ý kiến ​​của BoJ. Các nhà đầu tư cũng đang tìm kiếm những gợi ý về quan điểm chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản trong năm nay. Nhật Bản cũng sẽ công bố cán cân thanh toán trong tháng 3, có thể tiết lộ một số tác động khi đồng yên Nhật đã suy yếu mạnh thời gian qua.

Tin liên quan
Tin khác