Giá vàng miếng SJC nới rộng khoảng cách với giá thế giới quy đổi. |
Dù có nhịp giảm nhẹ khi trở lại sau lễ, giá vàng miếng SJC đã liên tục đi lên và xác lập mức cao kỷ lục mới.
Tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC) và PNJ, vàng miếng SJC sáng cuối tuần giao dịch ở mức 83,5 triệu đồng/lượng (mua vào) và 85,9 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 100.000 đồng/lượng so với hôm qua. Chênh lệch giá mua - bán nới lên 2,4 triệu đồng/lượng. Các hãng vàng khác cũng đồng loạt niêm yết giá thu mua quanh mức 83,5 - 83,6 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng miếng SJC bán ra thấp hơn. Tại Tập đoàn DOJI và Bảo tín Minh Châu, vàng miếng SJC bán ra tại mức giá thấp hơn, 85,7 triệu đồng/lượng.
So với thời điểm trước nghỉ lễ, vàng miếng đã tăng tới 500.000 đồng/lượng ở chiều mua và 700.000 đồng/lượng ở chiều bán ra chỉ trong vài ngày giao dịch. Trái với nhịp tăng mạnh trong nước, thị trường vàng quốc tế đã lao dốc khá mạnh trong tuần qua và đang duy trì khá vững ở mốc 2.300 USD/ounce.
Hiện giá vàng giao ngay khép lại tuần giao dịch đầu tiên của tháng 5/2024 ở mức 2.301 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6/2024 trên sàn Comex New York cũng nhích nhẹ lên 2.310 USD/ounce. Như vậy, chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC so với giá thế giới quy đổi đã nới rộng lên gần 14,4 triệu đồng/lượng.
Ngoài diễn biến đảo chiều của vàng thế giới, hoạt động quản lý điều hành cũng được Chính phủ đặc biệt lưu tâm. Ngay sau kỳ nghỉ lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 2/5/2024 về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. Trong đó, một trong các nhiệm vụ giao Ngân hàng Nhà nước là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và giám sát chặt chẽ việc cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng, thực hiện ngay công tác thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng, kiện toàn hệ thống thanh tra, kiểm tra bảo đảm thông suốt, gắn kết từ Trung ương đến địa phương, hiệu lực, hiệu quả.
Cũng trong ngày hôm qua (3/5), Ngân hàng Nhà nước lên kế hoạch đấu thầu bán vàng miếng nhưng phải hủy sau đó do không đủ số lượng doanh nghiệp đăng ký dự thầu. Giá tham chiếu nhận đặt cọc tham dự đấu thầu phiên này là 82,9 triệu đồng/ lượng. Theo quy định, tỷ lệ đặt cọc dự thầu sẽ là 10%. Như vậy, để tham gia đấu thầu, bên mua cần đăng ký mua tối thiểu 1.400 lượng vàng, tương ứng đặt cọc hơn 11,6 tỷ đồng.
Không riêng Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục Thuế cho biết, thời gian qua, ngành thuế đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm soát xuất hóa đơn điện tử trong thực hiện các giao dịch mua, bán vàng.
Để tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan, ban ngành, địa phương trong công tác quản lý thuế đối với lĩnh vực kinh doanh vàng, ngoài các giải pháp của ngành thuế, Tổng cục Thuế kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, trình cấp thẩm quyền quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch kinh doanh vàng, đồng thời quy định cơ chế kiểm soát các giao dịch này.
Một giải pháp nữa mà ngành thuế đã thực hiện là phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, địa phương trong việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các cơ sở kinh doanh bán hàng hóa dịch vụ nhưng không xuất hóa đơn điện tử, trong đó có các cơ sở kinh doanh vàng.
Đồng thời, Tổng cục Thuế cũng kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, địa phương triển khai các chuyên đề rà soát, xử lý vi phạm đối với các cơ sở kinh doanh vàng bán hàng không xuất hóa đơn kịp thời cho người mua; tổ chức giám sát, kiểm tra việc duy trì, chấp hành của các cơ sở kinh doanh vàng đã áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.